Mỹ- Hàn Quốc định tấn công phủ đầu Triều Tiên?

06:40, 03/10/2013
|

(VnMedia) - Mỹ và Hàn Quốc hôm qua đã nhất trí về các biện pháp quân sự có thể, trong đó có đòn tấn công phủ đầu, nếu hai nước này phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào về một cuộc tấn công hạt nhân từ Triều Tiên, hãng tin Yonhap đưa tin.
 

Ảnh minh họa

 Mỹ đang triển khai hàng chục nghìn binh lính trên lãnh thổ Hàn Quốc, áp sát Triều Tiên


Tại một cuộc họp an ninh song phương, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin và người đồng cấp Mỹ Chuck Hagel đã ký cái gọi là “Chiến lược Răn đe Chi tiết” nhằm chống lại mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân cũng như các loại vũ khí hủy diệt khác của CHDCND Triều Tiên. Chiến lược này đã vạch ra các biện pháp răn đe chi tiết nhằm đối phó với 3 kịch bản liên quan đế mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, trong đó có việc đe dọa, sắp sử dụng và sử dụng vũ khí hạt nhân. Những biện pháp đó bao gồm cả ngoại giao và quân sự.
 
Ở giai đoạn hai của kịch bản Triều Tiên sắp dùng vũ khí hạt nhân, Seoul và Washington có thể tấn công phủ đầu Triều Tiên bằng vũ khí thông thường, tên lửa hoặc có thể là cả vũ khí hạt nhân.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Hagel cho biết, thỏa thuận mà nước này vừa ký kết với Hàn Quốc đã tạo ra một “bộ khung chiến lược” cho việc đối phó với “những kịch bản về mối đe dọa hạt nhân chính của Triều Tiên” sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba hồi tháng 2 đầu năm nay.
 
Mặc dù không bên nào cho biết thông tin chi tiết hơn về thỏa thuận mà hai nước Mỹ, Hàn vừa đạt được nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim khẳng định, thỏa thuận này sẽ “củng cố rất nhiều” cho năng lực răn đe của liên minh. Giới quan sát cho rằng, đó là một biện pháp xây dựng lòng tin nhằm nhấn mạnh sự ủng hộ của Washington cho Seoul trong việc chống lại bất kỳ hành động khiêu khích nào từ phía Bình Nhưỡng.
 
Hàn Quốc đang được bảo vệ dưới cái ô hạt nhân của Mỹ và hiện đang có gần 30.000 quân Mỹ đóng trên lãnh thổ quốc gia Châu Á. Tuy nhiên, Seoul nhấn mạnh, liên minh quân sự giữa họ với Washington phải đáp ứng được cái mà Bộ trưởng Kim miêu tả là môi trường an ninh “khác biệt rất lớn” trên bán đảo Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng.
 
Để đạt được mục đích trên, Seoul đã yêu cầu Mỹ kéo dài thời gian nắm quyền kiểm soát quân đội Hàn Quốc thay vì chấm dứt đúng hạn định dự kiến là vào năm 2015. Cụ thể, trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Triều Tiên, liên minh quân sự Mỹ-Hàn sẽ được chỉ huy bởi một vị tướng Mỹ. Vị tướng này sẽ dẫn dắt lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc cùng với 640.000 binh lính trong quân đội Hàn Quốc.
 
Seoul cho biết, quá trình chuyển giao quyền chỉ huy cho phía Hàn Quốc nên được trì hoãn cho đến khi mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng được vô hiệu hóa. Washington ám chỉ muốn giữ nguyên hạn định ban đầu là vào năm 2015 nhưng Bộ trưởng Hagel cho biết, ông lắng nghe “một cách nghiêm túc” mối quan ngại của Seoul và cam kết sẽ bàn thảo thêm nữa về vấn đề này.
 
Vụ thử hạt nhân hồi đầu năm của Triều Tiên đã gây ra một cuộc khủng hoảng kéo dài 2 tháng trên bán đảo Triều Tiên, đẩy khu vực đến sát miệng hố chiến tranh. Bình Nhưỡng thậm chí còn đe doạ sẽ tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân vào Mỹ và Hàn Quốc. Căng thẳng trên đã dịu đi nhưng những lo ngại xung quanh chương trình hạt nhân của Triều Tiên vẫn còn đó, đặc biệt khi mà Triều Tiên được cho là có dấu hiệu đang mở rộng việc sản xuất nguyên liệu cho vũ khí hạt nhân. Đây không chỉ là lý do khiến Hàn Quốc và Mỹ đưa ra kế hoạch đối phó chi tiết với mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên mà còn là nguyên nhân thúc đẩy Seoul kêu gọi quân Mỹ tiếp tục ở lại nước này.
 
Ngoài ra, trước mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên ngày một tăng lên, Hàn Quốc cũng nỗ lực củng cố sức mạnh quân sự của nước này. Quân đội Hàn Quốc hiện giờ được đánh giá là đang ngày càng trở nên “mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn và có nhiều khả năng hơn” so với một thập kỷ qua.
 
Ngày hôm qua (1/10), Bộ trưởng Quốc phòng Hagel đã được mời giám sát cuộc diễu binh quân sự lớn nhất của Hàn Quốc trong 10 năm trở lại đây, trong đó quốc gia Châu Á đã “khoe” một loại tên lửa hành trình có khả năng tất công chính xác bất kỳ nơi đâu trên lãnh thổ Triều Tiên, bao gồm cả cửa sổ văn phòng đầu não của chính quyền ông Kim Jong Un.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc