Rada tối tân của Nga cũng để lọt thiên thạch?

13:58, 21/02/2013
|

(VnMedia) - Dư luận đang đặt ra câu hỏi vì sao các hệ thống ra-đa phòng thủ tên lửa  tối tân của Nga lại không phát hiện ra thiên thạch tấn công đất nước này sáng thứ Sáu tuần trước (ngày 15/2).
  
Sau tai họa này, giới chức Nga đã kêu gọi các cường quốc trên thế giới khẩn trương phát triển công nghệ nhận diện thiên thạch cũng như các hành tinh nhỏ có thể đe dọa hành tinh của chúng ta.
 
Tuy nhiên, chính việc Nga, quốc gia sở hữu một trong những hệ thống cảnh báo sớm công nghệ cao nhất thế giới lại không thể phát hiện được sự xuất hiện của thiên thạch này trước khi nó tấn công bầu khí quyển lại khiến nhiều người nghi vấn, đặt câu hỏi.
 
Các chuyên gia thuộc Tổ chức Dự án Các lực lượng Hạt nhân Nga đang nỗ lực lý giải vì sao tảng thiên thạch mà theo ước tính của NASA là có đường kính tới 15 mét và nặng tới 10.000 tấn lại có thể “qua mắt” được hệ thống ra-đa tối tân của Nga.
 
Khoảng 1200 người đã bị thương khi tảng thiên thạch khổng lồ phát nổ giữa không trung gây ra một cơn mưa thiên thạch kinh hoàng. Theo các nhà khoa học, tảng thiên thạch này khi phát nổ ở độ cao 19-24 km so với mặt đất trên vùng trời Urals đã tạo ra một xung động lên tới 500 kiloton, gấp gần 25 lần so với vụ nổ bom nguyên tử ở Nagasaki, Nhật Bản năm 1945.

Ảnh minh họa
Bức ảnh cho thấy tầm ngắm của ra-đa của Nga

Nhóm chuyên gia thuộc tổ chức lưu giữ những thông tin đáng tin cậy về kho dự trữ hạt nhân và các hệ thống vũ khí liên lục địa của chính phủ Nga trên đã cung cấp một bức ảnh cho thấy các hệ thông ra-đa của nước này có khả năng quan sát ở tầm xa thế nào trong không gian.

Nhóm này cho biết, bất chấp kích thước của vật thể, các hệ thống ra-đa cảnh báo sớm “không bao giờ có cơ hội” phát hiện thiên thạch vì chúng không được thiết kế để phát hiện các tảng đá bay vào từ ngoài không gian.
 
Như chúng ta có thể thấy trên bức ảnh cũng như theo thông tin từ Google Earth, các hệ thống ra-đa của Nga đã bỏ qua độ cong của Trái đất và quét qua các khu vực có hình quạt kéo dài qua bầu khí quyển của hành tinh của chúng ta.
  
Đặt giả thiết rằng tảng thiên thạch trên đi theo một quỹ đạo thẳng khi tấn công Nga, với một góc vào khoảng 15 độ, một nhà nghiên cứu dự án viết: “Như chúng ta có thể nhìn thấy trên bức ảnh, thiên thạch này đã nằm ngoài tầm ngắm của ra-đa Pechora và nó nằm dưới đường chân trời khi quan sát từ Moscow, bởi vậy ra-đa Don-2N cũng không thể phát hiện được nó".
 
Còn hệ thống ra-đa Dnepr có thể phát hiện được thiên thạch nếu hướng nhìn lên nhưng nó đã không làm điều đó. Với tư cách là một ra đa cảnh báo sớm, nhiệm vụ của Dnepr là khảo sát dải không gian hẹp ngay phía trên đường chân trời, nơi một tên lửa đạn đạo có thể vượt qua nếu được phóng đi.
 
Các ra-đa trên luôn luôn và cũng không cần phải quan tâm nhiều đến thứ gì khác. Chúng không có nghĩa vụ phải liên tục theo dõi toàn bộ bầu trời – một việc lãng phí năng lượng và làm giảm phạm vi phát hiện hiệu quả.
 
Một hệ thống ra-đa cảnh báo sớm có thể nhìn thấy các vật thể ở độ cao lớn hơn (tới 34,5 độ như trong trường hợp của ra-đa Dnepr) và sẽ thực hiện điều đó nếu được yêu cầu giám sát một vệ tinh. Tuy vậy, bạn sẽ phải yêu cầu nó làm việc đó và do không ai nhận thấy tảng thiên thạch đang tới nên không ai làm chuyện đó”.
 
Nhà nghiên cứu trên thêm rằng dữ liệu của Google Earth cũng cho thấy cả phạm vi quét của ra-đa Krasnoyarsk nhưng nó cũng để lọt thiên thạch trên.
  
Bởi vậy, theo nhận định của nhà nghiên cứu trên, các hệ thống phòng thủ tên lửa và ra-đa cảnh báo sớm của Nga không hề có bất cứ sai sót trục trặc gì, mà lý do thiên thạch không bị phát hiện rất đơn giản, đó là vì nó không phải một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Nhà nghiên cứu  trên đưa ra một kết luận cho bài viết của mình bằng một lưu ý tích cực về sự an toàn của thế giới, bất chấp số vũ khí hạt nhân sẵn có trong các kho dự trữ của Nga và Mỹ: “Vẫn có một câu hỏi thú vị được đặt ra. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn nhìn thấy một vụ nổ 500 kiloton trên (hoặc phía trên) mảnh đất của mình và không biết đó là gì và đến từ đâu? Tôi đoán chúng ta hiện đều biết người Nga sắp làm gì – họ sẽ nhanh chóng cho đăng tải các đoạn băng về camera điều khiển của mình lên trang Youtube”.


Đan Khanh - (theo Dailymail)

Ý kiến bạn đọc