Thế giới xoay vần quanh lá chắn tên lửa của Mỹ

15:06, 27/03/2013
|

Việc Mỹ điều chỉnh hệ thống phòng thủ tên lửa đang khiến cả thế giới quan tâm. Khi Mỹ nhấc tấm khiên từ châu Âu qua châu Á, Nga không thay đổi quan điểm nhưng Trung Quốc thì lo lắng.

Hôm 16/3, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố sẽ tái cấu trúc giai đoạn cuối cùng của kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tại châu Âu, vì lý do ngân sách và công nghệ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết chi tiết, đối với chương trình lá chắn chống tên lửa tại châu Âu, NATO vẫn sẽ tiếp tục triển khai một radar TPY-2 ở Thổ Nhĩ Kỳ, có chức năng xác định việc phóng và đường bay của các tên lửa đạn đạo, cũng như việc bố trí từ đây đến năm 2018, 24 tên lửa đánh chặn SM3-IIA tại Rumania và cũng cùng số lượng tương tự tại Ba Lan.

Bắt đầu từ năm 2022, một tên lửa đánh chặn mới, SM3-IIB, cũng sẽ được triển khai tại các khu vực kể trên. So với loại tên lửa SM3-IIA hiện nay, thì "phương tiện hạ thủ ngoài khí quyển" của loại SM3-IIB mới có tốc độ di chuyển là 5,5 km/giây, tức nhanh hơn 1 km/giây, khiến tên lửa này trở thành một vũ khí đáng gờm trong việc chống lại các tên lửa liên lục địa.

Việc điều chỉnh hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ tại châu Âu lần này được đánh giá như một cử chỉ hòa dịu với Nga. Moskva lâu nay lo ngại là vũ khí này có thể hướng sang chống lại người Nga, đe dọa khả năng răn đe hạt nhân của Nga. Và cũng từ lâu, Mỹ luôn cho rằng vũ khí này không nhằm vào Nga mà là phương tiện để bảo vệ châu Âu chống lại các đe dọa của Iran.

Giới quân sự nhận định: Sức mạnh hạt nhân của lực lượng hải quân Nga thực sự cho phép nước này bố trí các trận địa cơ động đa năng xung quanh Mỹ. Đây cũng là lý do khiến Nga phát triển cơ sở hạ tầng hải quân ở nước ngoài. Nga sẽ triển khai các lực lượng tiến công hạt nhân đặt căn cứ trên biển xung quanh hoặc bên sườn của Mỹ. Chiến lược hải quân thông minh của Nga sẽ đáp trả hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ trong mọi tình huống.

Phản ứng trước việc tái cấu trúc hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ lần này, Nga khẳng định không sửa đổi lập trường về phòng thủ tên lửa. Báo Kommersant (Nga) ra ngày 18/3 dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Moskva không thấy cơ sở nào để phải điều chỉnh lập trường của mình về phòng thủ tên lửa sau tuyên bố của Mỹ từ chối triển khai ở Ba Lan các tên lửa đánh chặn loại bổ sung.

Ông Ryabkov nhấn mạnh rằng, khi từ chối triển khai một trong những giai đoạn của hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu, thì đồng thời Washington lại tăng cường bố trí tên lửa ở hướng khác. Như công bố tuần trước của người đứng đầu Lầu Năm Góc Chuck Hagel, những tên lửa đánh chặn hạng nặng bổ sung sẽ được triển khai ở Alaska và California. Ở đây nói về sự mở rộng đáng kể khả năng của Mỹ trên bình diện phòng thủ tên lửa và thực trạng đó khiến Moskva quan ngại.

Cần nhắc lại rằng hôm 15/3, lấy cớ để đối phó với những lời đe dọa liên tiếp của Triều Tiên trong việc hủy diệt Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thông báo sẽ  tăng cường khả năng bảo vệ lãnh thổ và duy trì mức độ vượt xa đối phương về quân sự. Cụ thể, hệ thống 30 tên lửa bảo vệ bờ tây đặt ở Alaska - ở phía bắc - và California - ở phía nam - sẽ được tăng lên thành 44 tên lửa vào năm 2017. Đây là loại tên lửa chặn tên lửa liên lục địa GBI đặt trên đất liền.

Và không chỉ có vậy, để "bảo vệ đồng minh", từ mấy tháng nay Mỹ đã ráo riết triển khai hệ thống lá chắn tên lửa sang châu Á. Cụ thể, hồi cuối tháng 2/2013, nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hai nước đãä đồng ý lắp đặt hệ thống radar cảnh báo sớm thứ hai tại Nhật nhằm chống lại những đe dọa tên lửa từ Triều Tiên. Đây là hệ thống radar X-band thứ hai được lắp đặt ở Nhật Bản sau hệ thống đầu tiên đặt tại Aomoori ở phía bắc nước này.

Hệ thống mới này sẽ được đặt tại căn cứ không quân ở Kyotango, tây bắc Kyoto, nằm trên vùng duyên hải biển Nhật Bản hay biển Hoa Đông. Vị trí này được chọn vì một khi Triều Tiên phóng tên lửa nhắm vào mục tiêu Guam hay Hawaii của Mỹ thì nó được cho là sẽ bay qua miền Tây hay Trung Nhật Bản.

Hệ thống radar X-Band là một trong những hệ thống radar cảnh báo sớm hiện đại trên thế giới, có nhiệm vụ phát hiện và cảnh báo tên lửa đạn đạo của đối phương nhắm vào lãnh thổ Mỹ. Hệ thống có thể phát hiện các tên lửa đạn đạo ngay sau khi rời bệ phóng 10 giây. Nhằm giúp các tên lửa đánh chặn khai hỏa kịp thời cùng vạch ra hành trình đạn đạo dựa trên dữ liệu từ tên lửa đối phương để tiêu diệt nó sớm ngay cả trên phần đất kẻ thù. Công ty Raytheon chế tạo hệ thống radar trên cho biết, nó có thể phát hiện ra một vật thể chỉ bằng quả bóng chày từ cách xa 4.700km.

Không chỉ có vậy, hồi cuối năm 2012, sau quyết định cử 2.500 lính thủy quân lục chiến tinh nhuệ đến căn cứ Darwin miền Bắc Australia trong khuôn khổ chiến lược xoay trục về châu Á, quân đội Mỹ còn dự định đặt hệ thống radar cực mạnh cùng viễn vọng kính không gian tại Australia. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith nói rằng việc Mỹ thiết lập hệ thống radar band-C tại Australia sẽ góp phần đáng kể trong việc theo dõi những mảnh vụn bay trong không gian trên không phận châu Đại Dương.

Theo một quan chức cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ, đây là lần đầu tiên mà không quân Mỹ triển khai một trạm radar như vậy tại khu vực nam bán cầu. Điều này sẽ cho phép Mỹ theo dõi sát hơn những mảnh vỡ trong không gian, cũng như các vụ phóng tên lửa của Trung Quốc nói riêng hay những vật thể đang tiến vào hay rời khỏi bầu khí quyển, và trên toàn bộ khu vực châu Á.

Như vậy, với lý do là nhằm tăng cường hệ thống lá chắn tên lửa để đối phó với đe dọa từ các tên lửa đạn đạo Triều Tiên và Iran, Mỹ đã đặt hàng loạt hệ thống tên lửa đánh chặn quanh… Trung Quốc và điều này khiến Bắc Kinh nổi đóa. Trong động thái được cho là phản ứng lại hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ, Trung Quốc đã phát triển hệ thống phòng chống tên lửa cho riêng mình và đã thử nghiệm thành công vào tháng 1/2013.

Giới quan sát nhận định, trong thời gian tới chuyện thanh kiếm và lá chắn của Mỹ tại châu Á sẽ còn được tranh luận dài dài, nhất là trong bối cảnh nước này đang chuyển dịch trọng tâm chiến lược về đây.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc