(VnMedia) - Tình hình Ukraine lại đang sôi sục trở lại khi các cuộc giao tranh rộ lên ác liệt, gây ra tình trạng thương vong lớn chưa từng có kể từ hồi tháng 2. Diễn biến này khiến các cường quốc hốt hoảng, lo ngại viễn cảnh mọi thứ đổ vỡ và Ukraine rơi trở lại cuộc chiến tương tàn, đẫm máu.
Ảnh minh họa |
Các cuộc giao tranh, đụng độ đã rộ lên từ đêm hôm thứ Hai (13/4) và trong những giờ đầu tiên của sáng ngày hôm qua (14/4) ở các khu vực bên ngoài thành trì chính Donetsk của lực lượng ly khai ly khai miền đông Ukraine. Điều đáng nó là tình trạng bạo lực đáng lo ngại này xảy ra bất chấp việc trước đó chỉ vài giờ Bộ Tứ Normandy gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức vừa đạt được một thỏa thuận nhằm tiến gần hơn tới việc chấm dứt cuộc chiến ở miền đông Ukraine.
Cuộc xung đột quân sự kéo dài suốt một năm qua giữa quân đội Kiev và lực lượng ly khai miền đông Ukraine đã cướp đi sinh mạng của hơn 6.000 người và biến khu vực vốn từng là một trung tâm công nghiệp sầm uất của Ukraine thành một bãi hoang phế, đổ nát và hoang tàn.
Cuộc chiến ở miền đông Ukraine đã lắng dịu đi rất nhiều sau khi thỏa thuận ngừng bắn mới nhất được ký kết hôm 12/2 và được thực thi từ hôm 15/2. Giao tranh giảm đi rõ rệt, tình trạng thương vong hầu như không có. Những tín hiệu vui này đem đến hy vọng và sự lạc quan về khả năng tháo gỡ cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Ukraine. Tuy nhiên, khi hy vọng vừa được nhen nhóm lên thì tình hình giao tranh, đụng độ giữa các phe phái đối địch ở miền đông Ukraine bất ngờ bùng phát trở lại trong mấy ngày gần đây.
Người ta nghe thấy những cuộc bắn phá ác liệt rộ lên ở Donetsk từ tối hôm thứ Hai (13/4) và kéo dài đến những giờ đầu tiên của sáng ngày hôm qua (14/4). Phát ngôn viên quân đội Ukraine – ông Andriy Lysenko cho biết tại một cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp rằng, 6 binh lính của quân đội Kiev đã thiệt mạng và 12 người khác bị thương trong 24 giờ qua. Trong khi đó, lực lượng ly khai báo cáo con số thương vong là một người thiệt mạng và 5 người bị thương.
Đây là con số thương vong cao nhất kể từ khi lệnh ngừng bắn mới nhất được ký kết hôm 12/2.
Phát ngôn viên Lysenko còn cho biết, những vụ đụng độ tối hôm thứ Hai và sáng ngày hôm qua còn gây thương vong cho cả dân thường, trong đó có hai em thiếu niên bị thương trong vụ bắn phá ở khu vực Horlivka, phía bắc Donetsk.
Diễn biến trên chiến trường đang đi ngược lại với những gì đạt được trên bàn đàm phán bởi ngay trước đó, Bộ Tứ Normandy gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức đã nhất trí ở thủ đô Berlin về việc kêu gọi các bên rút cả vũ khí hạng nhẹ hơn khỏi vùng chiến tuyến. Thỏa thuận trên được đánh giá là bước đi giúp tiến gần hơn tới việc tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Tuy nhiên, diễn biến trên chiến trường hiện nay đã một lần nữa cho thấy một thực tế phũ phàng rằng thỏa thuận ngừng bắn ở miền đông Ukraine vẫn còn rất mong manh và lúc nào cũng có nguy cơ đổ vỡ.
Các cường quốc hốt hoảng
Tại cuộc họp ở thủ đô Berlin của Đức ngày hôm qua, Ngoại trưởng các nước Pháp, Đức, Nga và Ukraine đều bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” trước tình trạng vi phạm lệnh ngừng bắn đáng lo ngại ở miền đông Ukraine.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier thừa nhận cuộc đàm phán kéo dài suốt 5 giờ đồng hồ giữa 4 nước diễn ra “rất dài, rất căng thẳng, và thỉnh thoảng rất mâu thuẫn” trong bối cảnh tình hình căng thẳng trên chiến trường.
"Chúng ta phải bảo đảm rằng lệnh ngừng bắn được tôn trọng một cách toàn diện hơn so với những ngày gần đây”, ông Steinmeier cho các phóng viên biết.
Trong tuyên bố cuối cùng, 4 Ngoại trưởng “bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tình trạng bùng phát những cuộc giao tranh trong mấy ngày gần đây".
Nhóm giám sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) cũng phải thừa nhận tình trạng “giao tranh bùng phát ác liệt” ở miền đông Ukraine, quanh thành trì chính Donetsk của quân ly khai. OSCE ghi nhận, chỉ trong ngày Chủ nhật (12/2), đã có đến hơn 1.166 vụ nổ xảy ra trong vòng chưa đầy 6 giờ đồng hồ, chủ yếu là những vụ nổ gây ra từ đạn súng cối và đạn pháo.
Theo thỏa thuận Minsk, quân đội Kiev và lực lượng ly khai miền đông Ukraine phải rút vũ khí hạng nặng có cỡ nòng hơn 100mm ra khỏi vùng chiến sự nhưng OSCE cho hay “các vũ khí có cỡ nòng lớn hơn 100mm vẫn đang được cả hai bên sử dụng trong những cuộc giao tranh mới”.
NATO tin rằng Nga tiếp tục cung cấp thêm binh lính và vũ khí cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine. Tuy nhiên, Moscow thẳng thừng bác bỏ cáo buộc này.
Ngoại trưởng các nước thuộc Bộ Tứ Normandy trong cuộc họp ở thủ đô Berlin tiếp tục kêu gọi rút vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng chiến sự đồng thời kêu gọi rút thêm cả các vũ khí “có cỡ nòng dưới 100mm cũng như tất cả các loại xe tăng”.
Tuy nhiên, khả năng quân Kiev và lực lượng ly khai miền đông Ukraine tuân thủ hoàn toàn theo thỏa thuận Minsk là điều rất khó khăn bởi giữa hai bên còn tồn tại sự nghi kỵ rất lớn.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc