(VnMedia) - Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua (21/11) đã chính thức yêu cầu NATO triển khai các tên lửa đất đối không tối tân Patriot nhằm giúp nước này củng cố khả năng phòng vệ ở khu vực dọc biên giới với Syria.
Tại thủ đô Ankara, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong một tuyên bố rằng, “do an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với những mối đe doạ và nguy cơ gây ra từ cuộc khủng hoảng ở Syria nên chúng tôi quyết định chính thức yêu cầu NATO củng cố khả năng phòng không cho đất nước chúng tôi bằng sự trợ giúp của các thiết bị phòng không của liên minh”.
Ngoại trưởng Đức - ông Guido Westerwelle cho biết, ông đã chỉ đạo Đại sứ Đức tại Thổ Nhĩ Kỳ “tiếp nhận những yêu cầu như vậy một cách tích cực”. “Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu chúng ta từ chối bảo vệ một nước thành viên của NATO trong bối cảnh thành viên đó cảm thấy họ đang phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công từ bên ngoài”, ông Westerwelle phát biểu.
Bất kỳ hoạt động triển khai lực lượng nào của NATO đều cần phải được sự thông qua của cơ quan quyền lực cao nhất của liên minh - Hội đồng Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, bước đi này được cho là chỉ mang tính hình thức bởi NATO trước đây đã từng nói, nước này có sẵn kế hoạch để bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ trước khả năng bị lôi kéo vào cuộc nội chiến ở đất nước Syria.
"Các nước thành viên sẽ thảo luận kế hoạch trên ngay lập tức mà không có bất kỳ sự trì hoãn nào", Tổng thư ký NATO - ông Anders Fogh Rasmussen đã cho biết như vậy trên Twitter. Ông Rasmussen còn nói thêm rằng, việc triển khai các hệ thống tên lửa phòng không Patriot sẽ giúp tăng cường khả năng phòng vệ của Thổ Nhĩ Kỳ và “góp phần làm giảm căng thẳng ở khu vực biên giới phía đông nam NATO".
Tuy nhiên, Tổng thư ký Rasmussen cũng nhấn mạnh, việc NATO triển khai các tên lửa Patriot của Mỹ ở khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ không có nghĩa là liên minh này sẽ áp đặt một lệnh cấm bay trên lãnh thổ của Syria. Đây là một trong những yêu cầu chính của phe nổi dậy Syria nhưng không được các cường quốc phương Tây đáp ứng. NATO từng lắp đặt các khẩu đội tên lửa phòng không ở Thổ Nhĩ Kỳ hai lần trước đây, đều trong các cuộc chiến Iraq năm 1991 và 2003. Mặc dù vậy, các khẩu đội tên lửa này chưa bao giờ được sử dụng và đã được tháo dỡ vài tháng sau đó.
Tình trạng leo thang căng thẳng ở khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ được châm ngòi từ sự kiện một quả đạn pháo từ Syria bay sang lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ hôm 3/10, khiến 5 dân thường thiệt mạng và 10 người khác bị thương. Sau vụ việc này, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần bắn đạn pháo đáp trả những vụ “tên rơi đạn lạc” từ Syria vào lãnh thổ của họ.
Kiệt Linh -
(theo AP)
Ý kiến bạn đọc