Biển Đông: Trung Quốc “cứng họng” tại diễn đàn quốc tế?

19:27, 30/05/2015
|

(VnMedia) - Diễn đàn an ninh Shangri-La ở Singapore ngày hôm nay (30/5) chứng kiến hai cường quốc Mỹ và Nhật Bản công khai gây sức ép quyết liệt đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Đại diện của Trung Quốc dường như chỉ phản ứng được yếu ớt trước sự công kích dữ dội nói trên.
 

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter


Mỹ đòi Trung Quốc dừng ngay lập tức hoạt động bồi đắp, xây dựng ở Biển Đông

 
Mỹ hôm nay đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động cải tạo, bồi đắp và xây dựng ở Biển Đông đồng thời cam kết sẽ tiếp tục đưa máy bay quân sự cũng như tàu hải quân vào khu vực căng thẳng này.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã phát biểu tại một hội nghị an ninh cấp cao ở Singapore rằng Bắc Kinh đang cư xử “không phù hợp” với những tiêu chuẩn quốc tế. "Trước hết, chúng tôi muốn một giải pháp hòa bình cho tất cả các cuộc xung đột. Để đạt được mục đích đó, cần phải có sự chấm dứt ngay lập tức và mãi mãi đối với các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng của các bên có tranh chấp”, ông Carter nhấn mạnh tại cuộc Đối thoại hàng năm Shangri-La về an ninh với sự có mặt của phái đoàn quân sự cấp cao của Trung Quốc trong hàng ghế khán giả.
 
"Chúng tôi cũng phản đối bất kỳ hành động quân sự hóa nào thêm nữa các khu vực đang nằm trong tranh chấp” ở Biển Đông, ông Carter nói thêm.
 
Ông chủ Lầu Năm Góc cho biết, Trung Quốc đang đi “quá xa và quá nhanh” hơn bất kỳ nào khác trong việc tiến hành các dự án xây dựng, cải tạo và bồi đắp ở Biển Đông.
 
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Carter đã kêu gọi Trung Quốc và 10 nước thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhanh chóng thông qua “một bộ quy tắc ứng xử” ở Biển Đông trong năm nay.
 
Nhật Bản lên tiếng
 
Cùng với Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani hôm nay cũng lên tiếng cảnh báo rằng, những dự án bồi đắp, cải tạo và xây dựng ở Biển Đông đang có nguy cơ đẩy khu vực vào tình trạng rối loạn, mất trật tự. Ông Nakatani kêu gọi các nước, trong đó có Trung Quốc, hãy cư xử một cách có trách nhiệm.
 
"Nếu chúng ta bỏ qua cho bất kỳ hành động bất hợp pháp nào thì trật tự sẽ sớm biến thành mất trật tự và hòa bình, sự ổn định sẽ bị sụp đổ", Tướng Nakatani cho biết trong bài phát biểu tại cuộc Đối thoại Shangri-La.
 
"Tôi hy vọng và mong chờ tất cả các nước, trong đó có Trung Quốc, hãy cư xử như một cường quốc có trách nhiệm”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh.
 
Căng thẳng đang leo thang ở Biển Đông trong những tháng gần đây khi Trung Quốc đẩy mạnh việc bồi đắp, xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở một mức độ cấp tập chưa từng có.
 
Ông Nakatani đã đưa ra đề xuất được gọi là “Sáng kiến Đối thoại Shangri-La" gồm 3 biện pháp nhằm củng cố an ninh hàng hải và an toàn trên không ở Biển Đông, trong đó có việc giám sát 24/24 không phận ở Biển Đông do các nước ASEAN thực hiện.
 
Cả Nhật Bản và Mỹ đều không có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông nhưng hai nước này đều khẳng định quyết tâm bảo vệ sự tự do hàng hải trong khu vực. Ngoài ra, cả Tokyo và Washington còn muốn bắt tay với nhau trong việc tìm cách kiềm chế sự nổi lên cũng như tham vọng của Bắc Kinh.
 
Phát biểu tại Singapore, Bộ trưởng Carter tuyên bố, Mỹ sẽ “ủng hộ quyền của các bên có tranh chấp trong việc theo đuổi cuộc chiến pháp lý ở tòa án quốc tế cũng như tìm kiếm các phương tiện hòa bình khác để giải quyết các cuộc tranh chấp”.
 
Manila khiến Bắc Kinh nổi giận khi chính thức đệ đơn lên tòa án quốc tế để bác bỏ những yêu sách chủ quyền thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh cho đến nay vẫn chưa chịu công nhận tiến trình pháp lý nói trên. Trung Quốc khăng khăng đòi giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông trong khuôn khổ song phương nhằm dễ bề gây sức ép, áp lực với các nước nhỏ hơn,
 
Ngoài tiếng nói của Nhật Bản và Mỹ, tại cuộc đối thoại an ninh ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cũng lên tiếng cảnh báo, nếu các bên có tranh chấp không kiềm chế thì những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông “có thể leo thang thành một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất trong thời đại của chúng ta, nếu không nói là trong lịch sử của chúng ta”.
 
Phản ứng của Trung Quốc
 
Trong phiên hỏi đáp sau bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter, một quan chức quân sự Trung Quốc đã nói rằng, những chỉ trích của ông chủ Lầu Năm Góc là “vô căn cứ và không mang tính xây dựng”.
 
"Tự do hàng hải ở Biển Đông không phải là vấn đề bởi sự tự do này chưa bao giờ bị ảnh hưởng”, ông Zhao Xiaozhuo đến từ Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc cho biết.
 
Trong khi đó, theo tờ Tân Hoa xã, phản ứng trước những phát biểu cứng rắn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter, Giám đốc Văn phòng Đối ngoại của Bộ Quốc phòng Trung Quốc – Chuẩn Đô đốc Guan Youfei đã nói: "Sự tự do hàng hải nền là vì lợi ích của sự phát triển kinh tế chứ không phải là việc đưa máy bay quân sự và tàu đến khắp mọi nơi”.
 
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
 
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn và được cho là còn chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều hành động quyết liệt và hung hăng nhằm thực hiện giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông. Đặc biệt, gần đây, Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên 6 bãi san hô mà nước này chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc