Sẽ có đối đầu nảy lửa Putin-Obama trên đất Mỹ?

07:24, 01/04/2015
|

(VnMedia) - Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ đến thành phố New York để có bài phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 tới, một tờ báo Nga dẫn lời nhiều nguồn tin thân cận với điện Kremlin cho biết. Trong sự kiện này, người ta rất có thể sẽ phải chứng kiến một cuộc đối đầu nảy lửa giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ Obama vì một loạt vấn đề quốc tế quan trọng, đặc biệt là cuộc khủng hoảng Ukraine.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Tờ Nhật báo Kommersant dẫn lời các nguồn tin “thân thiết với văn phòng tổng thống” cho biết, chuyến đi đến Mỹ của Tổng thống Nga Putin đã đang ở trong giai đoạn chuẩn bị. Tờ Kommersant còn cho biết thêm rằng, một nguồn tin trong ban thư ký của Liên Hợp Quốc cũng đã xác nhận thông tin trên.
 
Tuy nhiên, tất cả các nguồn tin đều nhấn mạnh, kế hoạch đến Mỹ của ông chủ điện Kremlin sẽ chỉ trở nên chắc chắn và rõ ràng hơn vào đầu tháng 8. Họ cũng khẳng định thêm, “tất cả mọi thứ đều phụ thuộc vào diễn biến tình hình quốc tế”.
 
Về phần mình, thư ký báo chí của Tổng thống Putin - ông Dmitry Peskov cho hay, chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.
 
“Tham dự Phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là một trong những lựa chọn đang được xem xét và theo nghĩa đó thì việc sẽ có một lễ kỷ niệm ở Liên Hợp Quốc không thực sự quan trọng lắm”, ông Peskov cho biết.
 
Vào tháng 9 tới, Liên Hợp Quốc sẽ kỷ niệm phiên họp thứ 70 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và vì thế nhiều lãnh đạo thế giới được cho là sẽ đến tham dự dịp kỷ niệm này.
 
Lần mới đây nhất Tổng thống Putin có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là cách đây 10 năm. Trước đó, ông Putin cũng từng tham gia cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm 2003 và 2000. Năm 2008, Nga cũng có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhưng khi đó là do Tổng thống Nga Dmitry Medvedev thực hiện. Trong những năm qua, Ngoại trưởng Sergey Lavrov luôn là người đại diện cho nước Nga tại các sự kiện quan trọng của Liên Hợp Quốc.
 
Giới chức cấp cao của Nga, trong đó có Tổng thống Putin, luôn dành ưu tiên cho vai trò của Liên Hợp Quốc trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế lớn và liên tục cáo buộc Mỹ tìm cách “chiếm đoạt, cướp” quyền của Liên Hợp Quốc, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
 
“Bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay thế các nguyên tắc phổ cập của Hiến chương Liên Hợp Quốc thông qua những hành động đơn phương hoặc qua một số thỏa thuận liên minh, hoặc tồi tệ hơn là qua nỗ lực sử dụng vũ lực, vượt quyền của Hiến chương Liên Hợp Quốc, thì đều chẳng dẫn đến điều gì tốt đẹp”, Tổng thống Vladimir Putin đã nói gay gắt như vậy trong bài phát biểu năm 2012 trước các nhà ngoại giao nước ngoài.
 
Nga hiện nay đang đối mặt với sự phản đối quyết liệt và mạnh mẽ từ các nước phương Tây vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Cuộc xung đột nghiêm trọng ở Ukraine chứng kiến một cuộc đối đầu Đông -Tây căng thẳng và quyết liệt chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
 
Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên cũng như bất chấp việc phương Tây chẳng thể đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào chứng minh cho các cáo buộc của họ, các cường quốc Châu Âu dưới sự dẫn dắt của Mỹ vẫn tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Nga cũng đáp trả bằng việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ những nước áp đặt đòn trừng phạt nhằm vào họ.
 
Cuộc với “cuộc chiến” trên mặt trận kinh tế, Mỹ và phương Tây còn tìm cách bao vây, dồn ép và cô lập Nga trên mặt trận chính trị, ngoại giao và quân sự.
 
Phản ứng trước diễn biến trên, ông Peskov hồi đầu tháng 3 từng nói: “Không có biện pháp trừng phạt nào có thể bắt Nga phải thay đổi lập trường kiên định mà nước này vẫn theo đuổi trong các vấn đề quốc tế”. Phát ngôn viên của Tổng thống Putin miêu tả chính sách trừng phạt hiện nay của phương Tây nhằm vào Nga là “con dao hai lưỡi”, một mặt gây tổn thất nhất định cho nền kinh tế Nga nhưng mặt khác cũng gây tổn thương cho chính những nước đang dùng nó, chưa kể là cho cả nền kinh tế của thế giới nói chung.
 
Trong bối cảnh như trên, nếu ông Putin đến Mỹ thì chắc rằng sẽ có một cuộc đối đầu nảy lửa giữa Nhà lãnh đạo của nước Nga với Tổng thống Obama không chỉ trong vấn đề Ukraine mà trong rất nhiều vấn đề quốc tế quan trọng khác. Bài phát biểu của ông Putin tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chắc chắn sẽ gây chú ý và nó sẽ hàm chứa rất nhiều vấn đề mâu thuẫn với phương Tây.
 
Giữa Nga với Mỹ và phương Tây lâu nay vốn bất đồng với nhau về hàng loạt vấn đề, trong đó có những vấn đề như Libya, Syria.... Nga cùng với Trung Quốc đã rất nhiều lần dùng quyền phủ quyết để bác bỏ các nghị quyết do Mỹ và phương Tây đưa ra. Điều này khiến Mỹ và phương Tây không ít lần cảm thấy bực tức, khó chịu. 


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc