Toan tính của Trung Quốc trong việc xây đảo nhân tạo ở Trường Sa

15:26, 08/06/2014
|

Chính quyền Philippines ngày 7/6 cho biết họ đang điều tra các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang cải tạo và bồi đắp đất ở 2 bãi san hô ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông nhằm biến chúng thành đảo nhân tạo.

Bà Abigail Valte, Người phát ngôn của Tổng thống Philippines cho hay, Chính phủ nước này đang điều tra những thông tin cho rằng Trung Quốc đã gây tổn hại các bãi đá ngầm trong nỗ lực bị cáo buộc nhằm biến hai bãi đá ở Biển Đông này thành 2 hòn đảo nhân tạo. 

Ảnh minh họa

Cũng trong tuyên bố của mình, bà Valte nhắc lại tuyên bố trước đó của Tổng thống Aquino rằng tàu Trung Quốc mang theo thiết bị lấp đất đã xuất hiện tại khu vực Biển Đông. Tờ Inquirer - một trong những tờ báo lớn nhất Philippines, ngày 7/6 đã cho đăng các hình ảnh được cho là do quân đội nước này chụp cho thấy các tàu Trung Quốc đang tham gia vào việc bồi đắp đất tại bãi san hô.

Hồi tháng trước, Philippines đã công khai cáo buộc Bắc Kinh tiến hành các hoạt động cải tạo và bồi đắp đất quy mô lớn tại đảo Gạc Ma (tên quốc tế là Johnson South Reef) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng vào năm 1988. 

Theo chính quyền Manila, với các hoạt động cải tạo ở đảo Gạc Ma, Trung Quốc có thể đang muốn xây dựng đường băng đầu tiên tại khu vực tranh chấp.

Trước đó, hãng tin AP của Mỹ ngày 5/6/2014 cho biết, Tổng thống Philippines, Benigno Aquino III đã bày tỏ lo lắng sau khi xem những bức ảnh chụp các tàu có khả năng lấn biển ở vùng phụ cận hai bãi đá ngầm bị Trung Quốc chiếm giữ thuộc quần đảo Trường Sa.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hồng Kông), Trung Quốc đang toan tính mở rộng Bãi Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành một hòn đảo nhân tạo, với đầy đủ đường băng và cảng biển, để thúc đẩy sức mạnh quân sự tại Biển Đông.

Theo giáo sư Kim Xán Vinh (Jin Canrong), tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, đảo nhân tạo này sẽ có kích cỡ gấp đôi căn cứ quân sự Diego Garcia của Mỹ-một đảo san hô rộng 44 km2 ở giữa Ấn Độ Dương.

Lý Kiệt (Li Jie), một chuyên gia hải quân thuộc Viện nghiên cứu Hải quân Trung Quốc cho hay, đảo mở rộng còn gồm cả sân bay và hải cảng. Sau khi mở rộng, đảo sẽ tiếp tục là nơi có trạm quan sát để cung cấp các hỗ trợ quân sự.

Theo giới phân tích, kế hoạch mở rộng Bãi Chữ thập, nếu được phê chuẩn, sẽ là một dấu hiệu nữa cho thấy sự thay đổi về chiến lược của Trung Quốc nhằm giải quyết các tranh chấp chủ quyền kéo dài từ vị thế phòng thủ sang tấn công. Đây cũng được xem là một bước đi tiến tới việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.

Tháng 11/2013, Bắc Kinh đã đơn phương tuyên bố lập vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông. Động thái này khiến các nước Đông Nam Á lo ngại về một kịch bản tương tự sẽ diễn ra ở Biển Đông.

Trong bối cảnh các diễn biến gần đây ở Biển Đông đang thu hút sự chú ý của thế giới
 đối với Trung Quốc, các nhà phân tích đã cảnh báo rằng việc cải tạo Bãi Chữ thập có thể làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và các quốc gia láng giềng.


(theo Chính Phủ)

Ý kiến bạn đọc