Tân Tổng thống Ukraine thách thức Putin, kết thân phương Tây

09:39, 09/06/2014
|

(VnMedia) - Tổng thống vừa nhậm chức của Ukraine - ông Petro Poroshenko được cho là sẽ xây dựng lại một đội ngũ chính phủ nhằm xử lý cuộc khủng hoảng với Nga, đồng thời đưa Ukraine tiến lại gần hơn với phương Tây. Ngay trong bài phát biểu nhậm chức, tân Tổng thống Petro Poroshenko đã thể hiện một thái độ thách thức trước Tổng thống Nga Vladimir Putin.

 

Ảnh minh họa


Tân Tổng thống Poroshenko


Ông Poroshenko đã nói lời tuyên thệ nhậm chức trong một buổi lễ tráng lệ, hoành tráng, vui vẻ hôm 7/6. Buổi lễ này được cho là đã truyền đi cảm giác về một ranh giới đã được vạch ra sau 6 tháng diễn ra những cuộc bạo loạn, nổi dậy đẫm máu chưa từng có trong cuộc lật đổ cựu Tổng thống Viktor Yanukovich.

 

Tuy nhiên, đằng sau sự vui vẻ mà Ukraine có thể đang có khi bắt đầu cái gọi là “Sống theo cách mới” theo khẩu hiệu mà ông Poroshenko đưa ra trong chiến dịch tranh cử là thực tế về phong trào đòi ly khai đang sôi lên sùng sục ở các khu vực miền đông nam Ukraine cũng như mâu thuẫn nảy sinh từ việc chính quyền mới ở Kiev đang nóng lòng muốn thực hiện kế hoạch đưa Ukraine sát lại gần Châu Âu hơn.

 

Việc tân Tổng thống Poroshenko thẳng thừng bác bỏ việc chấp nhận bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga ngay trong bài phát biểu nhậm chức được xem là một sự thách thức đối với Tổng thống Putin.

 

Người ta tin rằng, cuộc gặp ba bên ở Brussels ngày hôm nay (9/6) nhằm giải quyết cuộc tranh chấp liên quan đến giá khí đốt sẽ đưa ra dấu hiệu đầu tiên về việc liệu ông Putin có sẵn sàng cho vị chính khách kiêm doanh nhân 48 tuổi một khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hay sẽ thử thách ông này ngay trong những ngày đầu nhậm chức.

 

Nga đã đe dọa cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt cho nước láng giềng cũng là một nhà trung chuyển khí đốt lớn của Nga đến Châu Âu nếu như Kiev không trả nợ cho Gazprom vào ngày mai (10/6).

 

Trong những bước đi đầu tiên trong việc sắp xếp vị trí cho các đồng minh, tân Tổng thống được cho là sẽ bổ nhiệm Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng mới trong một vài ngày sắp tới.

 

Những cuộc nổi dậy ở miền đông nam Ukraine đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người trong các cuộc đụng độ, giao tranh giữa quân chính phủ và các thành phần có vũ trang. Người miền đông Ukraine hôm 7/6 tuyên bố, họ sẽ không từ bỏ cuộc chiến của mình.

 

Những khó khăn trên không phải là những thách thức duy nhất mà tân Tổng thống Ukraine phải đối mặt. Ông này còn thừa hưởng một đất nước đang trên bờ vực phá sản – một đất nước bị các cơ quan đánh giá xếp hạng là một trong những nước tham nhũng và quản trị yếu kém nhất Châu Âu.

 

Tân Tổng thống Ukraine thách thức Nga

 

Tân Tổng thống Poroshenko – một tỉ phú trong ngành công nghiệp bánh kẹo với rất nhiều kinh nghiệp hoạt động trong chính phủ, tuyên bố, ông này đã sẵn sàng ký hiệp ước thương mại và hợp tác với Liên minh Châu Âu (EU) trong tháng này. Đây là hiệp ước mà cựu Tổng thống Yanukovych từng bất ngờ trì hoãn để đổi lấy mối quan hệ thân thiết hơn với Nga và sự trì hoãn này đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng kéo dài suốt nhiều tháng qua ở Ukraine.

 

Ông Poroshenko cam kết sẽ tuân thủ nghiêm túc các chính sách theo hướng của phương Tây. Việc tân Tổng thống Ukraine nhanh chóng kết thân với phương Tây đã được “đáp lễ” bằng khoản viện trợ 48 triệu USD từ Washington dành cho cải cách kinh tế.

 

Thỏa thuận mà tân Tổng thống Poroshenko muốn nhanh chóng ký với EU sẽ đưa Ukraine tham gia vào vùng thương mại tự do với Liên minh Châu Âu, phá hỏng kế hoạch và tham vọng của Tổng thống Putin trong việc giữ Kiev ở trong tầm ảnh hưởng của Nga.

 

Tổng thống Putin hồi cuối tuần trước đã lên tiếng cảnh báo, ngày sau khi Ukraine ký thỏa thuận với EU và thỏa thuận đó có hiệu lực, Nga có nghĩa vụ phải áp dụng các bước đi để bảo vệ nền kinh tế cũng như các thị trường của nước này.

 

Rõ ràng, diễn biến trên cho thấy, cuộc khủng hoảng giữa Nga với Ukraine dường như chưa thể kết thúc nếu không nói là mới chỉ bắt đầu.

 

Cũng trong bài phát biểu nhậm chức của mình, ông Poroshenko tuyên bố, ông này sẽ không bao giờ chấp nhận mất Crimea – bán đảo mà Nga đã sáp nhập vào nước này hồi tháng 3 sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng nổ và Tổng thống Yanukovych bị lật đổ. Ông Poroshenko thẳng thừng tuyên bố: "Crimea đã, đang và sẽ là của Ukraine ”. Tuy nhiên, thực tế là Crimea giờ đây đã thuộc về nước này và người ta tin rằng, hầu như chẳng có lực lượng nào có thể thuyết phục Nga đưa Crimea trở lại Ukraine .

 

Theo các nhà phân tích, ưu tiên lớn hơn của tân Tổng thống Ukraine phải là chấm dứt tình trạng bất ổn, bạo loạn ở các khu vực miền đông, miền nam. Diễn biến ở những nơi này đang đe dọa mục tiêu của ông Poroshenko trong việc xây dựng một nhà nước thống nhất, không bị chia rẽ.

 

Trong một nỗ lực thể hiện sự chìa tay của tân Tổng thống Poroshenko với người dân miền đông, ông này cam kết sẽ bảo đảm các quyền của ngôn ngữ Nga cũng như bảo đảm cho người dân nơi đây có tiếng nói lớn hơn trong việc điều hành các công việc riêng ở những khu vực của họ.

 

Ông Poroshenko đã hứa sẽ ân xá cho những người miền đông Ukraine sẵn sàng hạ vũ khí. Tuy nhiên, ông này cũng thể hiện sự cứng rắn đối với phong trào biểu tình ở miền đông.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc