(VnMedia) - Mỹ đang liên tiếp có những hành động khiến Trung Quốc “điên đảo” ở Biển Đông. Điều này cho thấy rõ lập trường cứng rắn, quyết liệt của Mỹ trong việc ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter |
Kể từ năm ngoái đến nay, người ta thấy Mỹ bắt đầu có những lời nói và hành động công khai thách thức tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nếu như trước năm 2014, Mỹ vẫn còn giữ thái độ có phần thận trọng trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông, tránh công khai đối đầu với Trung Quốc thì trong vòng hơn một năm trở lại đây, mọi việc đã trở nên khác đi.
Năm ngoái, giới chức Mỹ liên tục có những phát biểu mạnh mẽ nhất, cứng rắn nhất từ trước đến nay trong việc phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như tham vọng của Trung Quốc trong việc nhăm nhe giành quyền thống trị khu vực biển chiến lược và giàu tài nguyên này.
Trong một hội nghị an ninh, quốc phòng hồi tháng 5 năm 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã đưa ra những phát biểu nghiêm khắc nhất từ trước đến nay, khiến người ta liên tưởng đến việc Mỹ đã sẵn sàng “tuyên chiến” với Trung Quốc ở Biển Đông. Bộ trưởng Hagel công khai cảnh báo, Mỹ “sẽ không nhìn đi nơi khác” khi các nước như Trung Quốc cố tìm cách giới hạn sự tự do hàng hải hay phớt lờ các quy định và tiêu chuẩn quốc tế.
Chính quyền và học giả Mỹ năm ngoái còn lần đầu tiên bày tỏ lập trường rõ ràng, công khai phản bác yêu sách “đường lưỡi bò”, phản đối các hành động gây căng thẳng, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực Biển Đông; ủng hộ giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế, không sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Từ đâu năm nay, Mỹ đã bắt đầu đưa máy bay tuần tra săn ngầm tối tân nhất - P-8A Poseidon ra Biển Đông. Mọi nhất cử nhất động của Trung Quốc ở Biển Đông hiện giờ sẽ không thể thoát khỏi “tầm ngắm” của những chiếc máy bay siêu tinh vi P-8A Poseidon.
Tiếp đó, Washington gần đây thông báo, nước này đang lên kế hoạch để đưa tàu chiến và máy bay do thám vào khu vực nằm trong phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng phi pháp ở Biển Đông.
Mới đây nhất vừa xảy ra cuộc chạm trán nóng bỏng giữa máy bay do thám tối tân P-8A Poseidon của Mỹ với Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông. Máy bay quân sự của Mỹ đã bay trên bầu trời các khu vực đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Hành động này của Mỹ đã khiến Hải quân Trung Quốc “nổi điên”, sùng sục lên tiếng đòi máy bay Mỹ tránh xa khu vực. Hải quân Mỹ đã cho công bố đoạn video được quay từ máy bay do thám tối tân P-8 Poseidon của nước này, trong đó cho thấy quân đội Trung Quốc liên tiếp 8 lần cảnh báo, đòi máy bay Mỹ rút ra khỏi khu vực Biển Đông. Đáp lại, phi công Mỹ tuyên bố, họ đang bay trên vùng không phận quốc tế.
Những ngày qua, giới chức và báo chí Trung Quốc không ngừng lên tiếng chỉ trích và cảnh báo Mỹ, nói rằng hành động của máy bay quân sự Mỹ là “vô cùng nguy hiểm”. Bắc Kinh tiếp tục đòi Mỹ tránh xa Biển Đông.
Mỹ đẩy sự thách thức lên cao, Trung Quốc “điên đảo”?
Đáp lại những phát biểu đầy tức giận và sôi sục của phía Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter hôm 27/5 đã đẩy sự thách thức lên cao thêm một nấc khi quyết liệt và mạnh mẽ bảo vệ quyền của Mỹ trong việc được tự do bay trên bầu trời các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Bộ trưởng Carter thản nhiên tuyên bố: "Không nên có bất kỳ sai lầm nào trong vấn đề này, Mỹ sẽ bay, sẽ lướt trên mặt biển và sẽ hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Ông chủ Lầu Năm Góc cũng lên tiếng kêu gọi Trung Quốc và các nước ngừng ngay lập tức những hoạt động xây dựng đảo ở Biển Đông, kêu gọi các bên ngừng quân sự hóa cuộc tranh chấp và tìm kiếm một giải pháp hòa bình.
Theo lời ông Carter, những nỗ lực xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc “là những bước đi không phù hợp với sự đồng thuận trong khu vực và rằng máy bay quân sự Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động theo sự cho phép của luật quốc tế".
"Các hành động của Trung Quốc đang khiến các nước trong khu vực kết hợp với nhau theo những cách thức mới. Họ đang yêu cầu nhiều hơn về sự can thiệp của Mỹ vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và chúng tôi sẽ đáp ứng lời kêu gọi đó”, Bộ trưởng Quốc phòng Carter cho biết trong một buổi lễ quân sự ở Hawaii, trước thềm chuyến đi của ông đến Châu Á để tham dự một diễn đàn an ninh quan trọng trong khu vực.
"Chúng tôi sẽ vẫn là một cường quốc an ninh chủ chốt ở Châu Á-Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ tới”, ông Carter tuyên bố.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn lên tiếng khẳng định, cam kết của Washington trong việc bảo vệ đồng minh Philippines là “cứng như sắt”. Philippines đang là nước có tranh chấp quyết liệt nhất ở Biển Đông với Trung Quốc.
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn và được cho là còn chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều hành động quyết liệt và hung hăng nhằm thực hiện giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông. Đặc biệt, gần đây, Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên 6 bãi san hô mà nước này chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc