Các nhà lãnh đạo thế giới lên án cuộc đảo chính ở Thái

13:32, 23/05/2014
|

(VnMedia) - Các nhà lãnh đạo thế giới hôm qua (22/5) đã đồng loạt lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về tình hình nhân quyền và quyền tự do cơ bản của nhân dân Thái Lan sau khi quân đội nước này bất ngờ thực hiện một cuộc đảo chính lật đổ chính phủ và lên cầm quyền.

 

Ảnh minh họa

Giới tướng lĩnh hàng đầu Thái Lan tuyên bố cuộc đảo chính thứ 19 của họ.


Mỹ đã bày tỏ sự quan ngại về các thể chế dân chủ ở Thái Lan đồng thời lên tiếng kêu gọi sự kiềm chế.

 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, hành động của quân đội Thái Lan trong ngày hôm qua là nguyên nhân gây ra lo ngại và ông này kêu gọi ngay lập tức khôi phục lại chính phủ dân sự ở đất nước Thái Lan.

 

“Tôi thất vọng trước quyết định của quân đội Thái Lan trong việc tạm ngừng hiến pháp và giành quyền kiểm soát chính phủ sau một thời gian dài diễn ra cuộc khủng hoảng chính trị. Và không có lý lẽ nào biện minh cho cuộc đảo chính quân sự hiện nay”, ông Kerry đã phát biểu gay gắt như vậy trong một tuyên bố được phát đi ngày hôm qua.

 

Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ cũng bày tỏ sự quan ngại trước những thông tin về việc nhiều nhà lãnh đạo chính trị chủ chốt của các đảng phái lớn ở Thái Lan đang bị bắt giữ. Ông Kerry kêu gọi thả ngay lập tức những vị chính khách này.

 

Cũng trong tuyên bố của mình, Ngoại trưởng Kerry nói: "Tôi kêu gọi khôi phục ngay lập tức chính phủ dân sự ở Thái Lan, đưa đất nước quay trở lại nền dân chủ và tôn trọng nhân quyền, các quyền tự do cơ bản như tự do báo chí. Con đường phía trước Thái Lan phải bao gồm một cuộc bầu cử sớm – một cuộc bầu cử phản ánh đúng nguyện vọng, ý chí của nhân dân".

 

Theo lời Ngoại trưởng Kerry, cuộc đảo chính ngày hôm qua của quân đội Thái Lan đã buộc Mỹ phải xem xét lại vấn đề viện trợ quân sự cũng như các viện trợ khác cho quốc gia Đông Nam Á này.

 

“Trong khi chúng tôi đánh giá cao tình bạn lâu dài với nhân dân Thái Lan thì chúng tôi phải thừa nhận cuộc đảo chính này sẽ gây hệ lụy tiêu cực đến mối quan hệ giữa Mỹ và Thái Lan, đặc biệt là mối quan hệ giữa chúng tôi với quân đội Thái Lan”, ông Kerry nhấn mạnh. “Chúng tôi đang xem xét lại các sự giúp đỡ, viện trợ và thỏa thuận về quân sự cũng như trong các lĩnh vực khác giữa chúng tôi với phía Thái Lan, phù hợp với luật Mỹ”, ông Kerry nói thêm.

 

Một phần của hoạt động hợp tác quân sự giữa Mỹ và Thái Lan là cuộc tập trận hải quân Carat được Mỹ hậu thuẫn ở Thái Bình Dương và Thái Lan cùng với một loạt quốc gia khác đang tham gia.

 

Theo luật pháp của Mỹ với một số ngoại lệ hạn chế, Mỹ không được cung cấp viện trợ cho một nước mà chính phủ bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính quân sự hay một cuộc đảo chính mà ở đó giới quân đội nắm vai trò chính.

 

Liên Hợp Quốc, Anh, Pháp cùng lên tiếng

 

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hôm qua cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước cuộc đảo chính ở Thái Lan, một tuyên bố từ văn phòng của ông cho biết.

 

Trong tuyên bố này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi “nhanh chóng khôi phục lại chính quyền dân sự, dân chủ và hợp hiến đồng thời tiến hành một cuộc đối thoại toàn diện có sự tham gia của tất cả các bên để mở đường cho hòa bình và sự thịnh vượng lâu dài cho đất nước Thái Lan.

 

Tuyên bố của Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi tất cả các bên hợp tác với nhau, kiềm chế không gây bạo lực và tôn trọng nhân quyền.

 

Bày tỏ sự quan ngại sâu sắc, văn phòng nhân quyền của Liên Hợp Quốc cũng nói rằng, việc áp đặt chế độ thiết quân luật cùng với một loạt sắc lệnh khác của quân đội Thái Lan có thể đang vi phạm những quyền tự do tối thiểu của người dân Thái Lan, hãng tin Reuters đưa tin.

 

“Chúng tôi nhắc nhở giới chức Thái Lan về nghĩa vụ của họ trong việc phải tôn trọng luật nhân quyền quốc tế, cụ thể là Thỏa ước Quốc tế về Các quyền Chính trị và Dân sự. Chúng tôi kêu gọi giới chức Thái Lan áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo tôn trọng các quyền cơ bản của người dân”, phát ngôn viên về nhân quyền của Liên Hợp Quốc – bà Ravina Shamdasani cho hay.

 

Cùng với Mỹ và Liên Hợp Quốc, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng lên án cuộc đảo chính quân sự ở Thái Lan, kêu gọi ngay lập tức trả lại pháp quyền cho đất nước này. Ông Hollande đã kêu gọi “Thái Lan ngay lập tức quay trở lại trật tự theo hiến pháp và tổ chức một cuộc bầu cử”. Nhà lãnh đạo Pháp cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết “phải tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản cho nhân dân Thái Lan”.

 

Ngoại trưởng Anh William Hague cũng kêu gọi Thái Lan khôi phục lại chính phủ dân sự được bầu lên một cách dân chủ. “Tôi cực kỳ quan ngại trước cuộc đảo chính ngày hôm nay. Chúng tôi vì thế đang trông chờ giới chức Thái Lan nhanh chóng đặt ra một thời gian biểu rõ ràng để sớm giúp khôi phục lại thế chế cầm quyền dân chủ ở nước này”, ông Hague hôm qua cho biết trong một tuyên bố.

 

Trước đó cùng ngày, Tư lệnh quân đội Thái Lan – Tướng Prayuth Chan-ocha đã bất ngờ tuyên bố thực hiện một cuộc đảo chính quân sự, chiếm quyền của chính phủ và bắt giữ các nhà lãnh đạo chính trị then chốt. Ông Prayuth còn tuyên bố, cuộc đảo chính này là cần thiết nhằm để khôi phục lại trật tự và sự ổn định ở đất nước Thái Lan sau 6 tháng diễn ra tình trạng bất ổn và bế tắc chính trị.

 

Diễn biết bất ngờ và choáng váng trên diễn ra sau khi Tướng Prayuth ban bố tình trạng thiết quân luật trên khắp đất nước Thái Lan hồi đầu tuần trong một động thái được ông này miêu tả là một nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị trong nước. Cuộc đảo chính của quân đội cũng diễn ra sau khi giới chức quân sự trong suốt nhiều tháng qua liên tục bác bỏ mạnh mẽ khả năng họ tiến hành thêm một cuộc đảo chính mới.

 

Cuộc đảo chính vừa diễn ra ở Thái Lan là cuộc đảo chính thứ 19 của quân đội kể từ năm 1932. Quân đội được cho là đứng về phe những người biểu tình phản đối chính phủ hiện nay ở Thái Lan.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc