(VnMedia) - Chiến đấu cơ tàng hình F-35 – một trong những vũ khí tinh vi nhất của Mỹ cũng là loại vũ khí đang được rất nhiều nước khát khao chờ đợi, lại một lần nữa gây thất vọng não nề.
Ảnh minh hoạ |
Một loạt vấn đề mới về phần mềm khiến chiếc chiến đấu cơ F-35 có thể phải tiếp tục đối mặt với sự trì hoãn trong bối cảnh nó đã được đánh giá là dự án vũ khí đắt đỏ nhất và lắm rắc rối nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Siêu chiến đấu cơ tàng hình của Mỹ được cho là sẽ được trang bị những hệ thống phần mềm tinh vi để có thể làm mọi việc, từ phát hiện những mối đe doạ tiềm tàng đến phát hiện những vấn đề cần bảo trì, bảo dưỡng trên máy bay hay liên lạc với đài kiểm soát mặt đất.
Trước đó hồi đầu năm, có tin những bộ phận cảm biến của máy bay liên tục tạo ra cảnh báo giả ở mức độ tỉ lệ cao. Và bây giờ, vấn đề nằm ở hệ thống đánh giá bảo dưỡng được dùng để đơn giản hoá triệt để quá trình bảo trì, bảo dưỡng cho máy bay.
Vấn đề lần này là ở Hệ thống Thông tin Hậu cần Tự động (ALIS) – một hệ thống phần mềm bên ngoài được lắp vào máy bay và sẽ cho phép thực hiện sự đánh giá chính xác, toàn diện về việc cần phải thực hiện hoạt động bảo dưỡng, bảo trì nào, và phần nào của máy bay cần được thay thế hay kiểm tra.
Báo động giả một lần nữa lại là vấn đề bởi các nhân viên bảo dưỡng ở Căn cứ Không quân Eglin cho biết, 80% vấn đề được hệ thống ALIS thông báo là "dương tính giả".
"Khi chúng tôi hỏi họ về tình trạng báo động giả, tôi nghĩ rằng sẽ là một con số cao bởi đó là một hệ thống mới. Nhưng khi tôi nghe họ nói đến con số 80 thì tôi thực sự choáng váng”, nghị sĩ Mike Turner đã thừa nhận như vậy tại phiên điều trần hôm 14/4 về đề nghị xin cấp nguồn ngân sách 10 triệu USD cho dự án F-35 trong năm tới.
Vấn đề trên đang tồn tại trong cả 3 biến thể của F-35 dành cho Lực lượng Không quân, Thuỷ quân Lục chiến và Hải quân Mỹ.
Thuỷ quân Lục chiến dự kiến sẽ là lực lượng đầu tiên được tiếp nhận những chiếc chiến đấu cơ tàng hình tối tân F-35 và lực lượng này gần đây cam kết sẽ xem xét, đánh giá kỹ lưỡng năng lực của loại chiến đấu cơ này để thúc đẩy kế hoạch đưa loại vũ khí mới vào sử dụng đúng hạn vào tháng 7 năm nay. Tuy nhiên, những vấn đề vẫn liên tiếp xảy ra.
Thông tin mới nhất nói trên lại một lần nữa gây thất vọng đối với những nước đang khao khát và đã đặt hàng chiếc chiến đấu cơ thiện chiến nhất, tinh vi nhất của Mỹ.
Trước đó, hồi tháng 1, dự án F-35 cũng đã đối mặt với một cú thụt lùi khi hệ thống vũ khí của chiếc máy bay được chờ đợi nhất này không thể khai hỏa do lỗi kỹ thuật liên quan đến hệ thống máy tính. Súng đại bác 4 nòng cho phiên bản máy bay F-35 của Không quân Mỹ không thể hoạt động cho đến khi có phần mềm mới dù loại chiến đấu cơ này dự kiến được gia nhập vào quân đội Mỹ trong năm nay.
Chiến đấu cơ F-35 do hãng Lockheed Martin thiết kế và phát triển dựa trên phiên bản máy bay X-35 trước đó, nằm trong dự án hợp tác phát triển chiến đấu cơ tiêm kích giữa Anh, Mỹ và một số chính phủ liên minh khác. Đây là loại chiến đấu cơ tiêm kích đa năng tàng hình hiện đại và cơ động bậc nhất thế giới. Máy bay này được phát triển để thực hiện các nhiệm vụ như tấn công các mục tiêu trên mặt đất, trinh sát và phòng không. Chiếc máy bay siêu tinh vi F-35 thuộc dự án có trị giá lên tới 400 tỉ USD – đắt đỏ nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Các thông số kỹ thuật của F-35 cho thấy đây là một thế hệ máy bay tàng hình vượt bậc, với chiều dài khoảng 15m, có sức chứa trong hơn 7.200 lít nhiên liệu và có thể bay với tốc độ lên tới hơn 1.920 km/h.
Vũ khí mà F-35 được trang bị cũng hết sức tối tân, bao gồm 1 khẩu pháo GAU-12/U 25 mm - gắn từ 180 quả đạn đến 220 quả đạn tùy phiên bản nâng cấp. F35 được trang bị tên lửa, bom nhiều hơn và một thùng nhiên liệu phụ. Trong thân máy bay, tối đa có 4 tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9X Sidewinder hay AIM-132 ASRAAM hoặc 2 tên lửa đối không và 2 tên lửa đối đất.
Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ từng tự tin tuyên bố loại máy bay tiêm kích tàng hình F-35 mới của họ có thể tiêu diệt các hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga - một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất trên thế giới.
Với những tính năng ưu việt và vượt trội của mình, F-35 trở thành thứ vũ khí được nhiều nước thèm muốn, đặc biệt là các quốc gia Châu Á. Một số đồng minh của Mỹ ở Châu Á muốn dùng F-35 làm vũ khí răn đe chiến lược đối với Trung Quốc. Một sĩ quan quân đội cấp cao hàng đầu của Nhật Bản từng tuyên bố, chiến đấu cơ F-35 của hãng Lockheed Martin, Mỹ, là lựa chọn tốt nhất cho nhu cầu quốc phòng của cường quốc Châu Á này.
Danh sách các nước đặt mua F-35 của Mỹ khá dài gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Australia, Canada...
Tuy nhiên, các khách hàng của Mỹ lo ngại là họ có khả năng phải “dài cổ” ngóng đợi thêm nhiều năm nữa mới có được trong tay những chiếc F-35. Dự án 400 tỉ USD của Mỹ đang phải đối mặt với một loạt những trục trặc về kỹ thuật, sự trì hoãn và chi phí đội lên rất nhiều.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc