Sai lầm chết người của Assad

09:15, 02/04/2014
|

(VnMedia) - Báo chí phương Tây và Ả-rập rộ lên tin về việc chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đang tiếp tay và sau đó phụ thuộc vào một nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan và một nhóm khác được dựng lên để chống lại lực lượng chiến binh. Họ tin rằng, đây là hai sai lầm chết người có thể khiến ông Assad sụp đổ bẽ bàng. Thông tin này chưa được kiểm chứng nhưng dưới đây là một bài phân tích dưới góc độ như vậy.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


"Chiến thắng của Quân đội Quốc gia Syria trong trận chiến ở Yabroud hồi đầu tháng 3 được xem là bằng chứng của sự áp đảo, thống trị về mặt quân sự của chính quyền trong cuộc xung đột ở Syria. Tuy nhiên, chiến thắng này đã bị hủy hoại bởi hai sai lầm chiến lược chết người của Tổng thống Bashar al-Assad. Những sai lầm đó có thể cuối cùng sẽ dẫn đến sự sụp đổ của ông này. Sai lầm của ông Assad xoay quanh ảnh hưởng ngày càng tăng của Nhóm Quốc gia Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) và Lực lượng Quốc phòng (NDF).
 
Trong một nỗ lực nhằm dập tắt phong trào đối lập năm 2011, Tổng thống Assad đã cho mở cửa các nhà tù, phóng thích các chiến binh và những tên này sau đó lập ra ISIS – một nhóm cực đoan đang hoành hành khắp đất Syria, đe dọa người dân nơi đây. Sự tồn tại của ISIS cũng giúp củng cố tôn chỉ của chính quyền Assad trong việc họ đang chiến đấu chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Các nguồn tin từ Syria cáo buộc, chính quyền của Tổng thống Assad đang hợp tác với ISIS cả trực tiếp và gián tiếp, cho phép ISIS xâm nhập vào một số thành phố nhất định, hạn chế chiến dịch đánh bom ở những khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của ISIS và thậm chí mua xăng dầu từ những giếng dầu đang nằm trong sự quản lý của ISIS ở phía bắc.
 
Tuy nhiên, liên minh chiến lược giữa chính quyền Assad với ISIS sẽ trở nên phản tác dụng một khi ISIS trở nên mạnh hơn và có thể tự chủ được. Giống như các nhóm vụ lợi khác, ISIS đang đầu cơ trục lợi từ nền kinh tế chiến tranh. Ở Iraq, nhóm này được cho là đã có thể tự cung tự cấp phần lớn cho họ do kiểm soát được một loạt giếng dầu. Nếu ISIS ở Syria đi theo hướng tương tự - một kịch bản rất dễ xảy ra, thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều cho chính quyền để kiểm soát lực lượng đó.
 
Sau này, Tổng thống Assad còn được cho là tài trợ cho việc thành lập Lực lượng Quốc phòng NDF – một cái tên được dành cho các nhóm "shabeeha" (tạm hiểu là nhóm tội phạm ủng hộ chính quyền) và lính đánh thuê đang hoạt động theo một cách phi tập trung trên khắp đất nước Syria. Những nhóm kiểu này được chính quyền trang bị vũ khí như một biện pháp “tự vệ” chống lại các chiến binh. Như với ISIS, NDF cũng đang trục lợi từ chiến tranh, dẫn tới sự nổi lên của nhiều thủ lĩnh quân phiệt cát cứ một vùng. Vị thế kinh tế của những thủ lĩnh này khiến chính quyền rất khó để có thể kiềm chế hay kiểm soát họ.
 
Dù lực lượng NDF chủ yếu bao gồm những người Alawis, người Cơ đốc giáo và người Druze, các thành phần đánh thuê của nó lại không phân biệt kẻ thù trong các cuộc tấn công ở Syria, thỉnh thoảng còn tấn công vào lực lượng trung thành với chính quyền. Điều đó dẫn đến sự bất mãn ngày càng tăng trong người dân thuộc giáo phái Alawi và các cộng đồng thiểu số khác. Những người này đã bắt đầu phát động các cuộc biểu tình ở khu vực nông thôn Latakia nhằm chống lại NDF, kêu gọi chính quyền bảo vệ họ.
 
Nhìn vào hai xu hướng trên, dường như ông Assad ban đầu góp phần để tạo ra một vấn đề - đó là chủ nghĩa chiến binh (ISIS), và sau đó tìm kiếm một giải pháp cho nó – đó là NDF. Tuy nhiên, có vẻ như cả vấn đề và giải pháp đều vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Tổng thống Assad. Bởi vì Nhà lãnh đạo Syria cần NDF để chiến đấu chống lại các nhóm chiến binh Hồi giáo không liên quan đến chính quyền như Mặt trận Nusra nên ông này buộc phải tiếp tục trang bị vũ khí cho NDF.
 
Khi NDF trở nên ít phụ thuộc hơn vào nguồn ngân quỹ từ chính quyền, Tổng thống Assad sẽ cần phải duy trì sự ủng hộ của NDF để bảo đảm lực lượng này vẫn trung thành với ông. NDF càng mạnh, càng có ảnh hưởng thì chính quyền càng ít có khả năng đáp ứng yêu cầu bảo vệ của các nhóm thiểu số bị đe dọa bởi NDF. Về phần ISIS, các nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan hiếm khi trung thành với những nhà tài trợ gốc ban đầu của chúng một khi chúng cảm thấy đủ mạnh, đủ năng lực để bắt đầu tiến hành những chương trình, kế hoạch riêng của bản thân.
 
Trợ giúp để hai nhóm ISIS và NDF mạnh lên và có ảnh hưởng lên có thể sẽ giúp được cho chính quyền Tổng thống Assad trong thời gian ngắn ban đầu. Tuy nhiên, những hệ lụy, ảnh hưởng về lâu về dài của chiến lược trên sẽ không phải là điều mà ông Assad muốn chứng kiến. Cơ cầu quyền lực ở Syria đang thay đổi từ chế độ lãnh đạo từ trên xuống dưới chuyển sang thành một nhà nước phi tập trung hóa và gần như thất bại. Đó sẽ là một quốc gia nơi các khu vực, các vùng khác nhau để phó mặc số phận của họ cho các nhóm bán độc lập.
 
Sự độc lập và ảnh hưởng của các nhóm nói trên sẽ gia tăng khi cuộc xung đột tiếp diễn. Mặc dù Tổng thống Assad hiện giờ vẫn đang có ảnh hưởng nhưng sai lầm chiến lược của ông này cuối cùng sẽ dẫn đến việc ông này trở thành nạn nhân, bị bó buộc bởi những nhóm gây bất ổn mà ông này từng giúp tạo ra, những nhóm mà lòng trung thành của họ ông sẽ phải mua bằng tiền để duy trì nó. Đến lúc đó, dù cầm quyền, ông Assad cũng sẽ không có mấy ảnh hưởng về chính trị và quân sự. Sự suy sụp của chính quyền Assad sẽ không phải do phe đối lập gây ra mà là kết quả của chính những quyết định sai lầm có tính chiến lược của ông này".


Kiệt Linh - (theo Aljazeera)

Ý kiến bạn đọc