Tổng thống Mỹ Obama đã ký sắc lệnh đưa “Vạn lý trường thành dưới lòng đất” của Trung Quốc vào diện đặc biệt lưu tâm và tìm cách cân bằng mối đe dọa này.
Theo đạo luật Ủy quyền quốc phòng quốc gia (NDAA) mới được Tổng thống Obama ký hôm 2/1, ủy quyền cho Lầu Năm Góc phải xem xét cả hai khả năng vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân nhằm vô hiệu hóa mối đe dọa từ các cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân ngầm dưới đất của Trung Quốc, vốn được mệnh danh là “Vạn lý trường thành trong lòng đất”.
Đạo luật NDAA chỉ đạo Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ phải xác định các lỗ hổng về kiến thức liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc; tiến hành thảo luận về tác động của bất kỳ lỗ hổng như vậy đối với an ninh Mỹ; lập báo cáo đánh giá chiến lược răn đe hạt nhân của Trung Quốc, trong đó các yếu tố lịch sử, địa chính trị của chiến lược này; mô tả chi tiết về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, bao gồm số lượng có thể cung cấp và phạm vi liên lục địa của nó.
Bên cạnh đó, STRATCOM phải so sánh khả năng lực lượng hạt nhân giữa Mỹ và Trung Quốc, dự đoán về tương lai có thể có của kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc; mô tả về chức năng và những khoảng trống trong lệnh chỉ huy và kiểm soát; đánh giá kho dự trữ nhiên liệu phân hạch của Trung Quốc, năng lực sản xuất cho các mục đích quân sự và dân sự.
Sắc lệnh được ban dựa trên bản báo cáo hôm 15/8/2012 của Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ (STRATCOM) cùng với kết quả của nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Phillip Karber. Báo cáo nêu bật mối quan tâm sâu sắc của cơ quan này về “Vạn lý trường thành trong lòng đất” của Trung Quốc, nơi đang sử dụng để triển khai và lưu trữ các tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, Mỹ không có các cơ sở lưu trữ vũ khí tiến công chiến lược tương tự. Trong khi đó, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Georgetown, dẫn đầu là Tiến sĩ Phillip Karber đã tiến hành một nghiên cứu kéo dài trong 3 năm để lập nên một bản đồ về hệ thống đường hầm phức tạp của Trung Quốc kéo dài trên 3000 dặm.
Trong bản báo cáo với nhan đề Ý nghĩa chiến lược của Vạn lý trường thành ngầm của Trung Quốc, số vũ khí hạt nhân theo ước tính của cơ quan tình báo Mỹ là không chính xác. Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Phillip Karber ước tính có khoảng 3000 vũ khí hạt nhân có thể được cất giấu trong một mê cung rộng lớn dưới lòng đất ở Trung Quốc.
Con số vũ khí hạt nhân của Trung Quốc mà cơ quan tình báo Mỹ đưa ra nhiều nhất cũng chỉ khoảng 300 đầu đạn hạt nhân đang được lưu trữ.
Trái ngược với mối quan ngại sâu sắc từ đạo luật mới của Mỹ, ông Bonnie Glaser, một chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS có trụ sở tại Washington, Mỹ lại có một cái nhìn hoàn toàn khác.
Ông cho rằng, đạo luật NDAA sẽ gây nhiều hậu quả lớn trong mối hệ Trung - Mỹ. Cộng đồng tình báo đang theo dõi tiến triển của vũ khí hạt nhân Trung Quốc sẽ nhìn thấy một mối đe dọa mới.
Chia sẻ quan điểm này, ông Hans Kristensen, Giám đốc Thông tin dự án hạt nhân thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cho rằng, đạo luật mới thể hiện mối lo ngại chung đối với quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.
Theo ông Kristensen, đó là “một sai lầm”. Điều này làm tăng mối nguy hiểm của cuộc chiến tranh giữa Trung - Mỹ. “Hai nước đang nhảy một điệu nhảy nguy hiểm. Điều đó chỉ làm tăng thêm căng thẳng quân sự và khả năng có thể dẫn đến một cuộc Chiến tranh Lạnh ở Thái Bình Dương”, ông Kristensen chia sẻ.
Câu hỏi được nhiều nhà phân tích Mỹ quan tâm là làm thế nào để Mỹ sử dụng vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân để trung hòa mối đe dọa từ những gì được lưu trữ trong các đường hầm như vậy ở Trung Quốc. Các thử nghiệm với bom hạt nhân xuyên boongke B61-11 cho kết quả đáng thất vọng.
Độ sâu thâm nhập của bom tương đối thấp, chương trình phát triển nâng cấp B61-12 rõ ràng đã có thể giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, với những gì được nêu trong báo cáo của nhóm nghiên cứu Phillip Karber ở độ dài và độ sâu khác nhau của hệ thống đường hầm thì cần nhiều hơn một quả bom như vậy để loại bỏ mối đe dọa.
Vì vậy, đạo luật mới có thể coi là một sự hoảng sợ “vội vàng” của Quốc hội Mỹ về hệ thống “Vạn lý trường thành trong lòng đất” của Trung Quốc. Tình hình an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng rất phức tạp với đạo luật mới này.
Ý kiến bạn đọc