Diễn biến căng thẳng
Đầu giờ sáng 15/11, nhiều tiếng nổ đã xuất hiện tại trung tâm thủ đô Harare của Zimbabwe sau khi nhiều xe tăng và xe bóc thép quân đội nước này xuất hiện bên ngoài thủ đô Harare. Binh sĩ quân đội Zimbabwe sau đó đã kiểm soát đài truyền hình quốc gia, phong tỏa các tuyến đường dẫn tới văn phòng chính phủ, tòa nhà quốc hội và tòa án ở trung tâm thủ đô Harare.
Thiếu tướng Sibusiso Moyo, Tư lệnh lực lượng hậu cần của quân đội Zimbabwe cho biết Tổng thống Robert Mugabe và vợ Grace Mugabe đã bị quân đội nước này tạm giữ sau một loạt các hoạt động quân sự nhằm "truy lùng các phần tử tội phạm" xung quanh Tổng thống Magube. Trong một tuyên bố trên truyền hình, Tướng Moyo đã kêu gọi các ngành an ninh khác "hợp tác vì sự tốt đẹp của đất nước", đồng thời cảnh báo rằng "mọi hành vi khiêu khích sẽ bị đáp trả thích đáng".
Tướng Moyo cũng trấn an người dân rằng "đây không phải là cuộc đảo chính", đồng thời khẳng định Tổng thống Mugabe cùng gia đình vẫn an toàn và đang được bảo vệ. Tuyên bố còn cho biết quân đội nhằm vào "các kẻ tội phạm xung quanh tổng thống". Bên cạnh đó, tuyên bố trên còn cảnh báo rằng nếu tình hình chính trị, xã hội và kinh tế suy thoái của nước này không được giải quyết sẽ dẫn tới cuộc xung đột bạo lực.
Hãng tin Reuters cũng cho biết quân đội Zimbabwe đã bắt giữ Bộ trưởng Tài chính Ignatius Chombo và Giám đốc Cảnh sát quốc gia Zimbabwe Augustine Chihuri.
Trước đó, ngày 14/11, Đảng ZANU-PF cầm quyền cáo buộc Tư lệnh quân đội Zimbabwe, Tướng Constantino Chiwenga đã có hành vi làm phản, sau khi ông Chiwenga phản đối việc Tổng thống Mugabe quyết định cách chức Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa. Trong một tuyên bố, ZANU-PF nhấn mạnh đảng này ủng hộ đường lối “ưu tiên chính trị hơn vũ lực” và cáo buộc Tướng Chiwenga đang phá hoại hòa bình và ổn định của Zimbabwe. ZANU-PF khẳng định sẽ không nhượng bộ trước sức ép từ quân đội, đồng thời gọi việc ông Chiwenga tuyên bố sẽ can thiệp vào cuộc thanh lọc trong nội bộ đảng là “hành vi làm phản”.
Đây là lần đầu tiên Zimbabwe chứng kiến những mâu thuẫn công khai giữa quân đội và Tổng thống Mugabe. Hồi tuần trước, ông Mugabe đã cách chức Phó Tổng thống Mnangagwa, đồng thời cáo buộc ông này có âm mưu tiếm quyền tổng thống.
Căn nguyên sâu xa
Theo các nhà phần tích, Tổng thống Mugabe, 93 tuổi, là một trong những người nắm quyền lâu nhất ở Zimbabwe, châu Phi và thế giới với 37 năm liên tục kể từ năm 1980. Ông Mugabe trở thành Tổng thống Zimbabwe sau khi nước này giành độc lập từ Vương quốc Anh và được coi là anh hùng giải phóng dân tộc.
Tuy nhiên, trong thời gian ông Mugabe làm lãnh đạo, Zimbabwe là một trong những nước nghèo nhất thế giới bởi nền kinh tế luôn trong tình trạng suy thoái và tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục. Năm 2008, tỷ lệ lạm phát của Zimbabwe lên tới 100.000% và chính phủ nước này đã phải ban hành tiền giấy mệnh giá tới 10.000 tỷ đôla Zimbabwe. Người dân Zimbabwe đang phải sống trong một thời kỳ đầy rủi ro, đối mặt với nạn thất nghiệp nghiêm trọng, phụ thuộc vào nguồn tiền chuyển về từ các thành viên lưu vong ở nước ngoài. Ngoài ra tiền tiết kiệm của người dân gửi bằng đồng nội tệ ở ngân hàng cũng bị rút hết.
Trong khi đó, ông Mugabe đã tuyên bố sẽ không từ bỏ vị trí của mình và cho rằng không ai có đủ tầm vóc chính trị để ngay lập tức thay ông tiếp nhận vị trí Tổng thống. Chính vì vậy, Tổng thống Mugabe đã kêu gọi cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử diễn ra tại Zimbabwe vào năm 2018.
Khi sức khỏe của ông Mugabe sụt giảm và sự ảnh hưởng của vợ ông ngày càng gia tăng mạnh mẽ với mong muốn kế nhiệm chồng mình, sự chia rẽ trên chính trường Zimbabwe đã diễn ra giữa những người được coi là thế hệ 40 - gồm những người trẻ tuổi hơn xung quanh vợ ông, và những người lớn tuổi đã sát cánh cùng ông Mugabe trong cuộc đấu tranh giải phóng và nắm giữ những vị trí quyền lực nhất định.
Còn Phó Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa là người đã giành được sự ủng hộ mạnh mẽ trong giới cựu binh và cơ quan an ninh của nước này. Trước khi bị cách chức Phó Tổng thống Mnangagwa được xem là ứng cử viên sáng giá thay thế Tổng thống Mugabe trong trường hợp ông rút khỏi chính trường Zimbabwe hoặc qua đời. Đó là những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng khủng hoảng hiện nay tại Zimbabwe.
Cộng đồng quốc tế quan ngại
Trước diễn biến tình hình tại Zimbabwe, Liên minh Châu Phi (AU) đã tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng tại Zimbabwe “giống như một vụ đảo chính” và kêu gọi các bên liên quan cần tôn trọng Hiến pháp của đất nước. Chính phủ Nigeria cũng kêu gọi các bên ở Zimbabwe kiềm chế, tránh bạo lực và tôn trọng hiến pháp nước này trong bối cảnh xảy ra bế tắc chính trị nghiêm trọng.
Liên minh Châu Âu (EU) kêu gọi đối thoại và tìm kiếm giải pháp chính trị nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Zimbabwe. Còn Thủ tướng Anh Theresa May cùng Ngoại trưởng nước này Boris Johnson cũng đã kêu gọi các bên ở Zimbabwe kiềm chế, đồng thời cho biết tình hình hiện nay rất khó đoán định, kêu gọi công dân Anh tại Zimbabwe thận trọng và không nên ra ngoài trong thời điểm hiện nay.
Trong khi đó, Mỹ đã lên tiếng hối thúc các bên liên quan ở Zimbabwe bình tĩnh bình tĩnh tiếp cận các bất đồng trong hòa bình, đồng thời giải quyết những sự khác biệt một cách dân chủ, minh bạch và tuân thủ hiến pháp. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Đại sứ quán Mỹ tại Harare đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến tại Zimbabwe.
Theo Pháp luật VN
Ý kiến bạn đọc