Tiếng súng đã nổ ở Crimea

08:51, 09/03/2014
|

(VnMedia) - Lực lượng Crimea đã nổ súng cảnh cáo, quyết ngăn không cho phái đoàn các giám sát viên quốc tế đi vào khu vực tự trị của họ. Điều tương tự cũng đã xảy ra với một máy bay giám sát của Ukraine .

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Bán đảo tự trị Crimea đang đòi ly khai của Ukraine hôm qua (8/3) đã thẳng thừng từ chối không cho một phái đoàn của Tổ chức Anh ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) đi vào khu vực này. Những phát súng cảnh cáo đã được bắn ra sau khi phái đoàn đánh giá về quân sự của các nước thành viên OSCE tiếp cận điểm kiểm soát ở thành phố Armyansk thuộc bán đảo Crimea, tài khoản Twitter của OSCE cho biết.

 

Không có thương vong nào xảy ra và các giám sát viên của OSCE đã ngay lập tức trở lại thành phố gần đó là Kherson , OSCE cho biết.

 

Đây là nỗ lực thứ ba của phái đoàn OSCE đông đảo gồm 54 người tìm cách đi vào bán đảo tự trị Crimea từ hôm thứ Năm (6/3).

 

Phái đoàn trên được chính phủ lâm thời mới ở Kiev mời đến. Tuy nhiên, giới chức và người dân ở Crimea kiên quyết không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ thân phương Tây. Crimea cáo buộc, chính phủ lâm thời ở Kiev hiện nay là bất hợp pháp khi lên cầm quyền bằng cách xóa bỏ thỏa thuận đã ký kết, xông vào chiếm thủ đô và lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych sau những cuộc biểu tình đẫm máu và kéo dài giữa cảnh sát và phe đối lập, trong đó có các nhóm cực hữu có vũ trang.

 

Người Crimea càng có lý do để từ chối công nhận chính quyền lâm thời mới ở Kiev sau khi chính quyền này có những phát biểu và chính sách thể hiện sự phân biệt đối xử đối với những người gốc Nga chiếm đa số ở khu vực tự trị này. Crimea trong những ngày qua đang nỗ lực, tích cực chuẩn bị cho kế hoạch ly khai hoàn toàn khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga. Một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này sẽ được tiến hành vào ngày 16/3 tới.

 

Hiện tại, bán đảo tự trị Crimea đang nằm trong quyền kiểm soát của hàng ngàn binh lính mặc quân phục không đeo phù hiệu. Mỹ và các nước phương Tây ra sức cáo buộc đó là binh lính Nga nhưng Moscow kiên quyết phủ nhận cáo buộc này.

 

Mỹ và Phương Tây trong những ngày qua liên tục tuôn ra những lời chỉ trích gay gắt về cái mà họ gọi là một cuộc “xâm lược vũ trang” của Nga vào Crimea. Những cụm từ như “vi phạm luật pháp quốc tế”, “xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia” hay như là từ “không thể chấp nhận được” đã được giới chức Mỹ và phương Tây dùng để lên án Nga.

 

Tuy nhiên, giới lãnh đạo Nga đã thẳng thừng “vạch mặt” Mỹ và phương Tây đồng thời thách thức “trò hai mặt, đạo đức giả” của những nước này.

 

Nga tuyên bố, Mỹ không có quyền về mặt đạo đức để rao giảng cho nước khác phải làm gì và Mỹ cũng không có quyền lên án Nga can thiệp vũ trang vào các nước khác khi mà nước này đã đưa quân vào xâm lược vô số quốc gia.

 

Mới đây, Bộ Ngoại giao Nga cũng lên tiếng cáo buộc Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) đang áp dụng “tiêu chuẩn kép” trong cách tiếp cận với cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Ukraine. Tiêu chuẩn kép chính là trò “hai mặt” mà theo đó, một nước có hai cách ứng xử khác nhau trong cùng một vấn đề.

 

Moscow thẳng thắng tuyên bố, họ có quyền can thiệp quân sự vào Crimea để bảo vệ lợi ích của mình cũng như sự an toàn cho những người gốc Nga, nói tiếng Nga đang chiếm đa số ở bán đảo tự trị này. Hơn nữa, bản thân người dân ở Crimea cũng cầu cứu đích danh Nga đến giúp đỡ họ.

 

Ukraine đang được kiểm soát bởi lực lượng “chủ nghĩa dân tộc cực đoan”

 

Người đứng đầu về ngoại giao của Nga hôm qua (8/3) đã “chĩa mũi dùi tấn công” vào giới chức cầm quyền lâm thời mới ở Kiev hiện nay, cáo buộc bộ máy này đang tìm mọi cách bôi nhọ sự can thiệp của Nga vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

 

“Cái gọi là chính phủ lâm thời ở Ukraine không hề có tính độc lập mà phụ thuộc vào những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Đây là những kẻ đã chiếm quyền trong một cuộc đảo chính vũ trang”, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cáo buộc.

 

Phe đối lập Ukraine đã lên nắm quyền ở đất nước hồi cuối tháng trước sau khi lật đổ chính quyền của Tổng thống Viktor Yanukovych. Cuộc lật đổ này diễn ra sau một cuộc đụng độ đẫm máu và ác liệt giữa cảnh sát và người biểu tình, khiến ít nhất 100 người thiệt mạng.

 

Phe đối lập dưới sự dẫn dắt của Right Sector (tạm dịch là Phe Cánh hữu) – một tập hợp của các nhóm cực đoan và cực hữu theo chủ nghĩa dân tộc. Phe đối lập đã đưa ra kế hoạch tổ chức một cuộc bầu cử vào tháng 5 tới và thành lập một chính phủ mới. Phe Cánh hữu không có chỗ trong nội các nhưng các thành viên của nó đang tiến hành những cuộc tuần tra có vũ trang ở thủ đô Kiev và đã từng tham gia tra tấn một công tố viên địa phương vì “tội” thiếu tinh thần cách mạng.

 

“Cái gọi là Phe Cánh hữu đang điều hành mọi thứ thông qua sự đe dọa và khủng bố”, ông Lavrov cáo buộc tại một cuộc họp báo ở thủ đô Moscow . Nhà ngoại giao này cho biết, Nga sẵn sàng hợp tác với các nước khác để tìm kiếm một giải pháp cho tình hình khủng hoảng ở Ukraine . Tuy nhiên, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, những kẻ chỉ trích nên ngừng ngay việc bôi nhọ Nga.

 

“Chúng ta nên có một cuộc đối thoại công bằng giống như các đối tác mà không tìm cách bôi nhọ Nga như thể Nga là một phần của cuộc xung đột”, ông Lavrov đã phát biểu như vậy.

 

Moscow không thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền lâm thời mới ở Kiev bởi chính quyền này được dựng lên sau khi phá vỡ thỏa thuận đã ký với Tổng thống Yanukovych chỉ sau một ngày và nhanh chóng xâm chiếm thủ đô, lật đổ ông Yanukovych.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc