Tàu chiến, lính Mỹ “dương oai diễu võ” trước Nga

07:36, 23/04/2014
|

(VnMedia) - Tàu khu trục USS Taylor (FFG 50) của Hải quân Mỹ vừa vào Biển Đen. Cùng lúc, Lầu Năm Góc thông báo kế hoạch triển khai khoảng 600 binh lính đến Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia trong mấy ngày nữa để tham gia các cuộc tập trận “dương oai diễu võ” ngay trước mắt Nga.

Ảnh minh họa

Tàu khu trục USS Taylor của Hải Quân Mỹ


Loạt động thái quân sự dồn dập trên được Mỹ đưa ra khi mà cuộc đối đầu Đông-Tây vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang tiếp tục leo thang bất chấp các nước vừa ký được một thỏa thuận hòa bình ở Geneva hôm 17/4.

 

Mỹ tuyên bố, tàu chiến của họ vào Biển Đen là “để giúp củng cố hòa bình và sự ổn định trong khu vực”.

 

“Hải quân Mỹ thường xuyên đưa các tàu chiến đến Biển Đen hoạt động theo định kỳ, phù hợp với Hiệp định Montreux và Luật Quốc tế. Sứ mệnh của tàu khu trục USS Taylor là tái đảm bảo với các đồng minh của NATO về cam kết của Hải quân Mỹ trong việc củng cố và tăng cường khả năng phối hợp hoạt động giữa các bên trong khi cùng nỗ lực hướng tới các mục tiêu chung trong khu vực”, một tuyên bố của Hải quân Mỹ được đưa ra ngày hôm qua (22/4) đã viết như vậy.

 

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trước đó đã cáo buộc, Mỹ đang vi phạm Hiệp định Montreux. Hiệp định này giới hạn số tàu chiến Mỹ hoạt động ở Biển Đen cũng như đặt ra thời hạn tối đa cho mỗi con tàu được hiện diện ở Biển Đen. Với Mỹ - một nước không được phép tiếp cận Biển Đen, tàu của họ chỉ được ở vùng biển này trong vòng 21 ngày.

 

Hồi đầu tháng 2, tàu khu trục USS Taylor của Mỹ đã đến Biển Đen. Tuy nhiên, hệ thống chân vịt của con tàu đã bị hỏng sau khi nó mắc cạn ở Biển Đen. Vụ việc này gây ra căng thẳng trong quan hệ Nga, Mỹ bởi trục trặc trên khiến tàu chiến của Mỹ đã ở lại Biển Đen vượt quá thời hạn được phép là 11 ngày.

 

Ngoài việc phái thêm tàu chiến đến Biển Đen, 600 binh lính Mỹ sẽ được triển khai đến Ba Lan và các nước Baltic trong mấy ngày tới để tăng cường sự trợ giúp cho các đồng minh NATO đang lo lắng sau vụ sáp nhập Crimea vào Nga, Lầu Năm Góc hôm qua đã nói như vậy.

 

Ảnh minh họa

Lính Mỹ


“Tôi được thông báo rằng, đó là ở cấp bộ binh – các cuộc diễn tập quân sự ở cấp bộ binh”, thư ký báo chí của Lầu Năm Góc – Chuẩn Đô đốc John Kirby cho biết tại cuôc họp báo ngày hôm qua. Tuy nhiên, ông này nói thêm rằng, ông không thể cung cấp thông tin cụ thể.

 

Theo lời ông Kirby, các cuộc diễn tập song phương là phần bổ sung cho cuộc tập trận quân sự tiêu chuẩn mà theo đó các nước sẽ diễn tập cùng nhau và cuộc tập trận này là do tình hình ở Ukraine hiện nay.

 

“Mỹ sẽ thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ được đưa ra trong Điều 5 của liên minh NATO mặc dù đó không phải là những cuộc tập trận của NATO. Cuộc tập trận là minh chứng cụ thể cho các cam kết của chúng tôi đối với các nghĩa vụ an ninh ở Châu Âu”, phát ngôn viên Kirby cho hay.

 

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan – ông Tomasz Siemoniak cho biết, nước ông cùng với Mỹ sắp sửa thông báo kế hoạch triển khai lực lượng bộ binh của Mỹ đến Ba Lan để tham gia một cuộc tập trận bộ binh kéo dài 2 tuần. Khoảng 150 binh lính đến từ Đội Chiến đấu Sư đoàn Không quân 173 của Mỹ ở Vicenza, Italia sẽ đến Ba Lan để tham gia cuộc tập trận dự kiến sẽ được khai hỏa trong ngày hôm nay (23/4). Sau đó, sẽ có những cuộc tập trận tương tự diễn ra ở các nước Baltics.

 

Binh lính Mỹ sẽ luân phiên đến đóng tại tất cả 4 nước trên. “Chúng tôi đang cân nhắc khả năng tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự thường xuyên, liên tục trên cơ sở luân phiên ở các nước đó từ giờ đến hết năm”, phát ngôn viên Kirby cho hay đồng thời nói thêm rằng, các cuộc tập trận của họ có thể mở rộng ra nhiều nước khác xung quanh.

 

Những bước đi trên là một phần trong nỗ lực tăng cường mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thông báo hồi tuần trước để trấn an các nước đồng minh NATO trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Ukraine leo thang nghiêm trọng.

 

Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ngày càng trở nên căng thẳng sau khi xảy ra cuộc đảo chính có vũ trang lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovich. Cuộc đảo chính này diễn ra sau nhiều tháng trời diễn ra làn sóng biểu tình rầm rộ ở thủ đô Kiev . Moscow tin rằng, những diễn biến trên chính trường Ukraine trong thời gian vừa qua là có bàn tay sắp đặt của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU). Nga nhất quyết không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời ở Kiev .

 

Về phần Mỹ và phương Tây, các cường quốc này ra sức hậu thuẫn cho chính phủ lâm thời mới ở Kiev đồng thời liên tục đổ lỗi cho Nga gây ra tình hình bất ổn ở Ukraine, đặc biệt là ở miền đông nước này.

 

Khu vực miền đông Ukraine đang dậy sóng bởi những cuộc biểu tình bởi người dân nơi đây, chủ yếu là người gốc Nga, không thừa nhận chính quyền lâm thời mới ở Kiev . Họ cảm thấy bất an khi sống dưới một chính quyền có thái độ, lập trường bài Nga và phân biệt đối xử với người gốc Nga.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc