(VnMedia) - Người đứng đầu Uỷ ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga (Quốc hội Nga) cũng là cựu Chỉ huy Hạm đội Biển Đen của Nga – Đô đốc Vladimir Komoedov hôm qua (15/4) đã lên tiếng mỉa mai tuyên bố gần đây của Tổng thống Petro Poroshenko về việc Ukraine cần khôi phục hạm đội hải quân để “chiến đấu giành lại bán đảo Crimea".
Ảnh minh hoạ |
"Tôi không hiểu lực lượng nào sẽ tham gia làm việc này. Tàu ngầm duy nhất của họ đang ở đâu đó ở Sevastopol. Có lẽ, họ sẽ sử dụng những chiếc thuyền bơm hơi để tấn công các tàu chiến Nga chăng? Lại là một phát biểu khoác lác nữa", ông Komoedov đã nói như vậy với các phóng viên ở Sevastopol.
Vị Đô đốc Nga cũng nhấn mạnh các lực lượng quân sự của Nga đã được thành lập ở Crimea và bán đảo này hiện giờ được bảo vệ rất chắc chắn. Tuy nhiên, ông Komoedov thừa nhận Hạm đội Biển Đen của Nga cần thêm tàu mới.
"Hạm đội Biển Đen là hạm đội già cỗi nhất trong Lực lượng Hải quân Nga.... Hạm đội này cần phải được nâng cấp và rất nhiều việc cần phải được làm để thực hiện kế hoạch nâng cấp", ông Komoedov cho biết.
Crimea và Sevastopol đã chính thức trở thành một phần của nước Nga sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hoàn tất tiến trình sáp nhập hôm 21/3. Việc Crimea sáp nhập vào Nga xuất phát từ nguyên nhân là một cuộc đảo chính vũ trang ở Kiev, trong đó Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ. Crimea – một bán đảo tự trị thuộc Ukraine, đã từ chối không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời mới ở Kiev . Chính vì thế, Crimea đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của họ với Ukraine và Nga. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, hơn 96% người dân trên bán đảo Crimea lựa chọn ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập trở lại Nga – nơi họ vẫn luôn coi là “mái nhà” của mình.
Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo nhận được sự ủng hộ rộng khắp của người dân xứ sở Bạch Dương nhưng lại bị Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) ra sức phản đối. Mỹ và EU đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì việc này.
Suốt thời gian qua, chính quyền Kiev luôn miệng khẳng định sẽ tìm mọi cách để lấy lại bán đảo Crimea. Chính quyền của Tổng thống Petro Poroshenko từng tuyên bố sẽ xây dựng quân đội Ukraine thành một lực lượng quân sự hùng mạnh nhất Châu Âu để giành lại bán đảo Crimea xinh đẹp từ tay Nga.
Nga tăng cường sức mạnh quân sự trên bán đảo Crimea
Mong muốn của Kiev là một chuyện còn việc thực hiện nó được hay không lại là chuyện khác. Chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin được cho là đã chuẩn bị mọi khả năng để bảo vệ bán đảo Crimea mà họ đã sáp nhập và tuyên bố không bao giờ trả lại cho Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu hồi tháng trước thông báo, nước này đã thành lập gần 100 đơn vị và tổ chức quân sự ở bán đảo Crimea. Việc thành lập các lực lượng quân sự ở Crimea không chỉ nhằm bảo vệ các lợi ích của Nga trên bán đảo mà còn cả ở Biển Đen. Các lực lượng đó cũng có khả năng thực hiện nhiệm vụ ở những vùng biển xa bờ, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu cho hay.
Nga cũng liên tục tăng cường sức mạnh phòng thủ trên bán đảo Crimea bằng việc triển khai hàng loạt vũ khí tối tân, thiện chiến của mình. Hồi cuối năm ngoái, lực lượng quân sự Nga ở Crimea đã được tiếp nhận các hệ thống tên lửa đất đối không S-300PMU để bảo vệ không phận của bán đảo này. Đây là một trong những loại tên lửa mạnh nhất của Nga cũng như mạnh hàng đầu thế giới. Tiếp đó, Nga còn triển khai tên lửa “vô đối” Iskander, chiến đấu cơ Su-27, máy bay ném bom... tới bán đảo Crimea. Song song với việc tăng cường triển khai vũ khí, thiết bị quân sự đến Crimea, Nga còn thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở bán đảo này.
Gần đây, giới chức Nga còn thường xuyên có những phát biểu ám chỉ nước này có thể đưa vũ khí hạt nhân đến bán đảo Crimea. Và giới chức Crimea tuyên bố hoan nghênh động thái này.
Có thể nói, Crimea hiện tại đang được bảo vệ nghiêm ngặt như một "pháo đài bất khả xâm phạm" ở Biển Đen và lực lượng binh lính được triển khai tới bán đảo này có đủ năng lực để có thể đảm nhiệm mọi nhiệm vụ được giao, Chỉ huy phó Hạm đội Biển Đen của Nga - ông Yury Petrov mới đây cho biết.
Trong khi đó, quân đội Ukraine đến nay vẫn là một lực lượng vừa thiếu vừa yếu. Trong thời gian qua, chính quyền của Tổng thống Ukraine Poroshenko đã ra sức tăng cường sức mạnh cho quân đội bằng việc triệu tập thêm binh lính và mua sắm vũ khí. Tuy vậy, trong bối cảnh nền kinh tế trên bờ vực sụp đổ, thiếu ngân sách trầm trọng và đang phải nhờ vào các nguồn viện trợ từ bên ngoài, Kiev hầu như không có khả năng mua sắm vũ khí hiện đại cho quân đội.
Kiev liên tục cầu cứu sự giúp đỡ về vũ khí từ các đồng minh phương Tây hùng mạnh nhưng xem ra khả năng này vẫn còn xa vời. Cho đến thời điểm này, phương Tây vẫn chưa có bất kỳ động thái nào nhằm đáp ứng những lời khẩn cầu từ Kiev dù cách đây không lâu giới chức Mỹ liên tục nói đến khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc