“Mất” Ukraine, EU tức giận trả đũa Tổng thống Putin

15:23, 17/01/2014
|

(VnMedia) - Liên minh Châu Âu (EU) đã quyết định hủy bỏ một bữa tiệc tối truyền thống với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một hội nghị thượng đỉnh Nga-EU diễn ra vào cuối tháng này, để thể hiện cho Moscow thấy rằng mọi việc “không còn như bình thường” sau “cuộc chiến” tranh giành Ukraine giữa hai bên.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Bất chấp mối quan hệ đang căng thẳng giữa Nga và EU hiện nay, ông Putin sẽ đến Brussels vào ngày 28/1 tới để tham dự hội nghị thượng đỉnh với các quan chức hàng đầu của EU diễn ra 6 tháng một lần.
 
Hội nghị thượng đỉnh Nga-EU thường diễn ra trong hơn 2 ngày nhưng lần này nó chỉ diễn ra hơn một ngày và không có bữa tiệc tối như truyền thống vẫn diễn ra trước đây. Căng thẳng bắt đầu bùng lên hồi cuối năm ngoái sau khi EU cáo buộc Nga gây áp lực khiến Ukraine từ bỏ mối quan hệ thân thiết hơn với liên minh này và thay vào đó quay sang thắt chặt quan hệ với Moscow.
 
Kiev hồi tháng 11 đã khiến EU ngỡ ngàng và choáng váng khi đột ngột từ chối ký một thỏa thuận hợp tác thương mại trên diện rộng với EU vào những phút cuối cùng.
 
Theo thông báo của các nhà ngoại giao EU, hội nghị thượng đỉnh Nga-EU lần này sẽ bao gồm vài giờ hội đàm giữa Tổng thống Putin với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy và các cố vấn chính của EU. Sau cuộc hội đàm, các đại biểu sẽ tham dự một bữa ăn trưa làm việc.
 
Một nhà ngoại giao cho biết, EU đã đề xuất sự thay đổi về hình thức diễn ra hội nghị thượng đỉnh Nga-EU như “một cách để có thể trao đổi thẳng thắn hơn, có những cuộc thảo luận chiến lược hơn thay vì là một hội nghị thượng đỉnh màu mè như thường lệ”. Sự thay đổi đó cũng là một phần cho thấy “mọi việc không còn diễn ra như bình thường”, nhà ngoại giao trên cho biết.
 
Hồi cuối tháng 11, Ukraine đã khiến Châu Âu “chết sững” khi bất ngờ quyết định tạm ngừng hoạt động chuẩn bị cho lễ ký kết các thoả thuận chính trị, thương mại mang tính lịch sử với Liên minh Châu Âu (EU) chỉ vài ngày trước khi sự kiện này chính thức diễn ra để giành ưu tiên cho mối quan hệ với Nga.
 
Theo sắc lệnh được chính phủ Ukaine đưa ra, nước này đã hoãn tiến trình trên vì lợi ích “an ninh quốc gia”. Thay vào đó, Kiev chọn con đường thiết lập quan hệ gắn bó hơn với Moscow. Kiev sẽ “làm mới lại cuộc đối thoại tích cực” với Nga cũng như với các thành viên của Liên minh Thuế quan do Moscow dẫn đầu và nhóm các nước thuộc Cộng đồng Các Quốc gia Độc lập (CIS), sắc lệnh của chính phủ Ukraine cho biết.
 
Moscow và Brussels sau đó đã có cuộc khẩu chiến gay gắt về động thái trên của Kiev. Cả hai bên đều cáo buộc nhau can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine. EU và Moscow còn cáo buộc nhau sử dụng những chiến thuật nhằm có được mối quan hệ kinh tế với Kiev.
 
Việc Ukraine phũ phàng khước từ thoả thuận với EU đã gây ra một làn sóng biểu tình lớn nhất từ từ hồi Cách mạng Cam năm 2004 đến giờ và đẩy nước này rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng với hàng trăm nghìn người đòi giải tán chính phủ và tổ chức một cuộc bầu cử sớm.
 
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình trên đã nhanh chóng mất động lực và phe đối lập Ukraine mất phương hướng sau khi Nga đưa ra cho Ukraine những thỏa thuận béo bở. Cụ thể, Moscow đã đồng ý cắt giảm 1/3 giá khí đốt bán cho Kiev, từ mức hơn 400USD/1.000 mét khối xuống còn 268,5 USD, đồng thời mua khoản nợ bằng trái phiếu euro trị giá 15 tỉ USD của Ukraine.
 
Thoả thuận kinh tế mà Kiev ký với Moscow hôm 17/12 đã giúp Ukraine ngăn chặn được nguy cơ sụp đổ kinh tế và xã hội trước mắt. Đó là một “nhân tố ổn định cho chúng tôi”, Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov hôm 18/12 đã thừa nhận như vậy.
 
Trong khi giới chức EU liên tiếp công khai thể hiện sự không hài lòng với Nga về vụ việc liên quan đến Ukraine thì Châu Âu vẫn phải phụ thuộc mạnh mẽ vào nguồn năng lượng từ Nga. Thương mại hai chiều Nga-EU đạt 336 tỉ euro năm 2012. Điều này cho thấy, cả hai bên đều cần đến nhau dù quan hệ song phương không mấy êm đẹp.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc