(VnMedia) - Binh lính đến từ Mỹ và Ukraine hôm qua (20/4) đã khai hỏa một cuộc tập trận chung nhằm giúp củng cố năng lực phòng thủ của Ukraine trước cái mà hai nước này gọi là những cuộc tấn công bất ngờ từ lực lượng ly khai miền đông Ukraine.
Ảnh minh họa |
Phát biểu dưới cơn mưa dữ dội tại một căn cứ quân sự ở khu vực phía tây Lviv, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết, Lực lượng Vũ trang Ukraine cần phải được xây dựng lại từ con số không để ngăn chặn các mối đe dọa từ bên ngoài.
Cuộc tập trận mang tên "Người bảo vệ Dũng cảm 2015" của Mỹ và Ukraine đã vấp phải phản ứng đầy tức giận từ Nga. Moscow miêu tả cuộc tập trận là nguyên nhân tiềm tàng gây ra sự bất ổn. Moscow tiếp tục bác bỏ những cáo buộc về việc nước này kích động và hậu thuẫn cho cuộc nổi dậy của lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine, khiến hơn 6.000 người thiệt mạng.
300 lính nhảy dù Mỹ tham gia vào cuộc tập trận với Ukraine đã đổ bộ đến quốc gia Đông Âu từ hồi tuần trước. Lực lượng này sẽ tham gia tập trận với 900 thành viên của Lực lượng Bảo vệ Quốc gia Ukraine.
"Đa số những người tham gia ở đây từ phía Ukraine đều là những người đã trải qua rất nhiều thử thách khó khăn trên mặt trận", ông Poroshenko đã nói như vậy tại lễ khai màn cuộc tập trận.
Cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Ukraine nói trên diễn ra khi mà cuộc chiến ở miền đông đã lắng dịu đi đáng kể kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết hôm 12/2 được thực hiện. Tuy vậy, những cuộc giao tranh, đụng độ vẫn xảy ra lác đác đâu đó dọc khu vực chiến tuyến kéo dài 450km giữa quân chính phủ Kiev và lực lượng ly khai miền đông.
Thỏa thuận ngừng bắn bao gồm những điều khoản yêu cầu “các đội hình vũ trang” phải được rút ra khỏi Ukraine. Kiev hiểu đó là ngầm ám chỉ đến các lực lượng Nga mà họ cáo buộc đang chiến đấu ở miền đông Ukraine nhưng Moscow kiên quyết phủ nhận. Trong khi đó, điện Kremlin gay gắt cho rằng, Mỹ đang công khai vi phạm thỏa thuận ngừng bắn khi đưa binh lính vào Ukraine để giúp đào tạo lực lượng cho quốc gia Đông Âu.
Việc Mỹ giúp đào tạo binh lính cho Ukraine là một phần của gói trợ giúp lớn hơn mà Mỹ cung cấp cho đồng minh. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama từng tuyên bố sẽ cấp viện trợ quân sự không gây sát thương trị giá 75 triệu USD cho Kiev. Tuy nhiên, đến nay, Washington vẫn kiềm chế không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine bất chấp những lời kêu gọi và sức ép từ nhiều nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ.
Tháng trước, Ukraine bắt đầu nhận được một đợt hàng gồm 230 chiếc xe bọc thép Humvees từ Mỹ.
Việc Mỹ đưa quân vào Ukraine, tiến hành tập trận chung với binh lính Ukraine và giúp đào tạo lực lượng cho chính quyền Kiev rõ ràng là hành động thách thức, trêu ngươi Nga.
Trước đó, Moscow đã phản ứng gay gắt trước sự xuất hiện của hàng trăm binh lính Mỹ trên lãnh thổ Ukraine. Nga tin rằng, hành động của Mỹ chỉ khiến cuộc khủng hoảng ở Ukraine thêm nghiêm trọng, khiến tình hình trong khu vực thêm bất ổn.
Việc Mỹ và Ukraine chọc tức Nga vào thời điểm này dường như không thích hợp bởi tình hình Ukraine đang có nhiều tiến triển đáng để người ta hy vọng. Giao tranh giảm mạnh, thương vong giảm rõ rệt và các bên đang tiến gần hơn đến tiến trình hòa bình. Hành động của Mỹ và Ukraine có nguy cơ phá hoại tiến trình hòa bình mà các nước đã dồn sức, nỗ lực gây dựng.
Chiến sự lắng dịu, Ukraine tranh thủ giải quyết các vấn đề nội bộ
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đang tận dụng khoảng thời gian yên bình với lực lượng ly khai nhờ lệnh ngừng bắn để thúc đẩy cải cách và kiềm chế các nhà “tài phiệt” siêu giàu. Ông Poroshenko tin rằng, ảnh hưởng của những nhà tài phiệt siêu giàu cần phải được kiềm chế để Ukraine có thể có được một tương lai ở Châu Âu.
Ông Poroshenko đã phát động chiến dịch chống các nhà tài phiệt sau khi có cuộc đối đầu với nhà tài phiệt có ảnh hưởng hàng đầu ở Ukraine – ông trùm ngân hàng Ihor Kolomoisky hồi tháng trước. Đây được xem là một dấu mốc, đánh dấu bước ngoặt trong chính sách của Tổng thống Ukraine với các nhà tài phiệt.
Tổng thống Poroshenko đã sa thải ông Kolomoisky khỏi chức vụ người đứng đầu một khu vực sau khi nhà tỉ phú này dám dùng vũ lực ở thủ đô để phản ứng lại một dự luật đe dọa đến các lợi ích kinh tế của ông này.
Ông Poroshenko tuyên bố, chiến dịch của ông không phải là để tái phân phối hay chia lại tài sản của các nhà tài phiệt mà chỉ để giảm ảnh hưởng của những người này, tránh không để họ dùng sức mạnh kinh tế để chi phối các vấn đề ở Ukraine theo hướng có lợi cho họ.
Quốc hội Ukraine cũng đã thông qua các biện pháp để phá vỡ thế độc quyền trên thị trường khí đốt đồng thời đem đến trật tự và sự minh bạch cho nền kinh tế èo uột của Ukraine, đưa nền kinh tế này đi xa khỏi mô hình thời hậu Xô-viết.
Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn ở miền đông Ukraine vẫn rất mong manh khi các bên tiếp tục cáo buộc, đổ lỗi cho nhau về các vụ vi phạm thỏa thuận hòa bình.
Nếu lệnh ngừng bắn mới nhất đổ vỡ thì nó sẽ làm chệch kế hoạch và chương trình hành động của ông Poroshenko.
Trong khi đó, hai vụ sát hại những nhân vật đối lập nổi bật ở thủ đô Kiev cũng làm dấy lo ngại về viễn cảnh xảy ra hàng loạt vụ ám sát chính trị. Diễn biến này cũng khiến người ta hoài nghi về cam kết của ông Poroshenko đối với việc xây dựng một xã hội dân chủ, dựa trên luật pháp ở Ukraine.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc