(VnMedia) - Sự kiện Ấn Độ trình làng chiếc tàu sân bay uy lực tự chế đầu tiên - INS Vikrant và sau đó là vụ tai nạn thảm khốc trên tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Ấn Độ khiến 18 thủy thủ thiệt mạng đã tạo ra cái “cớ” để báo chí Trung Quốc chế giễu nước láng giềng.
Tàu sân bay INS Vikrant - niềm tự hào của Hải quân Ấn Độ. |
“Con hổ giấy” là cụm từ mà tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã dùng để miêu tả về Hải quân Ấn Độ - lực lượng đang có cuộc đua vũ trang nóng bỏng và quyết liệt với Hải quân Trung Quốc.
Tờ Thời báo Hoàn cầu đã bác bỏ tuyên bố của phía New Delhi về việc tàu sân bay INS Vikrant hoàn toàn là vũ khí “bản xứ”. Không những thế, tờ báo này còn cho rằng, tàu sân bay tự chế đầu tiên của Ấn Độ là “thương hiệu của 10.000 quốc gia” bởi con tàu được cho là sử dụng thiết kế của Pháp, máy bay của Nga và động cơ của Mỹ.
“Vụ nổ tàu ngầm dường như đã cung cấp một chú giải cho sức mạnh hải quân thực sự của Ấn Độ”, tờ Thời báo Hoàn cầu đã nói như vậy trong bài báo được đăng tải hôm thứ Hai đầu tuần (19/8). Những từ ngữ mà tờ Thời báo Hoàn cầu dùng trong bài viết cho thấy, họ có vẻ hả hê trước tai nạn không may trong Lực lượng Hải quân Ấn Độ.
Tờ Thời báo Hoàn cầu vốn nổi tiếng với những bài viết có quan điểm hiếu chiến, diều hâu trong các cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.
Ấn Độ đã bắt đầu vận hành tàu sân bay từ những năm 1950 với kinh nghiệm lâu năm trong việc sử dụng và quản lý những con tàu khổng lồ. Ấn Độ cũng sở hữu một đội bay lão luyện dành riêng cho tàu sân bay. Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả những tàu sân bay mà Ấn Độ có được đều là của nước ngoài, là những con tàu được nâng cấp lại của Hải quân Nga hoặc phương Tây. Hiện tại, Nga vẫn đang nâng cấp một chiếc tàu sân bay thời Liên Xô cho Ấn Độ và dự kiến thời gian chuyển giao là vào năm sau.
Trong khi đó, so sánh với Ấn Độ, Trung Quốc không hề có bất kỳ kinh nghiệm vận hành, sử dụng tàu sân bay nào. Hải quân nước này còn thiếu cả kiến thức và kinh nghiệm cần có trong hoạt động triển khai các chiến dịch của máy bay từ tàu sân bay. Hồi tháng 9 năm ngoái, trong một động thái thể hiện sự vội vàng, hấp tấp quá mức, Trung Quốc đã đưa vào biên chế của Hải quân chiếc tàu sân bay đầu tiên của nước này mang tên tàu Liêu Ninh. Đây từng là một con tàu cũ có trọng tải 60.000 tấn thời Liên Xô có tên gọi Varyag. Trung Quốc đã mua Varyag với giá 20 triệu USD từ Ukraine về để nâng cấp, sửa sang lại thành con tàu của mình và lấy làm tự hào về điều đó.
Tuy nhiên, vào thời điểm tàu Liêu Ninh gia nhập vào Lực lượng Hải quân Trung Quốc, con tàu mang niềm tự hào của Trung Quốc này thực sự không phải là một tàu sân bay đúng nghĩa. Nó cần phải được cải tổ, nâng cấp hơn nữa và cần phải trải qua thêm nhiều cuộc thử nghiệm. Gần một năm sau, Liêu Ninh vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm tích cực và chưa hề có được một đội bay có khả năng hoạt động thực thụ.
“Tàu sân bay Ấn Độ - mối đe dọa đối với Trung Quốc”
Bài viết với giọng điệu đầy chế giễu của tờ Thời báo Hoàn cầu về tàu sân bay đầu tiên của Ấn Độ phải chăng thể hiện sự coi thường của Trung Quốc đối với năng lực hải quân của Ấn Độ? Trên thực tế, bài báo này chỉ là để che giấu nỗi quan ngại về sức mạnh ngày càng tăng của Hải quân Ấn Độ. Bên cạnh bài viết chế giễu Hải quân Ấn Độ là “con hổ giấy”, chính tờ Thời báo Hoàn cầu cũng đăng tải một bài viết ca ngợi bước tiến mạnh mẽ của nước láng giềng về sức mạnh hải quân cũng như khả năng chế tạo vũ khí. Tờ báo này còn coi tàu sân bay của Ấn Độ thực sự là mối đe dọa đối với họ.
Miêu tả việc Ấn Độ trình làng chiếc tàu sân bay tự chế đầu tiên và Nhật Bản tung chiếc tàu chiến lớn nhất kể từ thời Thế chiến II là mối đe dọa đối với Trung Quốc, tờ Thời báo Hoàn cầu cáo buộc một số nước đã ủng hộ New Delhi trong nỗ lực cân bằng sức mạnh với Bắc Kinh.
Sự kiện Ấn Độ trình làng tàu sân bay đầu tiên và Nhật khoe tàu sân bay trực thăng khổng lồ là một lời cảnh báo dành cho Trung Quốc, một bài báo trên tờ Thời báo Hoàn cầu đã viết như vậy.
Tờ báo của Trung Quốc còn nói rằng, việc Ấn Độ có thể chế tạo thành công một chiếc tàu sân bay thực sự rất đáng khen ngợi bởi nó đánh dấu một bước tiến dài và chắc chắn đối với khả năng tự chế vũ khí của nước này. Sự kiện đó cũng đã cho thấy tiến bộ vượt bậc của Ấn Độ trong việc chế tạo những con tàu sân bay nổi khổng lồ, ông Liu Zongyi – một nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho biết trên tờ Thời báo Hoàn cầu số ra hồi giữa tuần.
Sau những lời ca ngợi và bày tỏ sự lo ngại, tờ Thời báo Hoàn cầu cũng không quên chỉ trích Ấn Độ về việc biết rõ ý đồ của phương Tây trong việc giúp đỡ nước này tăng cường sức mạnh quân sự để làm đối trọng với Trung Quốc mà vẫn thực hiện chỉ để “làm hài lòng một số cường quốc đồng minh truyền thống”.
Tờ báo của Trung Quốc cũng cho rằng, tàu INS Vikrant chưa gây ra được những sự thay đổi lớn trong kịch bản chiến lược ở Châu Á-Thái Bình Dương nhưng nó vẫn gây hoài nghi.
“Cựu Lãnh đạo Đặng Tiểu Bình từng chỉ ra rằng, sẽ không có thế kỷ Châu Á-Thái Bình Dương hay thế kỷ Châu Á thực sự nếu Trung Quốc, Ấn Độ và các nước láng giềng không phát triển. Theo ông Đặng Tiểu Bình, sự phát triển đó liên quan đến tăng trưởng và hợp tác kinh tế. Đua vũ trang và gây căng thẳng trong khu vực sẽ phá hủy viễn cảnh tươi sáng đó”, ông Liu cho hay.
Cũng theo bài báo trên Thời báo Hoàn cầu, sự nổi lên của Trung Quốc là về kinh tế trong khi sự nổi lên của Ấn Độ “theo chiều hướng quân sự nhiều hơn”.
“Trung Quốc không có ý định châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang. Nhưng các lợi ích quốc gia và bên ngoài của Trung Quốc bị phá hoại suốt thời gian này đến thời gian kia vì sự thay đổi của môi trường xung quanh. Và có những lời kêu gọi chặn các tuyến đường giao dịch thương mại và năng lượng của Trung Quốc nhằm kiềm chế cường quốc Châu Á”, tờ Thời báo Hoàn cầu đã cáo buộc như vậy. Tờ báo này sau đó kết luận, hòa bình ở Châu Á chỉ được đảm bảo bởi sự cân bằng về mặt quân sự. Xem ra, Trung Quốc không hài lòng với sự phát triển mạnh mẽ về quân sự của Ấn Độ dù nước này cũng đang nỗ lực nhiều thập kỷ qua để xây dựng một quân đội hùng mạnh.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc