Ả-rập Xê-út từ chối ghế Hội đồng bảo an: Lần đầu tiên Liên Hợp Quốc bị "bẽ mặt"

10:26, 19/10/2013
|

(VnMedia) - Nga hôm qua (18/10) đã lên tiếng chỉ trích gay gắt việc Ả-rập Xê-út làm Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bẽ mặt khi thẳng thừng từ chối chiếc ghế thành viên không thường trực của hội đồng này với lý do tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới bất lực trong việc xử lý cuộc khủng hoảng Syria cũng như các cuộc xung đột toàn cầu khác.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.


Hôm 17/10, Ả-rập Xê-út đã được bầu vào Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên cùng với các nước như Chad, Chilê, Lithuania, Nigeria với nhiệm kỳ hai năm. Đây là lần đầu tiên quốc gia giàu dầu mỏ được trao một ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc – cơ quan có vai trò then chốt trong việc giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới. Tuy nhiên, nước này đã không ngại ngần từ chối vị trí đó.
 
Trong một tuyên bố được phát đi ngày hôm qua (18/10), Bộ Ngoại giao Ả-rập Xê-út cáo buộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bất lực trong việc giải quyết các cuộc xung đột lâu dài ở Trung Đông và cũng không giúp được khu vực này thoát khỏi nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Dẫn chứng mà Ả-rập Xê-út đưa ra là cuộc nội chiến kéo dài gần 3 năm ở đất nước Syria, cuộc xung đột kéo dài dai dẳng không có hồi kết giữa Israel với Palestine và cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran.
 
Với những lý do trên, Ả-rập Xê-út tuyên bố, họ “không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc từ chối chiếc ghế thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho đến khi cơ quan này được cải cách và được trao những phương tiện để có thể hoàn thành các nhiệm vụ cũng như đảm nhiệm được trách nhiệm bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới”.
 
Việc Riyadh thẳng thừng từ chối chiếc ghế thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an ngay sau khi vừa được bầu đã khiến Liên Hợp Quốc sốc và choáng váng bởi chưa từng có nước nào từ chối vị trí trong cơ quan đầy ảnh hưởng như vậy. Rõ ràng, Ả-rập Xê-út đã khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bị bẽ mặt.
 
Phản ứng trước diễn biến trên, Bộ Ngoại giao Nga hôm qua đã nói trong một tuyên bố được đăng tải trên website của cơ quan này rằng: “Chúng tôi bất ngờ trước quyết định chưa từng có của Ả-rập Xê-út sau khi nước này được đa số các thành viên của Liên Hợp Quốc bỏ phiếu ủng hộ tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Với quyết định đó, Ả-rập Xê-út đã tự loại mình ra khỏi nỗ lực của tập thể trong khuôn khổ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm ủng hộ cho hòa bình và an ninh quốc tế”.
 
Moscow bày tỏ sự hoài nghi về cái mà nước này gọi là lý do “kỳ lạ” của Riyadh trong việc chỉ trích sự thiếu hiệu quả của các cơ chế trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. "Lời chỉ trích của Ả-rập Xê-út đối với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong bối cảnh cụ thể là cuộc xung đột ở Syria hết sức kỳ lạ, đặc biệt là sau khi Hội đồng Bảo an vừa đồng thuận thông qua Nghị quyết 2118 trong đó lập ra một khung pháp lý để giải quyết toàn diện cuộc xung đột ở đất nước Syria”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
 
Nga và Ả-rập Xê-út đã ở thế đối đầu nhau về quan điểm trong cách xử lý cuộc khủng hoảng ở đất nước Trung Đông ngay từ khi cuộc nổi dậy chống chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad nổ ra hồi đầu năm 2011. Trong khi Moscow ủng hộ cho chính quyền của ông Assad thì Riyadh là một trong những nước hậu thuẫn chính cho phe nổi dậy Syria.
 
Liên Hợp Quốc chưa được chính thức thông báo về quyết định của Ả-rập Xê-út
 
Trong một diễn biến khác có liên quan, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki- moon hôm qua cho biết, ông này đã nghe tin về quyết định của Ả-rập Xê-út trong việc từ chối chiếc ghế thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào năm sau nhưng “tôi chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào về việc này”.
 
"Tôi biết được thông tin về quyết định của Ả-rập Xê-út thông qua báo chí. Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng, tôi chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào về quyết định đó. Tôi khuyến khích tất cả các quốc gia thành viên kết nối đầy đủ với các cơ quan chính trong Liên Hợp Quốc trong khi tăng cường các nỗ lực để cải thiện phương pháp và cách thức làm việc của tổ chức này”, ông Ban Ki-moon đã phát biểu như vậy.
 
"Chúng tôi cũng mong hợp tác chặt chẽ với Ả-rập Xê-út trong việc giải quyết nhiều thách thức quan trọng, đặc biệt là trong việc tìm kiếm một giải pháp nhằm chấm dứt chiến tranh ở Syria, giúp người dân Palestine đạt được quy chế quốc gia đầy đủ, giúp quá trình chuyển tiếp ở Yemen diễn ra suôn sẻ đồng thời tăng cường trợ giúp nhân đạo cho tất cả những người dân đang gặp khó khăn và chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố cũng như tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết thêm.
 
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên trong đó có 5 thành viên thường trực không thay đổi là các cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp; và 10 thành viên không thường trực được bỏ phiếu lựa chọn trong nhiệm kỳ 2 năm một lần. Vị trí thành viên của Hội đồng Bảo an vốn được nhiều nước thèm muốn bởi nó cho phép các nước có tiếng nói mạnh mẽ trong các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế. Hành động từ chối của Ả-rập Xê-út làm một cú giáng mạnh vào uy tín của Hội đồng Bảo an. Uy tín của tổ chức này gần đây đã sụt giảm đi ít nhiều sau khi cơ quan này liên tục phải đối mặt với tình trạng mâu thuẫn, chia rẽ trong cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria, khiến tình hình ở đây bế tắc suốt gần 3 năm qua.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc