(VnMedia) - Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua (3/3) tuyên bố, chính quyền của ông này đang xem xét tổng thể một loạt bước đi kinh tế và ngoại giao nhằm “cô lập Nga” cũng như tăng cường phòng thủ Châu Âu sau khi Moscow kiên quyết không rút quân khỏi khu tự trị Crimea. Những diễn biến trên khiến người ta liên tưởng đến kịch bản thời Chiến tranh Lạnh đang quay trở lại.
Crimea đang là trung tâm của cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine |
Trong khi thừa nhận mối dây liên hệ về lịch sử và thương mại “mạnh mẽ” giữa Nga với Ukraine, Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố, “Điều Nga không thể làm mà không bị trừng phạt là đưa binh lính vào Ukraine và vi phạm nguyên tắc cơ bản đã được công nhận trên toàn thế gới".
"Và tôi cho rằng sự lên án mạnh mẽ mà Nga nhận được từ các nước trên khắp thế giới đã cho thấy Nga đang đứng bên lề trái của lịch sử”, ông Obama đã nói như vậy với cánh phóng viên ở Nhà Trắng trước khi ông này có cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Tổng thống Obama cho hay, Washington đang xem xét tổng thể “một loạt bước đi”, cả kinh tế và ngoại giao nhằm “cô lập nước Nga và gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế Nga cũng như vị thế của nước Nga trên trường quốc tế”.
Ông chủ Nhà Trắng một lần nữa nêu ra đề xuất đưa các quan sát viên quốc tế vào Ukraine hoặc thành lập một nhóm trung gian hòa giải quốc tế, để giải quyết những quan ngại của Nga về tình trạng phân biệt đối xử của chính quyền lâm thời Ukraine với cộng đồng người nói tiếng Nga và công dân Nga ở bên trong lãnh thổ quốc gia Đông Âu này.
Crimea hiện tại đang nằm trong quyền kiểm soát của các lực lượng Nga sau khi Tổng thống thân Ngaa Viktor Yanukovych bị lật đổ trong một “cuộc đảo” chính hôm 22/2 bởi một Quốc hội do phe đối lập thân phương Tây nắm thế áp đảo.
Việc Mỹ và các đồng minh cân nhắc biệt pháp trừng phạt, cô lập Nga cũng như tăng cường phòng thủ ở Châu Âu để đáp trả việc Moscow đưa quân vào Ukraine đã khiến người ta liên tưởng đến kịch bản một cuộc Chiến tranh Lạnh đang tái diễn.
Bao giờ cũng vậy, khi hai siêu cường Nga và Mỹ căng thẳng với nhau, hệ thống phòng thủ tên lửa và mức độ triển khai quân ở Châu Âu lại trở thành hai vấn đề cấp thiết ở Washington. Thực tế mới đó có thể khiến chính quyền của Tổng thống Barack Obama phải từ bỏ hẳn chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á mãi mãi. Đương nhiên, “ngư ông đắc lợi” ở đây là Trung Quốc.
Mặc dù đối đầu phương Tây đang nổi lên nhưng có ít khả năng phương Tây dùng đến biện pháp đáp trả quân sự trực tiếp nhằm vào Nga.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, ông này đã tham vấn các nhà lãnh đạo thế giới khác và tất cả đều cam kết sẽ làm mọi việc cần thiết để cô lập Nga về mặt ngoại giao.
Ngoài các biện pháp trừng phạt về kinh tế, cấm cấp visa, phong tỏa tài sản của Nga, trừng phạt về đầu tư và thương mại, Ngoại trưởng Kerry còn dọa, Moscow có thể phải đối mặt với khả năng bị loại ra khỏi nhóm các cường quốc G8. Tuy nhiên, theo các nguồn tin cho biết, bản thân Đức không đồng ý với phương án loại Nga ra khỏi G8 bởi theo Đức điều đó sẽ khiến họ bị mất mối liên hệ trực tiếp duy nhất với Moscow.
Cùng với các biện pháp trên, nhiều nghị sĩ Mỹ đang kêu gọi tăng cường các hệ thống phòng thủ tên lửa của họ ở Ba Lan và CH Czech.
Nga không lùi bước
Trong cuộc đối đầu với Mỹ và phương Tây về vấn đề Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin không có bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ ông sẽ quan tâm đến những lời cảnh báo sắc lạnh đang được các nhà lãnh đạo phương Tây liên tiếp tung ra trong thời gian gần đây.
Hàng nghìn binh lính Nga vẫn được triển khai khắp khu vực tự trị Crimea. Chính quyền Mỹ tin rằng, Nga hiện giờ đã nắm quyền kiểm soát hoàn toàn bán đảo Crimea. Mỹ đang theo dõi các cuộc xung đột về dân tộc ở các khu vực khác ở phía đông Ukraine mặc dù không có thông tin nào cho thấy quân lính Nga kéo vào những nơi đó.
Các nhà lãnh đạo Nga liên tục khẳng định, họ có quyền bảo vệ các lợi ích của mình cũng như bảo vệ cộng đồng người nói tiếng Nga ở Ukraine nếu bạo lực lan ra các khu vực phía đông Ukraine và Crimea – nơi Hạm đội Biển Đen của Nga đang đóng.
Trong cách thức xử lý vấn đề Ukraine, Nga tuyên bố, họ nhận được sự ủng hộ từ Trung Quốc. Cả Nga và Trung Quốc đều tin rằng, vụ lật đổ chính quyền của Tổng thống Yanukovych hồi tháng trước được dàn dựng bởi bàn tay của “những lực lượng bên ngoài”.
Tình hình Ukraine đã trở thành chủ đề thảo luận của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Cheng Guoping và người đồng cấp Nga Grigory Karasin trong một cuộc tham vấn diễn ra ngày hôm qua ở thủ đô Moscow.
“Phía Trung Quốc đã hiểu khi Nga phân tích những lý do đằng sau cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc ở Ukraine hiện nay và vai trò của thế lực bên ngoài trong việc ủng hộ phe thân phương Tây ở Ukraine”, Bộ Ngoại giao Nga phát biểu.
Moscow tin rằng Mỹ và Liên minh Châu Âu đã hậu thuẫn cho phong trào biểu tình chống chính phủ của Tổng thống Yanukovych kéo dài suốt nhiều tháng qua ở Ukraine. Một số nghị sĩ Nga còn khẳng định, các chính phủ phương Tây đã tài trợ và đào tạo cho lực lượng biểu tình.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, Trung Quốc đã đổ lỗi cho phe đối lập Ukraine về việc đã không tuân theo một thỏa thuận mà họ ký kết với Tổng thống Yanukovych hôm 21/2. Theo thỏa thuận này, ông Yanukovych sẽ tiến hành một cuộc bầu cử sớm vào cuối năm nay và thực hiện cải cách hiến pháp. Tuy nhiên, đúng một ngày sau khi vừa đặt bút ký, thay vì tuân theo thỏa thuận, phe đối lập đã chiếm Quốc hội và tiến tới chiếm quyền ở thủ đô Kiev.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc