(VnMedia) - Bất chấp mọi sự giận dữ đến cao độ của phía Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc vẫn huy động rầm rộ một lực lượng binh lính và vũ khí lớn để tiến hành một cuộc tập trận dựa trên kịch bản giả định đầy ẩn ý.
Ảnh minh hoạ |
Theo báo chí nước ngoài đưa tin, hàng nghìn lính Mỹ và Hàn Quốc với sự hỗ trợ của lực lượng trực thăng và chiến đấu cơ hùng hậu hôm nay (30/3) đã chính thức khai màn một cuộc tập trận đổ bộ quy mô lớn. Đây là màn diễn tập quan trọng nhất trong cuộc tập trận quân sự chung hàng năm của Mỹ và Hàn Quốc. Cuộc tập trận này là nguồn cơn gây ra không biết bao nhiêu sóng gió trên khu vực bán đảo Triều Tiên.
Có tổng số 7.600 binh lính, trong đó có 3.500 lính thuỷ đánh bộ cùng với 80 máy bay, 30 tàu chiến và hàng chục xe bọc thép và xe tăng, tham gia vào cuộc tập trận nhằm bảo vệ một đầu cầu ở dọc bờ biển Pohang, cách thủ đô Seoul về phía nam khoảng 360km.
Dưới sự giám sát của các tướng lĩnh chỉ huy quân đội Mỹ và Hàn Quốc, cuộc diễn tập đổ bộ là điểm nhấn trong cuộc tập trận Foal Eagle (Đại bàng non) kéo dài 8 tuần giữa Mỹ và Hàn Quốc. Cuộc tập trận này dự kiến kéo dài đến tận ngày 24/4.
Các cuộc tập trận quân sự chung hàng năm giữa Mỹ và Hàn Quốc luôn làm leo thang căng thẳng giữa hai miền bán đảo Triều Tiên. Giữa Hàn Quốc và Triều Tiên về mặt lý thuyết vẫn đang có chiến tranh với nhau bởi hai bên mới chỉ kết thúc cuộc chiến năm 1950-53 bằng một thoả thuận ngừng bắn chứ không phải là một hiệp ước hoà bình.
Bình Nhưỡng lâu nay vẫn liên tục kịch liệt phản đối các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc bởi Triều Tiên xem đó là hành động chuẩn bị cho một cuộc xâm lược nhằm vào nước họ. Năm nào, Bình Nhưỡng cũng thể hiện sự tức giận trước các cuộc tập trận chung của Mỹ, Hàn bằng một loạt những lời đe dọa đáng sợ và cảnh báo sắc lạnh, gây ra những cơn “sóng gió” dữ dội trên bán đảo Triều Tiên.
Năm nay, Bình Nhưỡng thậm chí đã sẵn sàng đề nghị ngừng thử hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận chung. Tuy nhiên, đề xuất của Triều Tiên không được chấp nhận. Mỹ và Hàn Quốc khăng khăng khẳng định, các cuộc tập trận của họ chỉ mang tính phòng vệ. Vì thế, Mỹ và Hàn Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy kế hoạch tập trận chung như kế hoạch.
Những cuộc tập trận thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc luôn là thời điểm đầy thử thách đối với mối quan hệ song phương giữa hai miền liên Triều.
Hàn Quốc phát triển chiến đấu cơ tự chế
Trong bối cảnh mà quan hệ liên Triều liên tục rơi vào sự đối đầu căng thẳng và việc Triều Tiên sở hữu chương trình hạt nhân, tên lửa hiện đại, Hàn Quốc đã tìm cách tăng cường sức mạnh quân sự cho nước này ngoài việc trông chờ vào cái ô bảo vệ của đồng minh Mỹ.
Hàn Quốc hôm nay (30/3) đã chính thức lựa chọn tập đoàn Công nghiệp Không gian Vũ trụ Hàn Quốc (KAI) và đối tác Lockheed Martin của Mỹ để tham gia vào dự án nhiều tỉ đô la nhằm phát triển 120 máy bay chiến đấu “tự chế”.
Dự án chiến đấu cơ mang tên KF-X được thiết kế để phát triển và sản xuất 120 chiến đấu cơ mới tự chế nhằm thay thế cho các phi đội già cỗi F-4 và F-5 của Hàn Quốc.
"Chúng tôi đã chọn KAI dựa trên đánh giá của chúng tôi về mức chi phí, về kế hoạch phát triển và năng lực phát triển của cả hai nhà thầu", cơ quan phụ trách chương trình mua sắm thiết bị quân sự của Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố.
Chính phủ Hàn Quốc sẽ bỏ ra 60% chi phí phát triển với phần còn lại được chia sẻ giữa tập đoàn trúng thầu và Indonesia. Indonesia tham gia vào dự án của Hàn Quốc theo một hiệp ước quốc phòng song phương vừa được hai nước ký kết.
Liên danh giữa KAI và Lockheed luôn có lợi thế bởi họ từng bắt tay phắt triển máy bay huấn luyện T-50 – chiếc máy bay siêu âm tự chế đầu tiên của Hàn Quốc.
Lockheed – tập đoàn giành được một hợp đồng năm 2013 về việc bán 40 chiếc chiến đấu cơ F-35A cho Hàn Quốc, đã cam kết sẽ chuyển giao những công nghệ then chốt của dự án máy bay KF-X cho Seoul.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc