“Bỏ” đồng minh, Pháp cuống cuồng làm lành với Nga?

07:19, 20/04/2015
|

(VnMedia) - Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm qua (19/4) đã nói trên kênh truyền hình Canal+ của Pháp rằng ông sẽ thảo luận tình hình xung quanh vấn đề siêu tàu chiến lớp Mistral tại cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin dự kiến diễn ra ở Armenia vào ngày 24/4. Thông báo này được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Putin thể hiện quan điểm không cần đến những siêu tàu chiến lớp Mistral mà Nga đã đặt mua của Pháp. Phải chăng, khi Nga “chán” tàu chiến lớp Mistral, muốn ngãng ra thì Pháp lại lo ngại, cuống cuồng tìm cách điều đình lại với Nga?
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Hollande


Theo lời Tổng thống Hollande cho biết, trong cuộc gặp sắp tới với ông Putin, hai bên sẽ phải tìm được một giải pháp cuối cùng cho cuộc khủng hoảng liên quan đến những chiếc tàu chiến lớp Mistral.
 
Nhà lãnh đạo Pháp cho rằng, mối quan hệ giữa Nga và Pháp là mối quan hệ liên nhà nước. Ông Hollande nói thêm rằng, ông đã biết người đồng cấp Nga được khoảng 3 năm và ông hiểu Tổng thống Nga là người thẳng thắn, không bao giờ che giấu những kế hoạch của mình.
 
Ông Hollande cũng khen ngợi lập trường của Tổng thống Putin tại các cuộc đàm phán 3 bên về tình hình Ukraine, giữa Tổng thống Hollande, Tổng thống Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Theo ông Hollande, Tổng thống Putin biết rất rõ chuyện gì đang xảy ra ở Ukraine.
 
Những phát biểu mới nhất nói trên của Tổng thống Hollande cho thấy một sự dịu nhẹ trong lập trường của Pháp đối với Nga. Trước đó, Paris đã đột ngột tuyên bố tạm dừng thực hiện hợp đồng chuyển giao hai siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga theo hợp đồng đã ký kết với lý do để trừng phạt Moscow về cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp với trị giá 1,2 tỉ euro (1,5 tỉ USD) từ hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, Pháp phải bàn giao chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok cho Nga vào ngày 14/11 năm ngoái trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Paris đã không giao tàu chiến lớp Mistral cho Nga đúng như thời hạn hợp đồng đưa ra mặc dù công tác bàn giao đã sẵn sàng.
 
Pháp đã phải chịu sức ép rất mạnh mẽ từ các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Mỹ, trong việc phải hủy bỏ hợp đồng bán siêu tàu chiến lớp Mistral cho Hải quân Nga. Quan hệ giữa Nga và phương Tây đã rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên. Giới chức lãnh đạo của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng và vì thế họ đã tung ra hàng loạt đòn trừng phạt nhằm vào Nga. Mỹ và EU đã ra sức ép Pháp phải ngừng bàn giao tàu chiến cho Nga.
 
Vì giá trị hợp đồng bán siêu tàu chiến cho Nga rất lớn và đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho Pháp, ban đầu Paris nhất quyết chống lại sức ép của các đồng minh để theo đuổi hợp đồng với Nga. Tuy nhiên, hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Hollande đã bất ngờ tuyên bố tạm hoãn bàn giao tàu chiến cho Nga cho đến khi tình hình Ukraine có tiến triển. Kể từ đó đến nay, Paris liên tiếp trì hoãn việc bàn giao chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral đầu tiên cho Nga bất chấp thời hạn ngày 14/11/2014 đã qua đi nhiều tháng. Lý do mà Pháp đưa ra vẫn là việc tình hình Ukraine không có thay đổi và Nga không có nỗ lực trong việc tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng.
                                        
Nga lúc đầu còn tỏ ra kiên nhẫn chờ đợi Pháp dù vẫn liên tiếp đưa ra những lời cảnh báo, răn đe về những tổn thất to lớn mà Paris phải gánh chịu nếu phá vỡ hợp đồng với Moscow.
 
Tuy nhiên, gần đây, giới chức Nga tỏ ra mất dần sự kiên nhẫn. Giới chức Nga liên tục tuyên bố Pháp hãy lựa chọn, một là giao tàu, hai là trả lại tiền. Mới đây nhất, Tổng thống Putin đã thẳng thắn cho biết, Nga không cần đòi tiền phạt của Pháp trong việc tự ý hủy bỏ hợp đồng đã ký kết với Nga. Tuy nhiên, Moscow mong muốn Pháp trả lại tiền mà họ đã đặt trước cho Pháp để mua tàu chiến Mistral.
 
"Chúng tôi không có ý định tìm kiếm khoản tiền phạt... nhưng việc Pháp phải trả cho chúng tôi mọi chi phí mà chúng tôi đã chi ra trong thời gian qua là cần thiết. Tôi tin giới lãnh đạo Pháp và người Pháp nói chung là người tốt và họ sẽ trả lại tiền cho chúng tôi”, Tổng thống Putin cho biết hôm 16/4 trong cuộc hỏi-đáp hàng năm với người dân Nga.
 
Phát biểu trên của Nhà lãnh đạo Nga cho thấy rõ một điều, Moscow đã không còn thiết tha gì với siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp. Ông Putin còn nói thêm rằng, việc không có tàu chiến của Pháp không làm ảnh hưởng gì đến sức mạnh quân sự của Nga.
 
Khi Nga muốn ngãng ra thì Pháp lại có dấu hiệu lo lắng. Người ta tin rằng, Pháp chỉ muốn “dền dứ” với Nga để làm hài lòng các đồng minh quyền lực như Mỹ, Đức... Trên thực tế, Pháp không hề muốn phá hợp đồng với Nga bởi điều đó gây tổn thất lớn cho họ.
 
Siêu tàu chiến Mistral có trọng tải tối đa 21.300 tấn; có thể chuyên chở bốn sà lan đổ quân, 16 trực thăng hạng nặng, 2 tàu đệm không khí, một tiểu đoàn 40 xe tăng hạng nặng Leclerc, 450 binh sỹ... Tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral dài 199m, chiều ngang 32m, độ mớn nước 6,2m. Tàu được lắp đặt hệ thống radar cảnh giới MRR3D-NG, radar dẫn đường DRBN-38A; hệ thống hỏa lực gồm 2 hệ thống tên lửa phòng không MBDA Simbad, 2 khẩu đội pháo phòng không Breda-Mauser 30 mm, 4 súng máy 12,7 mm Browing M2-HB. Các liên đội Không quân dự kiến được biên chế trên các tàu lớp Mistral của Nga, bao gồm 8 chiếc máy bay trực thăng tấn công Kamov Ka-52K và 8 chiếc máy bay trực thăng vận tải tấn công Ka-29/31 Helix. Tàu có phạm vi hoạt động 40.000km.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc