Tướng Nga lộ thông tin về Triều Tiên khiến Mỹ "chết lặng"

15:20, 11/10/2017
|

(VnMedia) - Một tướng cấp cao nghỉ hưu của Nga – ông Viktor Yesin mới đây cho rằng, Triều Tiên sẽ mất từ 4 đến 5 năm để có thể đạt được năng lực tấn công thẳng vào các thành phố trong nước Mỹ và chưa đầy ba năm nữa để có thể tấn công các căn cứ hạt nhân của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Ảnh minh hoạt
Ảnh minh hoạ

“Vào giai đoạn từ năm 2018 đến 2020, Triều Tiên sẽ có thể giải quyết được nhiệm vụ tấn công vào các căn cứ của Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”, hãng tin Interfax dẫn lời Trung tướng nghỉ hưu Viktor Yesin cho hay. Phát biểu trên được vị tướng của Nga đưa ra tại Hội nghị Kỷ niệm 10 năm Diễn Đàn Quốc tế Luxembourg về Ngăn chặn Thảm họa Hạt nhân ở thủ đô Paris ngày hôm qua (10/10).

“Bình Nhưỡng sẽ cần khoảng từ 4 đến 5 năm để có thể giải quyết được nhiệm vụ tấn công vào các thành phố của Mỹ. Đây là điều không thể chấp nhận được đối với Mỹ”, ông Yesin – người cũng từng giữ chức vụ Chỉ huy Bộ Tham mưu Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga, dự báo như vậy.

Ông Yesin nhấn mạnh Bình Nhưỡng sẽ có trong tay tất cả các loại tên lửa từ “tầm ngắn đến xuyên lục địa” trong tương lai gần.

Theo vị tướng nghỉ hưu của Nga, Triều Tiên hiện tại có thể đang có từ 20 đến 30 quả bom hạt nhân. Bình Nhưỡng có thể chế tạo tới 7 vũ khí nguyên tử mỗi năm nhưng con số này “có thể tăng lên tới 10”.

Bình Nhưỡng đang nhanh chóng thúc đẩy phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân khi Mỹ và Hàn Quốc “đang làm trầm trọng tình hình ở bán đảo Triều Tiên với một kịch bản thay đổi chính quyền ở Bình Nhưỡng”, ông Yesin nhận định.

Để ngăn chặn viễn cảnh bán đảo Triều Tiên bị đẩy vào “một cuộc chiến tranh”, rất cần phải làm dịu căng thẳng trong khu vực, cựu quan chức quân sự của Nga nhấn mạnh.

“Bước đầu tiên trên con đường này là thực hiện sáng kiến của Nga và Trung Quốc. Theo đó, Triều Tiên chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Đồng thời cùng lúc đó, Mỹ và Hàn Quốc phải chấm dứt các cuộc tập trận chung”, ông Yesin nói. Chỉ có kế hoạch “chấm dứt kép” này mới có thể tạo cơ sở, nền tảng cho tiến trình đàm phán, đối thoại, vị tướng Nga khẳng định.

Tuy nhiên, trước đó, Mỹ đã thẳng thừng bác bỏ sáng kiến của Nga và Trung Quốc, tuyên bố cứng rắn rằng họ có quyền thực hiện những cuộc tập trận chung với các đồng minh.

Tướng Nga cho rằng, Triều Tiên có thể ngừng các hoạt động phát triển tên lửa và hạt nhân trong 10 năm để đổi lấy lời cam kết của các nước về việc không sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, để điều đó có thể xảy ra, Washington “phải từ bỏ ý tưởng rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran”.

Sự ủng hộ của Bình Nhưỡng cho một thỏa thuận như trên sẽ dựa vào mối quan hệ với Mỹ bởi sẽ không có một thỏa thuận như vậy nếu “viễn cảnh bùng nổ xung đột” vẫn còn.

Moscow và Bắc Kinh luôn nhấn mạnh lập trường rằng cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên chỉ có thể được giải quyết bằng con đường đối thoại. Về phần mình, Washington tuyên bố, hiện tại nước này chỉ chuẩn bị đàm phán với Bình Nhưỡng về vấn đề liên quan đến những người Mỹ bị bắt giữ.

Triều Tiên đã đẩy mạnh tiến trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo kể từ năm 2009 sau khi nước này tẩy chay các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên liên quan đến Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Mỹ. Chỉ từ năm ngoái đến năm nay, Triều Tiên đã tiến hành ba vụ thử hạt nhân và hàng chục vụ phóng tên lửa. Đặc biệt, từ tháng Bảy đến giờ, Bình Nhưỡng đã tiến hành hai vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, một vụ thử bom H và một loạt vụ phóng tên lửa khác.

Sự thách thức cao độ và không ngừng nghỉ của Triều Tiên cùng với những phản ứng mạnh mẽ của các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã đẩy khu vực đến sát miệng vực chiến tranh. Trong khi Nga và Trung Quốc tìm mọi cách làm dịu tình hình vì lo sợ viễn cảnh chiến tranh thì Mỹ dường như đang ngày càng có xu hướng ngả về phương án dùng biện pháp quân sự để xử lý vấn đề Triều Tiên.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc