Nga, Mỹ lại đối đầu nảy lửa trên "mặt trận" Syria

11:34, 16/11/2017
|

(VnMedia) - Nga và Mỹ lại đối đầu nảy lửa với nhau về vấn đề Syria ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về số phận cuộc điều tra để xác định thủ phạm đứng đằng sau các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 6 năm qua ở Syria. Cuộc bỏ phiếu này dự kiến diễn ra trong ngày hôm nay (16/11).

Mỹ từng thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa Tomahawk vào căn cứ của Syria vì cho rằng Damascus là thủ phạm đứng đằng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 4/4
Mỹ từng thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa Tomahawk vào căn cứ của Syria vì cho rằng Damascus là thủ phạm đứng đằng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 4/4

Washington và Moscow mỗi bên đều trình một bản phác thảo nghị quyết riêng với nội dung đối lập liên quan đến việc kéo dài thời hạn thêm một năm cho sứ mệnh của Ủy ban Điều tra Chung (JIM) – cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra thủ phạm tiến hành các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở chiến trường Syria.

Sau khi các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ đều không thể xóa bỏ được bất đồng, hai nước này đều kêu gọi Hội đồng Bảo an tiến hành một cuộc bỏ phiếu đối với nghị quyết riêng của họ vào ngày hôm nay, chỉ vài giờ trước khi sứ mệnh của JIM chính thức hết hiệu lực vào nửa đêm nay.

Các nhà ngoại giao cho biết, họ đoán trước được rằng Nga sẽ tiếp tục dùng quyền phủ quyết bác bỏ nghị quyết do Mỹ trình lên. Như vậy, đây sẽ là lần thứ 10 Moscow dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an để ngăn chặn cách hành động chống lại đồng minh Syria của Nga.

Trong khi đó, bản nghị quyết của Nga cũng sẽ không thể giành được đủ 9 lá phiếu để được thông qua, các nhà ngoại giao nhận định.

Một nghị quyết muốn được thông qua cần phải nhận được 9 lá phiếu trong Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, 5 nước gồm Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp và Mỹ có thể ngăn chặn bất kỳ nghị quyết nào bằng lá phiếu phủ quyết đầy quyền lực của họ.

"Mỹ hy vọng Hội đồng Bảo an sẽ đoàn kết, thống nhất trong cuộc chiến chống lại tình trạng sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường và sẽ kéo dài thời hạn làm việc cho nhóm điều tra quan trọng. Không làm như vậy thì đồng nghĩa với việc đồng tình với những hành động thảm sát”, phái đoàn của Mỹ cho biết trong một tuyên bố.

Nga đã chỉ trích gay gắt JIM sau khi bản báo cáo mới nhất của nhóm điều tra này đổ lỗi cho Lực lượng Không quân Syria đã thực hiện cuộc tấn công bằng khí độc sarin vào ngôi làng Khan Sheikhun nằm trong quyền kiểm soát của phe đối lập Syria. Cuộc tấn công diễn ra vào ngày 4/4 này đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người và gây ra sự phẫn nộ rất lớn trong cộng đồng quốc tế khi hình ảnh nhiều trẻ em thiệt mạng xuất hiện khắp nơi.

Tin rằng quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad đã thực hiện cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 4/4 ở Khan Sheikhun, Tổng thống Donald Trump đã thẳng thừng ra lệnh cho quân đội phóng đi hàng chục quả tên lửa cực mạnh nhằm vào một sân bay của Syria để trả đũa Damascus. Ít nhất 60 tên lửa hành trình Tomahawk đã được phóng đi đêm ngày 6/4 nhằm vào một sân bay ở Ash Sha’irat thuộc tỉnh Homs. Theo giới chức Mỹ, Washington nghĩ rằng, vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 4/4 đã được phát động từ chính sân bay nói trên và vì thế họ đã tấn công vào nơi đó.

Lâu nay, Mỹ và phương Tây luôn đổ lỗi cho Damascus mỗi lần có cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nào xảy ra trên chiến trường Syria. Chính quyền Syria liên tục bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng họ sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến kéo dài suốt gần 7 năm qua.

Nga cũng luôn đứng ra bênh vực chính quyền của Tổng thống Assad trong vấn đề sử dụng vũ khí hóa học.

Cuộc nội chiến kéo dài dai dẳng ở Syria - cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới hiện giờ theo Liên Hợp Quốc, tiếp tục chứng kiến cuộc đối đầu giữa hai cường quốc Nga và Mỹ. Dù hai nước này đang chung tay nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc chiến ở Syria nhưng mâu thuẫn giữa họ vẫn còn tồn tại, khiến nỗ lực này khó thành công. Mỹ tiếp tục ủng hộ cho phe nổi dậy Syria và muốn lật đổ chính quyền Tổng thống Assad. Về phần mình, Moscow kiên quyết phản đối bất kỳ hành động nào nhằm chống lại đồng minh Bashar al-Assad của họ. Nga được cho là đang hậu thuẫn cho quân đội Syria chống lại các phe nhóm nổi dậy cũng như các lực lượng khủng bố.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc