Nửa thế kỷ "Đại điện thoại đỏ"

22:11, 30/08/2013
|

Nửa thế kỷ trước, ngày 30/8/1963, đường dây liên lạc giữa các nhà lãnh đạo của Liên Xô và Hoa Kỳ đã được thiết lập. Báo giới đã đặt cho nó một cái tên hấp dẫn là "Đại điện thoại đỏ" tuy trên thực tế đường dây nóng Moscow - Washington chỉ giống như một chiếc máy điện báo thông thường - phương tiện thông tin liên lạc phổ biến tại thời điểm ấy.

 

Ảnh minh họa

Dây cáp điện thoại qua đáy Đại Tây Dương đã được kéo xong trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục, chỉ một vài tháng. Tuyến đường bao gồm London, Copenhagen, Stockholm và Helsinki trải dài 10.000 km. Thông tin từ Moscow đến Washington và ngược lại được chuyển qua dạng văn bản. Việc giải mã văn bản do mỗi bên tự thực hiện, Phó Giám đốc Viện Mỹ và Canada Pavel Zolotarev cho biết:

 

“Đại điện thoại đỏ" được thiết lập như là động thái phản ứng đối với cuộc khủng hoảng Caribbean năm 1962, sự kiện đưa hai nước, cũng như cả thế giới đến bên bờ vực chiến tranh hạt nhân. Để tránh tình huống khủng hoảng tương tự, liên hệ trực tiếp giữa những người đứng đầu hai quốc gia là rất cần thiết.”

 

Trên thực tế, trong bốn năm đầu tiên không có thông tin nào của các Tổng thống được truyền qua đường dây này. Các chuyên gia của hai nước đã sử dụng đường dây nóng để rèn luyện kỹ năng bằng cách thường xuyên gửi cho nhau những điện báo mã hóa phức tạp. Cuối cùng, ngày 05 tháng 6 năm 1967, Thủ tướng Nga Alexei Kosygin khi đó mới sực nhớ đến đường dây nóng này. Ngày hôm ấy diễn ra cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel, và Tổng thống Lyndon B. Johnson đã bị đánh thức vào lúc sáng sớm. Qua "Đại điện thoại đỏ," phía Liên Xô yêu cầu Mỹ hỗ trợ trong việc ngăn chặn nguy cơ xung đột toàn thế giới.

 

Năm 1971, đường dây nóng được củng cố bằng vệ tinh liên lạc. Sau đó được bổ sung thêm một máy fax. Năm 1991 đã lắp điện thoại quay số trực tiếp, và đến năm 2008 thì đường dây cáp quang được kéo xuyên Đại Tây Dương.

 

Một ví dụ tiêu biểu về đối thoại xây dựng qua đường dây nóng thường được các chuyên gia nhắc đến là cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ George W. Bush ngày 11/9/2001. Sau đó, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố đã được tăng cường đáng kể.


(theo DTNNN)

Ý kiến bạn đọc