(VnMedia) - Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) đang cấp tập thành lập một lực lượng thủy quân lục chiến đồng thời thiết lập một căn cứ hải quân mới ở Biển Đông, gần khu vực lãnh hải tranh chấp với Trung Quốc, tạp chí IHS Jane’s tuần này dẫn lời bản thông cáo báo chí được phát đi từ Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Tun Hussein cho biết.
![]() |
Những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trong suốt nhiều tháng qua đang gây lo ngại cho các nước láng giềng xung quanh. |
Theo tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hussein, căn cứ hải quân mới của nước này sẽ được dựng lên ở Bintulu trên Biển Đông với mục đích công khai là để bảo vệ những vùng lãnh hải xung quanh và trữ lượng dầu mỏ trong khu vực. Tuy nhiên, như tạp chí HIS Jane’s chỉ ra, căn cứ hải quân mới của Malaysia sẽ được đặt ở khu vực cách bãi cạn James chỉ khoảng chưa đầy 100km. Bãi cạn James là khu vực đang nằm trong tranh chấp giữa Malaysia và Trung Quốc ở Biển Đông.
Trở lại hồi tháng 3, Lực lượng Hải quân Trung Quốc đã lần đầu tiên thực hiện một cuộc tập trận đổ bộ táo tợn ở bãi cạn James – nơi nước này tuyên bố là “cực Nam” của mình. Đội tàu chiến tham gia cuộc tập trận khi đó bao gồm tàu khu trục lớn Lanzhou, hai tàu khu trục nhỏ Yulin và Hengshui cùng với tàu đổ bộ Jinggangshan. Đây là những tàu thuộc dạng hiện đại nhất và có khả năng nhất của Hải quân Trung Quốc. Ngoài các tàu chiến còn có tàu thủy đệm khí, trực thăng, chiến đấu cơ và cả máy bay ném bom tham gia vào cuộc tập trận đổ bộ diễn ra hôm 26/3 ở bãi cạn James.
Việc Trung Quốc đưa một loạt tàu chiến đến tập trận đổ bộ ở khu vực bãi cạn cách bờ biển Malaysia chỉ khoảng 80km trong khi cách Trung Quốc tới 1.800km được các nhà phân tích nhận định là hành động phơi bày rõ tham vọng và quyết tâm độc chiếm Biển Đông của nước này. Bắc Kinh rõ ràng đang đẩy mạnh việc xác lập “chủ quyền” theo đường lưỡi bò hay còn gọi là đường 9 đoạn hết sức phi lý của họ.
Ông Gary Li - một nhà phân tích cấp cao thuộc IHS Fairplay, London, cho rằng, cuộc tập trận rầm rộ với những tàu chiến hàng đầu của Trung Quốc ở bãi cạn James mang theo “một thông điệp mạnh mẽ đến bất ngờ” từ giới lãnh đạo cường quốc Châu Á này. "Đó không phải chỉ là mấy cái tàu được triển khai ở đây hoặc kia mà là một con tàu đổ bộ hiện đại mang theo lính thủy đánh bộ và tàu thủy đệm khí cùng sự hậu thuẫn của một số những tàu hộ tống tốt nhất trong hạm đội. Chúng ta chưa từng chứng kiến bất kỳ diễn biến nào như thế này ở khu vực cực nam, cả về chất lượng và số lượng ", ông Li đã nói như vậy vào thời điểm đó.
Theo tạp chí IHS Jane’s, việc thiết lập lực lượng thủy quân lục chiến của Malaysia một phần có mục đích là để đối phó với các chiến binh Sulu – lực lượng đang gây ra những bất ổn ở khu vực Sabah, phía đông Malaysia. Nhân sự trong Lực lượng Thủy quân Lục chiến Malaysia sẽ được lựa chọn từ các đơn vị quân đội hiện hành bởi tổng số lượng binh lính trong Lực lượng Vũ trang nước này bị hạn chế. Hiện tại, Malaysia chưa quyết định xem liệu Lực lượng Thủy quân Lục chiến của họ sẽ nằm dưới sự quản lý của đơn vị nào.
Tạp chí IHS Jane’s tiết lộ, Malaysia sẽ học hỏi kinh nghiệm từ Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ để phát triển lực lượng mới của họ.
“Malaysia rất mong tiếp nhận được kinh nghiệm từ Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ và đang trong quá trình thảo luận với Mỹ để đề nghị nước này cung cấp sự giúp đỡ, đào tạo cũng như trao đổi kinh nghiệm”, nguồn tin từ HIS Jane’s cho biết.
Quyết định thành lập một căn cứ hải quân ở Biển Đông của Malaysia phù hợp với mục tiêu của các quốc gia Đông Nam Á khác đang có những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải tương tự với Trung Quốc. Như tin từ tờ The Diplomat cung cấp hồi tuần trước, Philippines cũng đang lên kế hoạch thiết lập một căn cứ hải quân ở Vịnh Oyster, đảo Palawan. Vịnh Oyster cách thủ đô Manila của Philippines về phía tây nam khoảng 550km và chỉ cách quần đảo Trường Sa của Việt Nam có 160km.
Thiếu tướng Joseph Rostum O. Peña – Chỉ huy Lực lượng Hải quân phía Tây của Philippines trong lần đầu tiết lộ về kế hoạch xây dựng căn cứ ở Vịnh Oyster đã cho biết, “căn cứ mới sẽ là một căn cứ Subic mini”. Như vậy, căn cứ ở Vịnh Oyster sẽ gần giống với căn cứ hải quân và không quân rộng lớn mà Mỹ từng sử dụng ở Vịnh Subic của Philippines trước đây nhưng quy mô nhỏ hơn. Căn cứ Subic từng là cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á.
Tất cả những động thái trên của các nước Đông Nam Á như Philippines và Malaysia đều được cho là nhằm để đối phó với Trung Quốc trong bối cảnh quốc gia lớn nhất Châu Á này đang tìm cách tranh giành chủ quyền với họ ở nhiều khu vực trên Biển Đông, tiến dần tới việc độc chiếm vùng biển chiến lược và giàu tài nguyên này.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước Đông Nam Á gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Các nước và vùng lãnh thổ đều hết sức bất bình trước tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc thông qua yêu sách đường 9 đoạn.
Ý kiến bạn đọc