(VnMedia) - Ba Lan và các nước Baltic đang tìm cách vận động, thúc đẩy NATO đưa hàng ngàn quân vào đóng cố định tại lãnh thổ của những nước này nhằm đối phó với Nga. Chủ đề này có thể được đưa ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Warsaw vào giữa năm sau, một tài liệu nội bộ của Ba Lan đã tiết lộ như vậy.
Ảnh minh họa |
Hàng nghìn quân NATO sẽ vào Baltic và Ba Lan?
Các nước Baltic gồm Lithuania, Latvia và Estonia mới đây cho biết, họ đang chuẩn bị gửi một đề nghị chung lên bộ chỉ huy NATO đề nghị liên minh này triển khai cố định một lữ đoàn trên lãnh thổ của họ. Hành động này của ba nước Baltic là nhằm để đối phó với cái mà họ cho là “mối đe dọa từ Nga”.
Theo Lithuania, các nước Baltic đã chính thức đề nghị NATO triển khai hàng nghìn quân trên lãnh thổ của ba nước như một biện pháp răn đe Nga nhưng liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương chưa đưa ra lời bảo đảm về việc đề nghị đó có được chấp nhận hay không.
Bộ Quốc phòng Latvia cũng xác nhận thông tin trên trong một tuyên bố được đưa ra hôm 14/5, trong đó nói rằng “các nước sẽ gửi một bức thư chung lên NATO vào tuần tới”.
Bộ Quốc phòng Latvia cho biết thêm, chỉ huy quân sự đến từ ba nước Baltic gần đây đã quyết định đề nghị NATO triển khai “sự hiện diện quân sự cố định ở cấp lữ đoàn” trên lãnh thổ của họ.
"Một sự hiện diện của NATO là điều kiện tiên quyết cần thiết cho an ninh Latvia trong tình hình khi Nga không thay đổi chính sách liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine cũng như Nga tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở khu vực biển Baltic”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Latvia đã nói như vậy.
Trong khi đó, Ba Lan cũng đã đưa ra đề xuất về việc NATO tăng cường sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ của nước này trong một kế hoạch đã được Cục An ninh Quốc gia Ba Lan thông qua.
Hồi năm ngoái, Ngoại trưởng Ba Lan khi đó từng nói, ông này muốn liên minh quân sự phương Tây triển khai hai sư đoàn hạng nặng (một sư đoàn điển hình của NATO thông thường có số quân từ 3.000 đến 5.000 quân) trên đất Ba Lan nhằm đáp trả cái mà phương Tây coi là sự can thiệp của điện Kremlin vào Ukraine.
Tuy nhiên, mong muốn trên của Ba Lan đã bị NATO khước từ bởi một số nước thành viên của liên minh lo ngại một hành động như vậy sẽ vi phạm thỏa thuận mà Nga-NATO ký kết năm 1997, trong đó quy định quy mô lực lượng mà NATO có thể triển khai tại các nước thuộc Hiệp ước Warsaw trước đây. Ba Lan là một trong những nước này.
Theo sáng kiến mới mà Ba Lan có ý định trình lên hội nghị thượng đỉnh NATO ở Warsaw vào giữa năm sau, nước này “muốn tìm kiếm sự hiện diện quân sự lâu dài và cố định của NATO” cùng với “các căn cứ quân sự và vũ khí hạng nặng”.
Tướng Stanislaw Koziej – Cục trưởng Cục An ninh Quốc gia Ba Lan, tuyên bố, kế hoạch mà họ đang chuẩn bị không phải là cam kết cố định của nước này. Lập trường của Warsaw có thể thay đổi trước hội nghị thượng đỉnh vào năm sau nếu như Nga tuân theo thỏa thuận Minsk. Tuy vậy, ông này vẫn nói thêm rằng, “không may là không có khả năng thỏa thuận đó được thực thi”.
Đại sứ Estonia tại Warsaw – ông Harri Tiido cho biết, chính phủ của ông này có những cuộc gặp gỡ định kỳ, thường xuyên với phía Ba Lan để bàn về quốc phòng. “Chúng tôi chắc chắn sẽ phối hợp hành động tại hội nghị thượng đỉnh Warsaw và chúng ta sẽ cùng nhau vận động hành lang nếu thấy cần thiết".
Phản ứng của NATO và Nga
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết tại cuộc họp của ngoại trưởng các nước thành viên ở thành phố Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ rằng, ông biết về đề nghị của các nước Baltic nhưng nhấn mạnh còn quá sớm để đánh giá về đề nghị đó.
Trong khi đó, một phát ngôn viên của NATO từ chối bình luận về kế hoạch của Ba Lan, nói rằng liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương “đang thực hiện một kế hoạch củng cố phòng thủ tập thể của NATO ở mức lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh”.
Nữ phát ngôn viên NATO cũng cho biết thêm, liên minh này đang thành lập các đơn vị kiểm soát và chỉ huy tại 6 nước thành viên ở Đông Âu, trong đó có Ba Lan. "NATO sẽ bảo vệ tất cả các đồng minh trước bất kỳ mối đe dọa nào”, phát ngôn viên NATO nhấn mạnh.
Mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. Động thái của NATO khiến Nga không thể ngồi yên.
Moscow chắc chắn sẽ coi việc NATO thiết lập sự hiện diện quân sự cố định của liên minh này ở các nước xung quanh Nga là một hành động thù địch.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc