Mỹ sắp tấn công Syria?

07:09, 24/08/2013
|

(VnMedia) - Theo một số nguồn tin, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad mới đây đã giết hại 1.300 người trong một cuộc tấn công bằng vũ khí hoá học nhằm vào khu vực ngoại ô thủ đô Damascus. Nếu Tổng thống Assad được xác định là người trực tiếp ra lệnh thực hiện cuộc tấn công khủng khiếp này thì đây sẽ là hành động thách thức trắng trợn nhằm vào người đồng cấp Mỹ Barack Obama. Ông chủ Nhà Trắng trước đó đã liên tục cảnh báo, việc sử dụng vũ khí hoá học là hành động “vượt qua lằn ranh đỏ” đối với nước Mỹ. Điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ mạnh tay với Syria.  
 

 Ảnh minh họa

 Tổng thống Assad


Một số nhà phân tích cho rằng, cách xử lý "thờ ơ" của chính quyền Tổng thống Obama đối với cuộc nội chiến ở Syria hiện nay đã khiến cho khả năng thách thức của ông Assad càng tăng lên.
 
Ông Joseph Holliday thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh nhận định, chính quyền của Tổng thống Assad đang cố tình theo đuổi một chiến lược leo thang dần dần trong cuộc chiến ở Syria bằng cách sử dụng các chiến thuật gây thương vong nhiều hơn. Ban đầu, từ năm 2011 đến 2012, sự leo thang này bao gồm việc đưa dần các loại vũ khí như đạn pháo, chiến đấu cơ rồi đến tên lửa Scud. Đỉnh điểm của sự leo thang chính là việc sử dụng vũ khí hoá học có sức huỷ diệt hàng loạt trong năm nay.
 
Theo nhà phân tích Holliday, sự leo thang dần dần nói trên phục vụ cho hai mục đích của Tổng thống Assad. Thứ nhất, sự leo thang đó cho phép chính quyền của ông này tăng mức độ sử dụng bạo lực nhằm chống lại nhân dân Syria mà không gây ra bất kỳ phản ứng nào của cộng đồng quốc tế. Thứ hai, nó cho phép Nhà lãnh đạo Assad phát đi một thông điệp rõ ràng và nhất quán với người dân Syria rằng, dù ông này làm gì thì thế giới sẽ không có phản ứng.
 
Thông điệp trên rất quan trọng đối với chiến dịch của Tổng thống Assad bởi nó sẽ phá tan hy vọng sống sót lớn nhất của Quân đội Syria Tự do theo đường lối ôn hoà và đang nhận được sự ủng hộ của các nước phương Tây và Ả-rập.
 
Ông Hollyday tin rằng, chính quyền của Tổng thống Obama đang rơi vào bẫy của Tổng thống Assad.  Hồi tháng 4 năm 2013, chỉ một tháng sau khi ông chủ Nhà Trắng vừa lên tiếng cảnh báo rằng, người đồng cấp Assad sẽ phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng vũ khí hoá học, Mỹ đã cùng các chính phủ khác đánh giá “chính quyền Syria đã sử dụng vũ khí hoá học ở Syria trên quy mô nhỏ”. Kết quả là các nước này đã yêu cầu Liên Hợp Quốc tiến hành điều tra. Hiện tại, một phái đoàn gồm 20 nhà điều tra vũ khí hoá học của Liên Hợp Quốc đang có mặt ở thủ đô Damascus.
 
Trên thực tế, trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 28 tháng qua ở đất nước Syria, cả quân chính phủ lẫn phe nổi dậy đều bị cáo buộc đã sử dụng vũ khí hoá học. Cáo buộc mới nhất của phe nổi dậy về việc quân của ông Assad dùng vũ khí hoá học giết chết 1.300 người vẫn chưa được kiểm chứng. Vẫn có nhiều thông tin khác nhau về vụ việc này, ngay cả số người thương vọng. Trước đó, phe nổi dậy đưa ra con số gây choáng váng là 1.300 người chết nhưng các quan chức thuộc phe nổi dậy mới đây chỉ đưa ra con số là hơn 100 nạn nhân.
 
Cuộc chiến ở Syria không chỉ là cuộc đấu tranh nội bộ giữa các phe nhóm trong nước mà còn chứng kiến sự đối đầu gay gắt giữa các cường quốc với một bên là phương Tây do Mỹ dẫn đầu và bên kia là Nga và Trung Quốc.
 
Phương Tây ủng hộ mạnh mẽ cho phe nổi dậy Syria trong khi Nga và Trung Quốc lại đứng về chính quyền của Tổng thống Assad. Các thông tin về cuộc nội chiến Syria chủ yếu xuất phát từ nguồn tin phương Tây và không có sự kiểm chứng nên người dân thế giới vẫn có những hoài nghi nhất định.
 
Mỹ cân nhắc kế hoạch trừng phạt Tổng thống Assad
 
Trong nội bộ nước Mỹ hiện giờ đang có hai nguồn ý kiến trái chiều, một ủng hộ sự can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria và một phản đối điều này. Chính quyền Tổng thống Obama đang phải đối diện với sự chỉ trích của những người ủng hộ sự can thiệp quân sự vào Syria. Những người này cho rằng, Mỹ không hành động mạnh tay ở Syria và điều đó khiến quân của ông Assad thêm bạo gan và thêm quyết liệt.
 
Mới đây, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ đã lên tiếng giải thích, sở dĩ Washington phản đối can thiệp quân sự vào Syria, thậm chí là kể cả một chiến dịch hạn chế, là vì phe nổi dậy sẽ chẳng giúp gì cho lợi ích của nước Mỹ nếu lực lượng này lên cầm quyền. 
 
Tuy nhiên, hôm qua (22/8), nguồn tin từ Nhật báo Phố Wall cho biết, Mỹ bắt đầu cân nhắc các lựa chọn quân sự để can thiệp vào Syria đồng thời tham gia các nỗ lực ngoại giao để cùng đưa ra một phản ứng chung của quốc tế đối với những cáo buộc về việc chính phủ Syria dùng vũ khí hoá học.
 
Các sĩ quan ở Lầu Năm Góc hôm qua đang cập nhật lại danh sách các mục tiêu của chính phủ và quân đội Syria mà Mỹ có thể không kích trong trường hợp Tổng thống Barack Obama quyết định hành động sau sự kiện mà các chuyên gia tuyên bố là vụ thảm sát bằng vũ khí hoá học tồi tệ nhất trong hơn hai thập kỷ qua.
 
Khi Lầu Năm Góc đang phân tích các lựa chọn thì Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có cuộc điện đàm với  một loạt quan chức ngoại giao hàng đầu của nước nước như Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, các quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Liên minh Châu Âu cũng như Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon. Ông Fabius trước đó đã lên tiếng kêu gọi phát động chiến dịch can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc