(VnMedia) - Ước tính có khoảng 500 người đã thiệt mạng khi tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tấn công và chiếm giữ thành phố Ramadi, Iraq. Các quan chức quân sự Mỹ thừa nhận, việc Ramadi rơi vào tay nhóm khủng bố là thất bại lớn trong chiến dịch tiễu trừ IS.
Thảm sát kinh hoàng tại Ramadi
Hôm qua (18/5) là một ngày đau buồn với người dân thành phố Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar, miền trung Iraq. Nhóm khủng bố IS sau nhiều ngày tiến công cuối cùng đã bẻ gãy được chốt chặn an ninh cuối cùng để tiến vào kiểm soát toàn bộ thành phố quan trọng này.
|
|
Trước đó, từ ngày 15/5, IS liên tục tăng cường các đợt tấn công vào Ramadi khi cuộc giao tranh bước vào giai đoạn cuối cùng và vô cùng khốc liệt. Nhóm IS với súng máy, súng cối, pháo cuối cùng vượt qua vòng bảo vệ an ninh của lực lượng quân đội Chính phủ Iraq, bất chấp liên quân do Mỹ dẫn đầu dội bom, đạn dữ dội để cản bước tiến của chúng.
Cuộc giao tranh khốc liệt đã cướp đi sinh mạng của khoảng 500 người, trong đó phần lớn là thường dân và các binh sỹ. Gần 8000 dân thường đã phải rời bỏ nhà cửa để chạy trốn nhóm IS. Ngay sau khi chiếm quyền kiểm soát Ramadi, nhóm IS lùng sục từng ngôi nhà, trụ sở để bắt giữ hoặc sát hại nhân viên an ninh, cảnh sát và các tay súng chống đối.
Theo một số nhân chứng, nhóm khủng bố thẳng tay giết người và quẳng xác xuống con sông Euphrates, biến khúc sông này thành một bể máu. Một cảnh tượng vô cùng kinh hãi và thương tâm.
Một số nhân chứng cho biết, một ngày sau khi bị nhóm IS đánh chiếm, Ramadi như một thành phố “ma” khi các con phố vắng bóng người đi lại. Chỉ một số ít người liều lĩnh rời nhà mỗi khi cần tìm kiếm thức ăn.
Hiện tại vẫn chưa có một báo cáo cụ thể về số người thương vong nhưng nhóm IS thường gây ra những tội ác tày trời mỗi khi chúng tấn công và chiếm cứ một khu vực nào đó tại Iraq.
Thủ tướng Haider al-Abadi sau đó đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông để kêu gọi cộng đồng quốc tế, các bộ lạc, tay súng ủng hộ chính phủ cùng chung sức đánh đuổi nhóm khủng bố khỏi Ramadi, thành phố hiện là nơi sinh sống của người Iraq dòng Sunni.
Gần 8000 người đã phải rời bỏ nhà cửa tại Ramadi để đi lánh nạn |
Ngay sau lời hiệu triệu của ông Haider al-Abadi, hàng trăm tay súng người Iran gốc Shiite đã tập trung và kéo về một căn cứ quân sự bí mật gần Ramadi để chuẩn bị phản kích IS, một quan chức tỉnh Anbar cho hay. Đó là tín hiệu đáng mừng nhưng Chính quyền ông Obama lại lo ngại có thể sẽ xảy ra những cuộc đụng độ giữa 2 dòng đạo Hồi Sunni và Shiite.
Việc Mỹ lo ngại hoàn toàn có cơ sở. Trên thực tế, các tay súng dòng Shiite đóng góp công lao không nhỏ trong các cuộc chiến dai dẳng với tổ chức khủng bố IS trong nhiều tháng qua tại Iraq. Thế nhưng cũng chính họ từng bị cáo buộc vướng vào nhiều vụ thảm sát, cướp bóc và thiêu hủy tài sản của những người Hồi giáo dòng Sunni.
Trước việc nhóm bố IS ngày càng tàn bạo và khát máu, Naeem al-Gauoud – lãnh đạo người Hồi giáo dòng Sunni đã chấp nhận gạt qua một bên những mâu thuẫn để cùng hợp lực với các tay súng dòng Shiite chiến đấu chống lại nhóm khủng bố này.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với nhà lãnh đạo này. Một người dân khẳng định với AP, họ thấy những tay súng dòng Shiite cũng chẳng khác gì nhóm IS với sự hung bạo và bài trừ người Hồi giáo dòng Sunni.
Việc Ramadi thất thủ đã khiến Bộ trưởng Quốc phòng Iran - Gen. Dossein Dehghan – phải tức tốc bay tới Baghdad để gặp gỡ và bàn bạc các kế hoạch đối phố IS với lãnh đạo Iraq.
Thất bại lớn trong chiến dịch tiễu trừ IS
Chứng kiến thành phố Ramadi bị IS tấn công dẫn tới thất thủ, Lầu Năm Góc thừa nhận, đó là một thụt lùi, một thất bại lớn của liên quan trong cuộc chiến với IS.
Lực lượng an ninh Iraq phải rời khỏi thành phố Ramadi |
“Đây là cuộc chiến khó khăn, phức tạp và để lại thương vong lớn. Sẽ có những chiến thắng nhưng đi kèm với đó là thất bại khó tránh khỏi. Việc đánh mất thành phố chiến lược Ramadi rõ ràng là một bước thụt lùi”, người phát ngôn Lầu Năm Góc Steven Warren nhận định.
Cũng theo vị phát ngôn viên này, liên quân do Mỹ dẫn đầu sẽ sớm kết hợp với quân đội Iraq và các tay súng ủng hộ chính phủ phản kích và quyết giành lại thành phố Ramadi.
Thất bại mới đây nhất tại Iraq không khỏi khiến giới quan sát đặt ra những câu chất vấn về tính hiệu quả của liên quân do Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến chống lại IS.
Mới đây, một đoạn clip ngắn ghi lại cảnh IS tiến công vào Ramadi khi lực lượng an ninh Iraq vội vã bỏ chạy! Điều đáng nói là vào thời điểm đó máy bay liên quân liên tục dội bom, đạn xuống nhóm khủng bố này. Việc phối hợp thiếu ăn ý và thiếu chuyên nghiệp của lực lượng an ninh bản địa đã khiến cho nỗ lực của liên quân đang trở nên vô nghĩa.
Một lần nữa người ta phải đặt ra câu hỏi từng bị Tổng Thống Mỹ Obama bỏ ngỏ. Liệu đã đến lúc liên quân do Mỹ dẫn đầu đổ quân vào Iraq để tìm và diệt IS?
Ý kiến bạn đọc