Cái giá Pháp phải trả cho việc làm căng với Nga

07:14, 25/04/2015
|

(VnMedia) - Pháp và Nga đã thất bại trong việc tìm được một thỏa thuận về việc bàn giao hai siêu tàu chiến lớp Mistral trong cuộc gặp giữa Tổng thống Francois Hollande và người đồng cấp Vladimir Putin ở Yerevan , Armenia ngày hôm qua. Và như vậy, Pháp sẽ tiếp tục phải duy trì và bảo dưỡng cho hai chiếc tàu chiến đã đóng xong mà không thể bàn giao. Chi phí của hoạt động này mỗi tháng ngốn của Pháp đến 5 triệu euro tiền đóng thuế của người dân. Đây có lẽ là cái giá mà Paris phải trả cho việc làm căng với Moscow .

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Tổng thống Nga Putin đã có cuộc gặp với người đồng cấp Pháp Hollande tại một buổi lễ tưởng niệm 100 năm ngày xảy ra vụ Thảm sát Armenia .

 

Hai nhà lãnh đạo Nga, Pháp đã đề cập đến vấn đề liên quan đến hợp đồng tàu chiến Mistral và đã tìm cách đàm phán lại về thỏa thuận trên. Tuy nhiên, cuộc họp ngày hôm qua đã kết thúc mà không đem lại bất kỳ kết quả nào. Như vậy, hợp đồng tàu chiến Mistral sẽ tiếp tục bị đóng băng.

 

Hiện tại, giới quan chức của hai bên đang nói đến việc hợp đồng Mistral sẽ bị hủy bỏ và Pháp sẽ trao trả lại tiền mà Nga đã thanh toán trước cho hợp đồng. Nếu viễn cảnh này thực sự xảy ra thì đây sẽ điều hoàn toàn không có lợi cho Pháp. Paris chắc hẳn không muốn điều này dù ngoài mặt vẫn làm căng với Moscow .

 

Nhà bình luận quốc phòng của Pháp – ông Jean-Dominique Merchet đã viết trên mục của mình trên tờ L’Opinion rằng, Pháp sẽ pahri trả một cái giá đắt cho việc không chịu bàn giao tàu chiến cho Nga. Nếu hai chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral mà Pháp đóng cho Nga vẫn tiếp tục ở lại Pháp thì riêng chi phí để duy trì, bảo dưỡng và bảo đảm an ninh cho hai con tàu đó đã ngốn của những người đóng thuế ở Pháp số tiền khoảng 5 triệu euro mỗi tháng.

 

Nếu Pháp quyết định trả lại Nga số tiền mà Nga đã thanh toán trước cho hợp đồng Mistral như Tổng thống Hollande đề cập trước đó thì Paris sẽ phải trả số tiền lên tới 890 triệu euro (965 triệu USD). Với một số khoản tiền phạt và bồi thường, tổng số tiền mà Paris phải trả cho Moscow sẽ lên tới 1 tỉ euro.

 

“Sẽ có hai chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral nằm tại cảng ở Saint-Nazaire mà Pháp không biết làm gì với chúng. Chi phi duy trì, bảo dưỡng cho con tàu sẽ khiến Pháp mất 5 triệu euro mỗi tháng. Và sau đó, Pháp sẽ phải tìm người mua mới cho hai con tàu đó bởi Hải quân Pháp vốn đã sở hữu đến 3 chiếc tàu lớp Mistral. Họ không còn cần thêm một tàu chiến nào loại này nữa”.

 

Trong khi đó, về phía Nga, nước này tỏ ra rất thoải mái trước việc Pháp không bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral và trả lại tiền cho họ.

 

Moscow đánh giá cao việc Tổng thống Pháp Francois Hollande cam kết sẽ trả lại tiền thanh toán hợp đồng mua siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga nếu hợp đồng không được thực hiện, một nguồn tin ngoại giao hôm qua (24/4) cho hãng tin RIA Novosti biết.

 

"Đây rõ ràng là một tuyên bố rất quý giá đối với chúng tôi", nguồn tin cho biết khi nói đến phát biểu gần đây cảu Tổng thống Hollande, trong đó ông này gợi ý sẽ sẵn sàng trả lại tiền cho Nga nếu Pháp không bàn giao hai siêu tàu chiến Mistral như trong hợp đồng ký kết giữa hai bên.

 

Trước đó, hồi đầu tuần, Tổng thống Hollande đã nói, Pháp sẽ trả lại tiền mà Nga đã thanh toán trước cho hợp đồng mua hai siêu tàu chiến lớp Mistral nếu như hợp đồng này bị hủy bỏ.

 

Ông Hollande cũng nói rằng, hiện chưa có đủ điều kiện để Pháp bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga.

 

Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp với trị giá 1,2 tỉ euro (1,5 tỉ USD) từ hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, Pháp phải bàn giao chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok cho Nga vào ngày 14/11 năm ngoái trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào cuối năm nay. Tuy nhiên, thời hạn bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral đầu tiên cho Nga đã qua đi nhiều tháng mà Pháp vẫn không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của mình. Lý do của sự trì hoãn này là cuộc khủng hoảng ở Ukraine .

 

Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đổ lỗi cho Moscow đứng đằng sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine , châm ngòi cho cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nước này. Dù Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên nhưng Mỹ và đồng minh EU vẫn gây sức ép với Moscow trên mọi mặt trận từ chính trị, kinh tế, ngoại giao đến quân sự.

 

Trong một động thái nhằm trừng phạt Nga trên mặt trận quân sự, Mỹ và các đồng minh đã gây sức ép mạnh mẽ để buộc Pháp phải ngừng bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga.

 

Nga lúc đầu còn tỏ ra kiên nhẫn chờ đợi Pháp. Tuy nhiên, gần đây, giới chức Nga tỏ ra mất dần sự kiên nhẫn. Giới chức Nga liên tục tuyên bố Pháp hãy lựa chọn, một là giao tàu, hai là trả lại tiền. Mới đây nhất, Tổng thống Putin đã thẳng thắn cho biết, Nga không cần đòi tiền phạt của Pháp trong việc tự ý hủy bỏ hợp đồng đã ký kết với Nga. Tuy nhiên, Moscow mong muốn Pháp trả lại tiền mà họ đã đặt trước cho Pháp để mua tàu chiến Mistral.

 

Siêu tàu chiến Mistral có trọng tải tối đa 21.300 tấn; có thể chuyên chở bốn sà lan đổ quân, 16 trực thăng hạng nặng, 2 tàu đệm không khí, một tiểu đoàn 40 xe tăng hạng nặng Leclerc, 450 binh sỹ... Tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral dài 199m, chiều ngang 32m, độ mớn nước 6,2m. Tàu được lắp đặt hệ thống radar cảnh giới MRR3D-NG, radar dẫn đường DRBN-38A; hệ thống hỏa lực gồm 2 hệ thống tên lửa phòng không MBDA Simbad, 2 khẩu đội pháo phòng không Breda-Mauser 30 mm, 4 súng máy 12,7 mm Browing M2-HB. Các liên đội Không quân dự kiến được biên chế trên các tàu lớp Mistral của Nga, bao gồm 8 chiếc máy bay trực thăng tấn công Kamov Ka-52K và 8 chiếc máy bay trực thăng vận tải tấn công Ka-29/31 Helix. Tàu có phạm vi hoạt động 40.000km.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc