Nga thừa khả năng "qua mặt" Pháp

11:33, 29/05/2015
|

(VnMedia) - Nga thừa khả năng tự chế tạo tàu sân bay trực thăng tương tự tàu Mistral, thậm chí tàu của Nga sẽ "vượt trội" hơn vì được trang bị năng lượng hạt nhân. Đó là thông tin vừa được Phó Chủ tịch Ủy ban Duma Quốc gia Nga - ông Vladimr Gutenev đưa ra hôm qua (28/5).
 
“Sẽ không có gì khó khăn về mặt kỹ thuật để chế tạo một con tàu giống tàu Mistral, đặc biệt là kể từ khi chúng ta đã tiếp cận được với bản vẽ các tàu sân bay của Pháp và nhiều hệ thống vũ khí của chúng ta tương thích với các tính năng quân sự của các tàu chiến này”, ông Gutenev cho hay.
 
“Nếu Lực lượng Vũ trang Nga cần phải chế tạo một tàu chiến tương tự như tàu Mistral, thì đó sẽ là “một con tàu giống kích cỡ, nhưng được trang bị động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân” và được trang bị các hệ thống phòng thủ chống ngầm và các hệ thống phòng không”, ông này cho biết thêm.

Ảnh minh họa

Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp với trị giá 1,2 tỉ euro (1,5 tỉ USD) từ hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, Pháp phải bàn giao chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok cho Nga vào ngày 14/11 năm ngoái trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào cuối năm nay. Tuy nhiên, thời hạn bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral đầu tiên cho Nga đã qua đi nhiều tháng mà Pháp vẫn không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của mình. Lý do của sự trì hoãn này là cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Trong trường hợp Pháp tự ý hủy hợp đồng thì đương nhiên nước này phải chấp nhận thanh toán một khoản tiền phạt. Giới chức ở Moscow từng tuyên bố sẵn sàng không nhận tiền phạt phá ngang hợp đồng của Paris nhưng họ vẫn đòi hỏi Pháp phải thanh toán các chi phí và tổn thất mà họ phải bỏ ra trong quá trình theo đuổi hợp đồng với Pháp. 
 
Hợp đồng với Pháp là thỏa thuận mua vũ khí nước ngoài đầu tiên của Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh, nó được Tổng thống Pháp khi đó là ông Sarkozy ca ngợi là một bước đi quan trọng trong mối quan hệ Nga-Pháp. Pháp cũng trở thành nước thành viên NATO đầu tiên cung cấp vũ khí cho Nga. Hợp đồng này đã tạo ra việc làm cho khoảng 1.000 người ở các xưởng đóng tàu của Pháp. Mỹ và phương Tây đã ra sức ép Pháp phải hủy bỏ hợp đồng cung cấp tàu chiến lớp Mistral cho Nga. 
 
Mỹ và các đồng minh phương Tây đã ra sức gây sức ép, buộc Pháp phải ngưng hợp đồng Mistral với Nga. Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đổ lỗi cho Moscow đứng đằng sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine , châm ngòi cho cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nước này. Dù Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên nhưng Mỹ và đồng minh EU vẫn gây sức ép với Moscow trên mọi mặt trận từ chính trị, kinh tế, ngoại giao đến quân sự. Hành động hủy bỏ hợp đồng bán tàu Mistral của Pháp cho Nga nằm trong gói các biện pháp trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Vì giá trị kinh tế to lớn của hợp đồng này, suốt thời gian dài vừa qua, Pháp đang bị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu thỏa mãn mong muốn của các đồng minh, Pháp sẽ phải hứng chịu tổn thất cực kỳ lớn vì phá hợp đồng với Nga. Không chỉ phải trả lại khoản tiền lớn của hợp đồng mà Nga thanh toán trước cho Pháp, Paris còn phải trả khoản tiền phạt khổng lồ lên tới hơn 10 tỉ euro (13 tỉ USD) vì không tuân thủ hợp đồng với Nga. Đây được xem là một thảm họa đối với cả nền kinh tế Pháp lẫn uy tín của ngành công nghiệp vũ khí Pháp. Còn nếu Pháp giao tàu chiến cho Nga, nước này sẽ khiến các đồng minh phương Tây nổi giận. 
 
Tuy nhiên, đến ngày 15/5 vừa qua, Pháp đã bất ngờ phác thảo và gửi Moscow bản đề nghị hủy bỏ hợp đồng siêu tàu chiến lớp Mistral mà hai nước đã ký kết với nhau.
 
Lời đề nghị mà Pháp đưa ra hàm ý rằng họ sẽ “trả lại Nga khoản tiền 785 triệu euro nhưng Nga chỉ nhận được khoản tiền này sau khi chính phủ ở Moscow có văn bản chính thức đồng ý cho phép Pháp bán hai siêu tàu Mistral cho bất kỳ bên thứ ba nào mà không có điều kiện gì”, tờ nhật báo kinh doanh Kommersant của Nga tiết lộ.
 
Cũng theo tờ Kommersant, “Moscow không đồng ý với lời đề nghị của Pháp” bởi rõ ràng Nga đã phải “tốn không ít chi phí và thiệt hại vì hợp đồng bị phá ngang”. Ước tính những tổn hại này của Nga là vào khoảng 1,163 tỉ euro. Nga cũng không có ý định cấp phép cho Pháp bán lại các siêu tàu chiến Mistral cho đến khi Paris thanh toán sòng phẳng các khoản chi phí cho họ.
 
"Lựa chọn trả lại khoản tiền được đưa ra trong đề nghị của Pháp không phù hợp với chúng tôi một chút nào cả. Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin đã thông báo với Bộ trưởng Quốc phòng Pháp và cũng là Tổng thư ký An ninh Quốc gia Pháp Louis Gautier về lập trường của phía Moscow. Phía Paris đang chuẩn bị lại lập luận của họ”, nguồn tin cho biết.
 
Trước đó, cũng có tin cho rằng, Pháp có thể sẽ dùng đến biện pháp cuối cùng là đánh chìm những chiếc siêu tàu chiến tối tân, đắt đỏ nếu chính phủ nước này tiếp tục từ chối không thực hiện hợp đồng với Nga. Thông tin trên đã gây ra một sự phẫn nộ rất lớn đối với một quan chức quân sự cấp cao của Pháp.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc