Nghị sĩ Mỹ: “Không thể dung thứ cho Trung Quốc”

09:29, 17/01/2014
|

(VnMedia) - Trung Quốc đã trở thành mục tiêu bị chỉ trích tại một cuộc điều trần của Hạ viện Mỹ hồi đầu tuần vì xu hướng thích sử dụng sự dọa dẫm, cưỡng ép cùng những “chiến thuật lát cắt salami” để tranh giành lợi ích cũng như chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Steve Chabot đã miêu tả Trung Quốc là “hung hăng một cách nguy hiểm” đồng thời cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách chiếm những khu vực lãnh thổ tranh chấp bằng cách dùng vũ lực từ từ với “hy vọng sai lầm rằng Nhật Bản, các quốc gia Đông Nam Á và Mỹ sẽ miễn cưỡng chấp nhận điều đó”.

 

Trong khi đó, nghị sĩ Đảng Dân chủ Ami Bera kêu gọi Quốc hội Mỹ phát đi một thông điệp thống nhất và đầy mạnh mẽ, trong đó khẳng định “những động thái khiêu khích và mang tính đe dọa của Trung Quốc nhằm tranh giành chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải là điều không thể chấp nhận”.

 

Quyết liệt hơn, nghị sĩ Đảng Cộng hòa Randy Forbes nhấn mạnh, Mỹ “100% không thể dung thứ cho hành động tranh giành chủ quyền của Trung Quốc cũng như việc nước này tiếp tục theo đuổi biện pháp ép buộc về mặt quân sự nhằm thay đổi thế nguyên trạng trong khu vực”.

 

Các nghị sĩ Mỹ cũng “tấn công” gay gắt chiến lược lát cắt salami mà Trung Quốc đang áp dụng ở các khu vực hàng hải tranh chấp. Thông qua chiến lược này, Trung Quốc đang thực hiện từng bước nhỏ để tiến dần tới việc chiếm các vùng tranh chấp mà không gây ra một cuộc chiến tranh. Trung Quốc đang nhích từng bước dần dần để thay đổi thế nguyên trạng theo hướng có lợi cho họ, ông Bonnie Glaser – một cố vấn cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) cho biết.

 

Thỉnh thoảng, những hành động của Trung Quốc mang tính đơn phương và không gây khiêu khích nhiều như lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm hay việc nước này xác định quyền đánh bắt cá mở rộng cho họ ở Biển Đông. Lúc khác, động thái của Trung Quốc là phản ứng thái quá lại các bước đi được cho là khiêu khích của nước khác. Cụ thể, Bắc Kinh sẽ cố tính làm leo thang mọi việc trong một nỗ lực nhằm tạo thế nguyên trạng mới có lợi trong họ.

 

Ví dụ rõ ràng nhất về việc Trung Quốc áp dụng “phản ứng thái quá” để tranh giành khu vực tranh chấp là trong cuộc đối đầu giữa tàu Trung Quốc và tàu chiến Philippines hồi tháng 4 năm 2012 ở bãi cạn Scarborough thuộc Biển Đông. Cuộc đối đầu này kết thúc bằng việc Trung Quốc đưa tàu thuyền đến chiếm đóng bãi cạn Scarborough bất chấp việc nước này đã có thỏa thuận miệng với Manila về việc rút toàn bộ tàu thuyền ra khỏi khu vực này để tháo ngòi căng thẳng trong quan hệ song phương, ông Glaser cho biết.

 

Vụ đối đầu trên được châm ngòi từ sự kiện các tàu hải giám Trung Quốc chặn không cho tàu Hải quân Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc đánh bắt bất hợp pháp ở khu vực bãi cạn Scarborough .

 

Vụ việc trên đánh dấu sự kiện lần đầu tiên có sự thay đổi thế nguyên trạng ở khu vực Biển Đông kể từ năm 1995 khi Trung Quốc giành quyền kiểm soát khu vực Đá Vành Khăn.

 

Tranh chấp chủ quyền là nguồn cơn chính gây ra tình trạng bất ổn và căng thẳng leo thang trong khu vực bởi các nước có tranh chấp “tung” ra những biện pháp ăn miếng trả miếng nhau, làm gia tăng nguy cơ xung đột vũ trang, ông Glaser đã nhận định như vậy.

 

Ông Glaser là một trong 3 chuyên gia tham gia vào phiên điều trần của Quốc hội Mỹ hồi đầu tuần về các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

 

Những bước đi đầy toan tính

 

Theo nhận định của ông Peter Dutton – một giáo sư và cũng là Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc tại trường Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, những hành động của Trung Quốc đã được tính toán kỹ lưỡng nhằm đạt được mục đích của họ mà không gây ra xung đột trực tiếp với Mỹ. Chiến lược của Trung Quốc có thể được miêu tả tốt nhất trong cụm từ “ép buộc phi quân sự”.

 

Hành đông cưỡng ép phi quân sự liên quan đến việc áp dụng trực tiếp và gián tiếp một loạt năng lực của Trung Quốc nhằm thay đổi tình hình ở biển theo hướng có lợi cho họ.

 

Chiến lược trên bao gồm việc đẩy mạnh các chiến dịch của lực lượng tàu thuyền thực thi luật hàng hải ở khu vực tranh chấp, phối hợp với tàu thuyền đánh bắt cá trong “cái có thể gọi là chiến tranh nhân dân kiểu hàng hải”.

 

Tuy nhiên, trong chiến lược này có sự đóng góp vai trò một cách gián tiếp của quân đội Trung Quốc. Lực lượng này luôn chờ trực sẵn sàng để ra tay nhằm ngăn chặn các đối thủ khỏi việc làm leo thang tình hình.

 

Trong khi Mỹ và Trung Quốc có rất nhiều bất đồng về tất cả mọi vấn đề từ an ninh mạng đến sở hữu trí tuệ, nhân quyền và các hoạt động thương mại thì “sự bất đồng của hai nước trong lĩnh vực an ninh hàng hải được cho là đang đối diện với nguy cơ lớn nhất về những tính toán sai lầm, sự leo thang và xung đột”, ông Jeff Smith – Giám đốc Chương trình Nam Á thuộc Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ, đã phát biểu như vậy.

 

Tung ra những thành động thử thách, thăm dò ở các đường biên giới biển cùng với việc thiết lập thế nguyên trạng mới có lợi cho Trung Quốc được xem là đặc điểm chính trong chính sách đối ngoại của nước này với khu vực trong những năm gần đây. Trong khi Mỹ và các nước khác còn đang chần chừ trong việc đối diện với chính sách trên của Trung Quốc như trường hợp ở bãi cạn Scarborough thì Trung Quốc đã đạt được mục đích của họ và đã thiết lập nên được một thế nguyên trạng mới, ông Smith nhận định.

 

Tuy nhiên, theo ông Smith, nơi nào Mỹ giữ một lập trường kiên quyết và cứng rắn thì nơi đó Bắc Kinh sẽ rút lui.

 

Ông Smith cho rằng, Washington cần phải làm tốt hơn trong việc vạch rõ đâu là giới hạn của việc đâu là hành vi có thể chấp nhận được và đâu là hành vi không thể chấp nhận được trong lĩnh vực hàng hải đồng thời phải có những bước đi cương quyết khi những “lằn ranh đỏ” đó bị xâm phạm.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc