(VnMedia) - Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ hôm qua (31/3) tố cáo Trung Quốc đang "xây dựng một bức tường cát lớn" thông qua hoạt động bồi đắp ở Biển Đông, gây ra mối quan ngại nghiêm trọng về ý định của nước này.
Trung Quốc đang tích cực thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên |
Phát biểu tại một hội nghị hải quân ở Australia, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ - Đô đốc Harry Harris Jr. cho rằng, các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải giữa các nước ở Biển Đông “đang làm leo thang căng thẳng và có khả năng dẫn đến những tính toán sai lầm".
"Tuy nhiên, điều thực sự gây lo ngại lớn ở đây là Trung Quốc đang tiến hành những hoạt động bổi đắp, cải tạo, xây dựng ở quy mô lớn chưa từng có ở Biển Đông”, ông Harris nói.
"Trung Quốc đang xây dựng những vùng đất nhân tạo bằng việc bơm cát vào những bãi san hô sống – một vài trong số này ngập dưới nước – và lát xi măng, cốt thép để tạo ra những khối bê tông ở đây. Trung Quốc hiện giờ đã thiết lập được 4km vuông đảo nhân tạo” ở Biển Đông, Đô đốc của Mỹ cho biết.
Theo lời ông Harris, Biển Đông vốn nổi tiếng về những hòn đảo tự nhiên tuyệt đẹp nhưng “đối ngược hoàn toàn lại, Trung Quốc đang xây dựng một bức tường cát với những máy nạo vét và máy ủi trong suốt nhiều tháng qua”.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang đòi chủ quyền tới khoảng 90% Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên dựa trên yêu sách đường 9 đoạn phi lý hay còn gọi là đường lưỡi bò. Đường 9 đoạn liếm sâu vào bên trong trung tâm biển của Đông Nam Á. Đòi hỏi chủ quyền phi lý, phi pháp và quá đáng của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ và quyết liệt của các nước trong khu vực nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
Trung Quốc gần đây đã đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên 6 bãi san hô mà nước này chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định, việc Trung Quốc xây dựng, mở rộng trái phép công trình trên các bãi, đá và làm thay đổi nguyên trạng tại khu vực quần đảo Trường Sa không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam mà còn vi phạm DOC đã được ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN. Việt Nam phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động sai trái đó
Những đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở Biển Đông có thể sẽ được sử dụng cho các mục đích quân sự nhằm tranh giành chủ quyền với các nước trong khu vực. Điều này càng khiến cộng đồng thế giới đặc biệt quan ngại.
Đô đốc Mỹ Harris cho rằng, tốc độ xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông “đặt ra những câu hỏi rất lớn về ý định thực sự” của nước này.
Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, Washington tiếp tục kêu gọi tất cả các bên có tranh chấp ở Biển Đông tuân thủ nghiêm túc Tuyên bố về Ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN được ký kết năm 2002. Theo đó, các bên đã cam kết “kiềm chế trong hành động để không làm phức tạp và leo thang các cuộc tranh chấp, gây ảnh hưởng đến hoà bình và sự ổn định” trong khu vực.
"Việc Trung Quốc hành động như thế nào sẽ là chỉ dấu quan trọng để biết liệu khu vực có hướng tới sự đối đầu hay hợp tác hay không”, Tướng Mỹ nhấn mạnh.
Mỹ nhiều lần tuyên bố, nước này có lợi ích quốc gia trong việc tìm kiếm giải pháp hoà bình trong các cuộc tranh chấp ở khu vực vốn có vai trò quan trọng có tính sống còn đối với thương mại thế giới. Bắc Kinh nói rằng, các đòi hỏi chủ quyền của họ dựa trên cơ sở lịch sử và phản đối cái mà họ gọi là sự can thiệp của Mỹ vào tình hình Biển Đông.
Tướng Harris hôm qua một lần nữa khẳng định, Mỹ đang trên đường thực hiện kế hoạch điều chuyển đến 60% lực lượng hải quân của nước này cho Hạm đội Thái Bình Dương cho đến năm 2020.
"Bằng cách duy trì một sự hiện diện đủ năng lực và đáng tin cậy ở khu vực, chúng tôi có thể củng cố khả năng của mình trong việc duy trì sự ổn định và an ninh. Nếu có bất kỳ cuộc khủng hoảng nào nổ ra, chúng tôi tốt hơn hết là cần phải sẵn sàng phản ứng một cách nhanh chóng”, ông Harris nói.
Cũng tại hội nghị ngày hôm qua, Australia cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông. Hồi năm ngoái, Australia đã nhất trí cùng Nhật Bản tăng cường hợp tác về quân sự và tập trận như một cách để đối phó với tiềm năng quân sự ngày càng mạnh của Trung Quốc.
Mỹ và Australia là hai trong số rất nhiều nước đã lên tiếng bày tỏ sự lo lắng và bất an trước những hành động ngày một hung hăng, quyết liệt của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc