(VnMedia) - Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã khiến ngay cả những đồng minh thân nhất của mình phải choáng váng khi bất ngờ tuyên bố chiến đấu đến “giọt máu cuối cùng” bất chấp việc cộng đồng quốc tế đang chung tay nỗ lực tìm kiếm hoà bình cho quốc gia Đông Âu này.
Tổng thống Poroshenko |
Chính quyền Kiev cáo buộc Nga tăng cường sự hiện diện quân sự ở Ukraine – một điều mà Moscow kiên quyết phủ nhận. Dựa trên cáo buộc trên, Tổng thống Poroshenko mới đây đã lên tiếng thề sẽ chiến đấu “chống lại sự xâm lược của Nga” “cho đến giọt máu cuối cùng”.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình ZDF của Đức, Tổng thống Ukraine Poroshenko đã đưa ra lời tố cáo rằng Nga đang triển khai tới 11.000 quân ở miền đông Ukraine và rằng lực lượng này có thể kích động quân ly khai trong khu vực cũng như tiến hành xây dựng một cây cầu nối tới bán đảo Crimea.
Nhà lãnh đạo Ukraine so sánh tình hình hiện nay với cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II với sự khác biệt duy nhất là “mối đe doạ lần này đến từ phía Đông chứ không phải phía Tây”. Ông Poroshenko tuyên bố đầy cứng rắn rằng, “chúng tôi sẽ chiến đấu cho đất nước của mình đến giọt máu cuối cùng”.
Tuy nhiên, những người dân thường Ukraine có vẻ như không ủng hộ tinh thần chiến đấu trên của ông Poroshenko. Theo các cuộc thăm dò dư luận, có tới 95% thanh niên trong độ tuổi lao động ở riêng thủ đô Kiev đang tránh nghĩa vụ quân sự bằng rất nhiều biện pháp, từ đút lót cho đến chạy sang các nước khác.
Lời cáo buộc của Kiev về việc Nga triển khai 11.000 quân ở miền đông Ukraine đã nhanh chóng vấp phải phản ứng mạnh mẽ và gay gắt từ phía Moscow. Phát ngôn viên điện Kremlin – ông Dmitry Peskov hôm qua (14/5) đã thẳng thừng tuyên bố: “Những lời cáo buộc vô căn cứ, mập mờ và thiếu cơ sở như vậy sẽ chẳng bao giờ đem lại một kết quả tích cực nào".
Chưa dừng lại ở những lời cáo buộc, Tổng thống Ukraine Poroshenko còn chỉ trích thoả thuận Minsk, nói rằng nó chỉ là “thứ hoà bình giả tạo”, không đảm bảo bất kỳ sự an toàn hay an ninh nào cho đất nước của ông này. Trong khi đó, cả Pháp và Đức – hai nước đang hậu thuẫn mạnh mẽ cho Kiev, lại xem việc thực thi thoả thuận Minsk là điều quan trọng có tính then chốt cho việc duy trì an ninh ở Châu Âu và đó cũng là lựa chọn tốt nhất để vượt qua cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay.
"Những điều khoản trong thoả thuận Minsk là những thứ chúng ta đang có. Đó là những yếu tố cơ bản để chúng ta tìm kiếm một giải pháp hoà bình. Chúng ta không thể nói rằng nó sẽ thành công nhưng chúng ta cũng chẳng có sự lựa chọn nào khác. Đó là lý do tại sao chúng ta nên tiếp tục theo đuổi công việc của mình theo hướng này”, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phát biểu như vậy.
Cùng quan điểm với bà Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố: "Cách tốt nhất để thoát ra khỏi tình hình hiện nay là tiến tới thực hiện Thoả thuận Minsk".
Kiev lâu nay vẫn liên tục cáo buộc Moscow tung hàng nghìn quân và nhiều vũ khí vào miền đông Ukraine để hậu thuẫn cho lực lượng ly khai. Tuy nhiên, Nga bác bỏ mọi cáo buộc như vậy.
Việc Tổng thống Poroshenko bất ngờ tuyên bố chiến đấu đến giọt máu cuối cùng khiến mọi người, đặc biệt là các đồng minh phương Tây của ông này, không khỏi ngỡ ngàng, choáng váng bởi nó được đưa ra vào thời điểm mà tình hình Ukraine đang có nhiều tiến triển và cộng đồng quốc tế đang hy vọng vào khả năng tìm được một giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này.
Tuy nhiên, đây không phải là phát biểu duy nhất gây sốc của ông Poroshenko trong thời gian gần đây. Hôm thứ Hai đầu tuần (11/5), Nhà lãnh đạo Ukraine đã công khai lên tiếng thề rằng lực lượng của ông sẽ đánh chiếm lại khu vực sân bay chiến lược ở Donetsk bằng bất kỳ giá nào bất chấp thực tế rằng điều đó sẽ vi phạm trực tiếp đến thỏa thuận Minsk mà các đồng minh phương Tây của Kiev cùng với Nga đã nỗ lực tìm cách thúc đẩy thực hiện. Trước đó nữa, hồi tháng 4, ông Poroshenko cũng khăng khăng cho rằng, hòa bình ở Ukraine chỉ có thể được thiết lập trở lại với những điều kiện tiên quyết là Kiev giành lại được vùng Donbass và bán đảo Crimea.
Những phát biểu gây sốc trên của ông Poroshenko đã nhanh chóng bị phản ứng. Tổng thống Ukraine đã bị chính đồng minh hàng đầu của mình “sửa lưng”. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới đây đã cảnh báo Kiev rằng bất kỳ nỗ lực nào của Ukraine nhằm chiếm lại sân bay Donetsk thông qua vũ lực đều là hành động vi phạm thỏa thuận Minsk và nước này sẽ phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ phía Washington.
Bị đồng minh cảnh báo, Tổng thống Poroshenko hôm qua đã rút lại phát biểu về việc chiếm lại sân bay Donetsk của ông này, nói rằng “tôi khuyên các bạn không nên đọc báo Nga. Đó là nguồn duy nhất mà các bạn có thể tìm thấy những thông tin vô nghĩa như vậy".
Hy vọng đang được nhen lên khi tình hình cuộc chiến ở miền đông Ukraine đã lắng dịu đi rất nhiều sau khi thỏa thuận ngừng bắn mới nhất được thực thi tương đối nghiêm túc từ hôm 15/2. Giao tranh giảm đi rõ rệt, tình trạng thương vong vì thế cũng giảm theo. Tuy nhiên, người ta không tránh khỏi có những lo ngại khi giới chức Kiev gần đây có những phát biểu đi ngược lại với tình hình.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc