Ukraine: Mỹ ra tay, Nga chẳng chùn bước

14:22, 04/03/2014
|

(VnMedia) - Chiều muộn ngày hôm qua (3/3), Mỹ đã tuyên bố ngừng các cuộc tiếp xúc về thương mại, đầu tư với Nga cũng như cắt đứt quan hệ quân sự với Nga nhằm trừng phạt nước này về các hành động ở Ukraine.
 

Ảnh minh họa

Crimea đang là tâm điểm của cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine


Hai biện pháp trên được Mỹ đưa ra chỉ vài giờ sau khi Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc chỉ trích gay gắt Nga về “hành động can thiệp quân sự nguy hiểm” vào Ukraine, miêu tả đó là một sự vi phạm luật quốc tế và cần “phải được dừng lại”.
 
Một phát ngôn viên văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã xác nhận với hãng tin Fox News rằng, "do những diễn biến gần đây ở Ukraine, chúng tôi tạm ngừng các cuộc tiếp xúc về thương mại và đầu tư với chính phủ Nga. Các cuộc tiếp xúc đó là một phần của nỗ lực nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ thương mại, đầu tư giữa Nga và Mỹ”.
 
Trước đó, Lầu Năm Góc cũng tuyên bố, Mỹ tạm cắt đứt “tất cả mối quan hệ quân sự” với Nga, trong đó có các cuộc tập trận chung, các cuộc họp song phương, những chuyến thăm qua lại cũng như hội nghị quân sự giữa hai bên.
 
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua cũng đã có cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về tình hình ở Ukraine. Một nữ phát ngôn viên cho biết, Tổng thống Obama và nhóm của ông đã thảo luận về những hành động mà Mỹ và các đối tác nước ngoài có thể làm để cô lập hơn nữa nước Nga, để buộc Moscow phải hứng chịu hậu quả nếu không có bước đi làm dịu tình hình.
 
Mỹ và phương Tây sẽ chỉ tập trung vào các biện pháp trừng phạt về kinh tế, ngoại giao chứ không có ý định dùng hành động quân sự trực tiếp với Nga. Các cường quốc phương Tây đã khẳng định như vậy.
 
Ngoài ra, một tuyên bố từ Thư ký Báo chí của Lầu Năm Góc – Thiếu tướng Hải quân John Kirby, hôm qua cũng cho biết, mặc dù đang có rất nhiều lời đồn đoán về việc Mỹ có thể điều động tàu chiến đén khu vực nhưng “sẽ không có sự thay đổi nào về cách bố trí quân sự của chúng tôi ở Châu Âu cũng như ở Địa Trung Hải. Các đơn vị hải quân của chúng tôi vẫn tiến  hành công việc như bình thường và tiếp tục thực hiện các chiến dịch hay các cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ trước với các nước đồng minh và đối tác trong khu vực".
 
Trước khi Mỹ chính thức đưa ra quyết định tạm ngừng quan hệ thương mại, quân sự với Nga, 7 cường quốc trong nhóm G8 cũng đã ký một tuyên bố chung, trong đó lên án gay gắt Nga về việc can thiệp quân sự vào Ukraine. Các nước này cũng có bước đi đầu tiên nhằm trừng phạt Nga, đó là huỷ bỏ các bước chuẩn bị cho hội nghị thượng định G8 dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới ở thành phố Sochi của Nga.
 
Không ít quan chức phương Tây đã lên tiếng kêu gọi loại bỏ Nga ra khỏi nhóm G8 nhưng bước đi này đã nhanh chóng bị Đức phản đối.
 
Theo lời giới chức Mỹ, nước này cùng với các cường quốc phương Tây đang thảo luận về một loạt biện pháp toàn diện nhằm cô lập Nga về kinh tế, ngoại giao và quân sự.
 
Nga chẳng chùn bước
 
Bất chấp những biện pháp trừng phạt của Mỹ, những lời đe doạ trừng phạt của phương Tây và cả những lời chỉ trích gay gắt, Nga không hề có bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ họ sẽ chùn bước trong vấn đề can thiệp quân sự vào Ukraine.
 
Tại một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc về tình hình Ukraine, Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc tiếp tục lên tiếng cầu cứu sự giúp đỡ, nói rằng Nga đã sử dụng máy bay, tàu thuyền và cả trực thăng để đưa đến báo đảo Crimea khoảng 16.000 quân trong tuần qua.
 
"Đến nay, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã thể hiện sự kiếm chế, tránh không có bất kỳ sự kháng cự nào trước hành động xâm lược của Nga nhưng họ vẫn ở tư thế sẵn sàng”, Đại sứ Yuriy Sergeyev nói.
 
Khi các nhà ngoại giao tại cuộc họp yêu cầu Nga rút quân, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc – ông Vitaly Churkin nhấn mạnh, mục đích của Nga chỉ là để bảo vệ nền dân chủ, bảo vệ hàng triệu người Nga ở Ukraine và ngăn chặn các hành động cực đoan.
 
Theo ông Churkin, Tổng thống bị truất quyền Viktor Yanukovych vẫn là nhà lãnh đạo được lựa chọn qua bầu cử và chính ông này đã đề nghị Nga đưa quân vào Ukraine.
 
Tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc, Đại sứ Nga đã đọc một bức thư được gửi từ ông Yanukovych, trong đó vị Tổng thống bị lật đổ miêu tả Ukraine đang “trên bờ vực của một cuộc nội chiến”, bị phá hoại bởi tình trạng “hỗn loạn và vô chính phủ”.
 
"Người dân đang bị khủng bố bởi ngôn ngữ của họ và bởi những lý do chính trị. Vì vậy, trong vấn đề này, tôi muốn kêu gọi Tổng thống Nga - ông Putin hãy sử dụng lực lượng vũ trang của Liên bang Nga để thiết lập lại tính hợp pháp, hoà bình, luật pháp, trật tự và sự ổn định của Ukraine cũng như bảo vệ nhân dân Ukraine".
 
Moscow bắt đầu các động thái quân sự ở khu tự trị Crimea của Ukraine sau khi người dân ở khu vực này lên tiếng cầu cứu sự giúp đỡ của Nga. Những diễn biến chính trị ở Ukraine hiện nay được xem là một cuộc đua tranh giành ảnh hưởng giữa một bên là Nga với bên kia là Mỹ và phương Tây.
 
Trước những lời kêu gọi rút quân của Mỹ và phương Tây, Nga khẳng định chắc nịch rằng, họ có quyền bảo vệ các lợi ích của mình cũng như cộng đồng người nói tiếng Nga đông đảo ở Ukraine.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc