(VnMedia) - Nhật Bản hôm nay (8/1) đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại thủ đô Tokyo đến để bày tỏ sự phản đối trước việc 4 tàu hải giám của Trung Quốc lượn lờ trong khu vực lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư suốt hơn một nửa ngày.
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản – ông Akitaka Saiki đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Cheng Yonghua đến trụ sở của Bộ Ngoại giao sau khi 4 tàu của chính phủ Trung Quốc hiện diện ở vùng lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư suốt 13h đồng hồ hôm 7/1 và chỉ rời đi vào rạng sáng ngày hôm nay (8/1), ông Masaru Sato – một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã chính thức bày tỏ “sự phản đối” đối với hành động của Trung Quốc tại cuộc gặp gỡ giữa quan chức ngoại giao hai nước ngày hôm nay. Tokyo đã yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ngay hành động điều tàu thuyền đền quần đảo đang nằm trong sự quản lý của Nhật Bản này.
Nhật Bản cho biết, 4 tàu hải giám Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải xung quanh quần đảo giàu tài nguyên ở biển Hoa Đông này từ ngày hôm qua và đã lượn lờ ở đó suốt 13 giờ đồng hồ. Tổng thư ký Nội các Nhật Bản – ông Yoshihide Suga đã miêu tả động thái của tàu Trung Quốc là “cực kỳ bất thường” và là hành động “đáng tiếc”.
Hôm qua là lần đầu tiên trong năm mới 2013 và là lần thứ 21 kể từ khi Nhật Bản mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tay chủ sở hữu tư nhân hồi tháng 9, tàu hải giám Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp này. Đây cũng là vụ “xâm nhập lâu nhất” của tàu Trung Quốc vào khu vực mà Nhật Bản coi là vùng lãnh hải của mình.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc liên tục đưa tàu thuyền vào vùng lãnh hải tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Động thái này được các nhà phân tích nhận định là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thiết lập một thực tế rằng, họ có thể đi lại vào vùng lãnh hải quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bất kỳ khi nào muốn. Bắc Kinh muốn thể hiện, đây là vùng lãnh hải thuộc “chủ quyền” của họ.
Trung Quốc đã bị Nhật Bản chọc tức sau khi Tokyo quyết định mua lại 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tay một người chủ sở hữu tư nhân hồi tháng 9 năm ngoái. Đây chính là “mồi lửa” châm ngòi cho cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài suốt nhiều tháng qua giữa hai cường quốc hàng đầu khu vực.
Mới đây nhất, hôm 13/12, Trung Quốc đã lần đầu tiên đưa máy bay do thám vào vùng trời trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, buộc Nhật Bản phải ra lệnh cho 8 chiến đấu cơ cất cánh khẩn cấp để chặn máy bay Trung Quốc. Từ đó đến nay, đã vài lần, máy bay Trung Quốc đối đầu nguy hiểm với chiến đấu cơ Nhật Bản. Đây là bước leo thang đáng lo ngại trong cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Hạm đội tàu hải giám Trung Quốc bận rộn vì tranh chấp lãnh thổ
Hạm đội tàu thuộc Lực lượng Hải giám Trung Quốc (CMS) đã có một năm đầy bận rộn trong năm 2012 vì cuộc tranh chấp lãnh thổ nóng bỏng với Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, các quan chức CMS cho biết.
Theo hãng tin Tân Hoa xã, các thuỷ thủ thuộc Lực lượng Hải giám Trung Quốc trong năm qua không được phép thay phiên nhau nghỉ phép. Một số người thậm chí còn phải ở trên biển liên tục 4 tháng liền.
CMS thừa nhận, chỉ có một vài tàu thuyền của lực lượng này có khả năng tới được quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
"Thậm chí nếu một số tàu được phép quay trở về thì các thành viên thuỷ thủ đoàn thường nhận được lệnh mới ngay lập tức khi tàu của họ vừa cập cảng. Đôi khi, họ nhận được lệnh từ khi mới đang ở giữa đường trở về", ông Wang Yun – thuyền trưởng tàu Haijian 83 – một tàu chỉ huy của CMS, cho biết.
Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trong khi Nhật Bản gọi là Senkaku. Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 hòn đảo nằm cách đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản, khoảng 160km, và cách Vùng lãnh thổ Đài Loan khoảng 200km. Chùm đảo nằm giữa Nhật Bản và Vùng lãnh thổ Đài Loan này có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Nó cũng nằm gần với các tuyến đường biển quan trọng.
Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang leo thang nguy hiểm từ dưới biển lên cả trên không. Giờ đây, không chỉ tàu thuyền hai nước thường xuyên gầm ghè nhau trên biển mà ở trên bầu trời, máy bay hai nước cũng liên tục đối đầu nguy hiểm. Tình hình này thật đáng báo động. Nó khiến nhiều chuyên gia nghĩ đến khả năng xảy ra xung đột quân sự ở vùng biển Hoa Đông.
Trên thực tế, cả Nhật Bản và Trung Quốc đều không muốn có chiến tranh bởi họ thừa hiểu hậu quả của một cuộc chiến tranh sẽ khủng khiếp như thế nào đối với mỗi nước. Tuy nhiên, nếu hai bên không có những bước đi kiềm chế mà tiếp tục có những hành động làm leo thang căng thẳng như hiện nay thì khả năng mọi thứ vượt ra khỏi tầm kiểm soát là rất dễ xảy ra.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc