Bị B-52 của Mỹ trêu ngươi, Trung Quốc nói gì?

07:44, 28/11/2013
|

(VnMedia) - Trung Quốc hôm qua (27/11) thừa nhận đã để cho hai chiếc máy bay ném bom B-52 của Mỹ nghễn nghện bay qua khu vực phòng không mà họ vừa thiết lập ở biển Hoa Đông mà không gặp bất kỳ cản trở nào dù trước đó Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng áp dụng các biện pháp an ninh khẩn cấp đối với những chiếc máy bay nước ngoài không xác định danh tính.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Trước đó, hôm 26/11, Mỹ đã cho hai chiếc máy bay ném bom B-52 của nước này bay vào vùng phòng không ở biển Hoa Đông mà Bắc Kinh vừa tuyên bố thành lập hồi cuối tuần. Hai chiếc máy bay của Mỹ cất cánh từ căn cứ ở Guam đến lượn lờ ở vùng phòng không của Trung Quốc trong suốt gần nửa giờ đồng hồ mà không gặp bất kỳ vấn đề gì. Mỹ tuyên bố, chuyến bay của máy bay B-52 của họ chỉ là một hoạt động huấn luyện định kỳ và không liên quan gì đến việc Trung Quốc thông báo lập vùng phòng không. Tuy nhiên, dù giới chức Mỹ nói thế nào thì người ta cũng tin rằng, đây là hành động thách thức và có ý thăm dò phản  ứng của Trung Quốc ở vùng phòng không.
 
Một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc sau đó cho hay, hai chiếc máy bay của Mỹ đã bị họ theo dõi, giám sát khi bay qua khu vực suốt gần 2,5 giờ đồng hồ. Trung Quốc tuyên bố, tất cả các máy bay bay qua khu vực phòng không của họ sẽ bị giám sát và rằng “Trung Quốc có khả năng thực hiện quyền kiếm soát trên thực tế đối với vùng không phận liên quan”.
 
Khi được đề nghị bình luận về sự việc máy bay ném bom Mỹ bay nghễn nghện qua vùng phòng không của Trung Quốc mà không vấp phải cản trở gì, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Qin Gang cho biết, nước ông đã xử lý vụ việc theo đúng những quy định và thủ tục được đặt ra trong thông báo ngày 23/11. Tuy nhiên, ông Qin không nói cụ thể Trung Quốc đã áp dụng biện pháp hay thủ tục gì với phía Mỹ.
 
"Những tình huống khác nhau sẽ được giải quyết đúng theo tuyên bố”, phát ngôn viên Qin nói thêm.
 
Chuyến bay của máy bay ném bom Mỹ được cho là hành động vừa trêu ngươi vừa thử thách xem phản ứng của Trung Quốc thế nào. Tuy nhiên, với việc Bắc Kinh chẳng có bất kỳ động tĩnh gì trước hành động của máy bay ném bom B-52 của Mỹ, người ta đang hoài nghi về quyết tâm của cường quốc Châu Á trong việc thực thi quy định yêu cầu các máy bay nước ngoài nhận dạng và tuân thủ các chỉ dẫn của phía Trung Quốc trong Vùng Nhận dạng Phòng không biển Hoa Đông của nước này.

Phản ứng của Trung Quốc trước động thái thử thách của Mỹ cũng cho thấy, cường quốc Châu Á dường như chỉ đang chơi một trò chơi ngoại giao nhằm tìm cách xác lập chủ quyền trên quần đảo tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông chứ không phải là để gây ra một sự việc mang tầm quốc tế.

Chuyến bay của máy bay ném bom Mỹ diễn ra sau những ngày diễn ra những cuộc khẩu chiến, gay gắt dữ dội giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Mỹ về việc Bắc Kinh lập vùng phòng không. Các nước này tin rằng, hành động của Trung Quốc thực chất chỉ là nhằm để phá vỡ thế nguyên trạng ở biển Hoa Đông, xác lập chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà nước này đang tranh giành quyết liệt với Nhật Bản.
 
Mỹ và Nhật Bản tuyên bố không thừa nhận vùng phòng không của Trung Quốc. Cùng với đó, Hàn Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan cũng phản đối bước đi của Trung Quốc.
 
Ngoài ra, Australia mới đây cũng cho biết, họ đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc đến để bày tỏ sự quan ngại về việc nước này đột ngột tuyên bố lập vùng phòng không ở biển Hoa Đông. "Thời điểm và cách thức Trung Quốc thông báo lập vùng phòng không vào lúc này là không giúp ích gì được cho những căng thẳng đang sôi sục trong khu vực và hành động đó cũng không đóng góp cho sự ổn định của khu vực”, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho biết trong một tuyên bố.
 
Mỹ tiếp tục ép Trung Quốc trong vấn đề vùng phòng không
 
Mỹ được cho là sẽ phản đối vùng phòng không của Trung Quốc ở biển Hoa Đông đến cùng bởi nước này sẽ tiếp tục gây sức ép với Bắc Kinh trong vấn đề này.
 
Theo giới chức cấp cao Mỹ tiết lộ, Phó Tổng thống Joe Biden sẽ trực tiếp đối diện với giới lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề vùng phòng không trong chuyến thăm dự kiến của ông này đến thủ đô Bắc Kinh vào tuần tới.
 
"Rõ ràng, chuyến thăm đến Trung Quốc đã tạo ra một cơ hội cho Phó Tổng thống để ông có thể trao đổi thẳng thắn với các nhà lập chính sách ở thủ đô Bắc Kinh về vấn đề phòng không, để trực tiếp bày tỏ sự quan ngại với họ và tìm kiếm một lời giải thích rõ ràng hơn từ giới chức Trung Quốc về ý định của họ khi đưa ra động thái đó vào đúng thời điểm này”, một quan chức Mỹ cho các phóng viên biết.
 
"Chuyến thăm cũng cho phép Phó Tổng thống nói rõ hơn về thực trạng nổi lên một kiểu hành vi xử sự của Trung Quốc khiến các nước láng giềng của họ lo ngại và đặt ra những câu hỏi về việc Trung Quốc sẽ hoạt động thế nào trong không phận quốc tế và Trung Quốc sẽ xử lý thế nào với những vấn đề, lĩnh vực mà họ có bất đồng với các nước láng giềng”, vị quan chức giấu tên trên nói thêm.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc