Mỹ - Trung: 2 máy bay cách nhau 6,1 m

15:08, 23/08/2014
|

(VnMedia) - Chính quyền của Tổng thống Barack Obama hôm qua (22/8) cáo buộc một chiến đấu cơ của Trung Quốc đã tiến hành một vụ “chặn đầu nguy hiểm” nhằm vào một máy bay do thám của Hải quân Mỹ ở ngoài khơi bờ biển Trung Quốc trong không phận quốc tế. Đây là lần thứ 4 diễn ra những cuộc chạm trán nghẹt thở như vậy giữa máy bay hai nước Trung-Mỹ kể từ hồi tháng 3 đến giờ.

 

Ảnh minh họa


Ảnh minh họa


Phát ngôn viên Lầu Năm Góc – Chuẩn Đô đốc John Kirby cho biết, hôm 19/8 mới đây, chiến đấu cơ của Trung Quốc đã gây nguy hiểm cho phi công lái máy bay của Mỹ. Hành động này “đi ngược lại với luật lệ quốc tế thông thường” và làm khó cho nỗ lực nhằm cải thiện mối quan hệ song phương giữa quân đội hai nước – một mối quan hệ vốn hay rơi vào căng thẳng.

 

Theo lời ông Kirby, chiếc phi cơ chiến đấu của Trung Quốc đã liên tục áp sát máy bay P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ, thời điểm gần nhất là trong phạm vi 6,1m. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc còn cho biết thêm rằng, máy bay chiến đấu của Trung Quốc còn thực hiện động tác “nhào lộn” ngay trước mũi của máy bay Poseidon và bay ngang qua mũi của máy bay Hải quân Mỹ, để lộ cả phần bụng của chiếc chiến đấu cơ của Trung Quốc theo một cách nhằm để răn đe phía Mỹ rằng máy bay của họ được trang bị vũ khí. Vụ chặn đầu máy bay “rất, rất gần và rất nguy hiểm”.

 

Ông Kirby cho hay, vụ việc trên xảy ra ở khu vực cách phía đông đảo Hải Nam của Trung Quốc gần 220km.

 

Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc cho biết, Washington đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ với quân đội Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao, miêu tả hành động của phi cơ lái chiếc máy bay chiến đấu của Trung Quốc là “không chuyên nghiệp và nguy hiểm". Giới chức Mỹ cho hay, đây ít nhất là lần thứ hai các nhà ngoại giao Mỹ phải gửi văn bản phản đối đếnTrung Quốc về hành động quân sự của nước này trong những tháng gần đây.

 

Tại một cuộc họp báo ở Massachusetts – nơi Tổng thống Barack Obama đang có kỳ nghỉ, ông Ben Rhodes – phó cố vấn an ninh quốc gia phụ trách các thông tin chiến lược, đã miêu tả vụ chặn đầu máy bay Mỹ của chiến đấu cơ Trung Quốc là “hành động khiêu khích gây quan ngại sâu sắc” đồng thời cho rằng, vụ việc này có thể đẩy lùi những nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ song phương.

 

"Những gì chúng tôi đang khuyến khích là một mối quan hệ hợp tác quân sự mang tính xây dựng với Trung Quốc và hành động kiểu như vừa rồi đã vi phạm tinh thần hợp tác đó”, ông Rhodes đã phát biểu thẳng thắn như vậy trước cánh phóng viên.

 

Theo giới chức Mỹ, chiếc chiến đấu cơ vừa chặn máy bay Hải quân của họ dường như đến cùng một đơn vị quân đội của Trung Quốc ở bên ngoài một căn cứ trên đảo Hải Nam . Đơn vị này chịu trách nhiệm về những vụ “chặn đầu và áp sát” mang tính gây hấn tương tự diễn ra hồi tháng 3, tháng 4 và tháng 5. Các quan chức Mỹ từ chối tiết lộ những vụ việc tương tự trước đây và chỉ nói rằng, Mỹ đã gửi văn bản phản đối chính thức cho phía Trung Quốc hồi tháng 5.

 

Máy bay P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ được thiết kế để tham gia các nhiệm vụ tầm xe, trong đó có các hoạt động do thám và thu thập thông tin tình báo.

 

Bầu trời trên đảo Hải Nam từng là nơi chứng kiến một vụ đối đầu nghiêm trọng hồi tháng 4 năm 2001, khi một chiến đấu cơ Trung Quốc đâm vào một máy bay do thám EP-3 của Hải quân Mỹ. Vụ đâm nhau này đã khiến một phi công của Trung Quốc thiệt mạng và buộc máy bay Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp trên đảo Hải Nam. Giới chức Trung Quốc ban đầu đã bắt giữ 24 thành viên phi hành đoàn của Mỹ trong hơn một tuần cho đến khi cả hai chính phủ đưa ra được một thỏa thuận có thể cứu vãn thể diện cho việc phóng thích những người này.

 

Vụ chạm trán mới nhất giữa chiến đấu cơ Trung Quốc và máy bay của Hải quân Mỹ đã làm gia tăng căng thẳng và phơi bày sự đối đầu ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc khi Bắc Kinh đang gia sức củng cố sức mạnh quân sự và đòi hỏi chủ quyền thái quá ở các vùng biển trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

 

Washington và Bắc Kinh từ lâu đã bất đồng về các quyền hàng hải và quyền hàng không ở khu vực Biển Đông chiến lược. Mỹ nhấn mạnh khu vực này là môt phần của lãnh hải và không phận quốc tế trong khi Trung Quốc đòi đó là một phần của “vùng đặc quyền kinh tế” của nước này.

 

Giống như các máy bay, tàu hải quân của Mỹ trong khu vực cũng nhiều lần có những cuộc đối đầu, chạm trán căng thẳng với tàu thuyền Trung Quốc trong những năm gần đây. Lầu Năm Góc Mỹ từng cáo buộc tàu chiến của họ đã phải đột ngột bẻ ngoặt tay lái để tránh đâm nhau với tàu Trung Quốc ở vùng biển này.

 

Tuần trước, Trung Quốc cáo buộc Mỹ đốt nóng căng thẳng trong khu vực Biển Đông và bác bỏ đề xuất của Washington về việc đưa ra một thỏa thuận đa phương trong đó yêu cầu các nước ngừng ngay những hành động mang tính khiêu khích, làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

 

Bắc Kinh đang đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, lấn sang cả vùng lãnhhải, lãnh thổ của các nước như Việt Nam , Philippines , Malaysia Brunei . Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đang vấp phải sự phản đối quyết liệt và dữ dội không chỉ của các nước trong khu vực mà cả cộng đồng quốc tế.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc