(VnMedia) - Một tướng quân sự cấp cao hàng đầu của Triều Tiên được các nguồn tin Hàn Quốc miêu tả là “nhân vật quyền lực thứ hai ở Triều Tiên” chỉ sau Chủ tịch Kim Jong Un đã “biến mất không dấu vết”, tờ Sputnik của Nga đưa tin. Điều này đang làm dấy lên tin đồn vị quan chức này hoặc đã bị giam vào tù hoặc bị xử tử theo lệnh của Nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên.
Tướng 72 tuổi Hwang Pyong-so thường xuyên được nhìn thấy xuất hiện bênh cạnh Chủ tịch Kim Jong Un và thậm chí đã có thời điểm người ta thấy ông này còn thay thế vị trí của Nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên như trong lễ bế mạc Asian Games năm 2014.
Tuy nhiên, không một ai nghe tin gì về ông Hwang kể từ hồi tháng 10 và hiện giờ tờ JoonAng Ilbo của Hàn Quốc vừa đưa tin, cả ông Hwang và “phó tướng” của ông này đã bị khai trừ khỏi Đảng Lao động Triều Tiên vì “hành vi không trong sạch” – cách nói khác của hành động nhận hối lộ và lại quả.
"Nếu ông Hwang thực sự bị khai trừ khỏi Đảng Lao động, điều này trên thực tế đồng nghĩa với việc chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông ấy và có thể là cả cuộc sống của ông ấy mặc dù vẫn chưa rõ liệu ông này còn sống hay không”, tờ báo của Hàn Quốc đưa tin.
Kể từ tháng 9 năm 2014, ông Hwang đã nắm giữ vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên (NDC) – cơ quan nắm quyền kiểm soát quân đội của chính phủ Triều Tiên. Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên và cũng là người quyền lực nhất trong chính phủ Triều Tiên là ông Kim Jong Un.
Ông Hwang được xem là một trong những cánh tay thân cận đáng tin cậy nhất của Nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên – ông Kim Jong-un. Chính vì thế, thông tin ông này bị trừng phạt gây xôn xao dư luận và người ta rất quan tâm đến việc ông này đã bị trừng phạt như thế nào. Trước đó, hồi tháng 9, người ta vẫn còn thấy ông Hwang xuất hiện bên cạnh Chủ tịch Kim Jong Un khi Nhà lãnh đạo Triều Tiên chỉ đạo một vụ thử hạt nhân.
Ông Hwang đã có sự thăng tiến nhanh chóng một cách chưa từng có trong một vài năm trở lại đây. Năm 2014, ông trở thành một trong những nhân vật không phải là thành viên của gia đình Chủ tịch Kim có quyền lực cao nhất ở Triều Tiên khi ông được bầu làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Triều Tiên – một vị trí quyền lực có khả năng huy động quân đội cho Nhà lãnh đạo tối cao.
Hiện Bình Nhưỡng chưa lên tiếng gì về những thông tin nói trên.
Năm ngoái, giới truyền thông của Hàn Quốc từng tung ra thông tin cực sốc, theo đó, ông Kim Jong Un đã ra lệnh xử tử tất cả 340 người Triều Tiên kể từ khi ông này nhậm chức cách đó 5 năm. Những nạn nhân của ông Kim Jong Un bao gồm từ giới chức cấp cao cho đến các thành viên trong gia đình của ông này.
Khoảng 140 trong số 340 nạn nhân là các quan chức cấp cao của chính phủ Triều Tiên, Viện Chiến lược An ninh Quốc gia của Hàn Quốc (INSS) cho biết. Một trong những thông tin gây rúng động nhất là vụ Triều Tiên xử tử công khai người chú rể của Chủ tịch Kim Jong Un – ông Jang Song Thaek vì bị cáo buộc tìm cách lật đổ chính phủ. Trong một vụ việc khác, Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Hyon Yong Chol cũng được cho là đã bị xử tử trước mặt gia đình của ông này năm 2015.
Triều Tiên vốn là một đất nước khép kín và rất ít thông tin trong nội bộ chính phủ nước này được tiết lộ ra bên ngoài. Các thông tin trong nội bộ của Bình Nhưỡng thường được thu thập bởi giới chức tình báo Mỹ và Hàn Quốc cũng như thông qua sự phán đoán, nhận định của các chuyên gia, nhà phân tích am hiểu về tình hình Triều Tiên. Vì thế, độ chính xác của những thông tin như vậy thường khó được xác minh trừ khi Triều Tiên công khai thông báo hoặc xác nhận.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc