(VnMedia) - Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang giành thế thượng phong trên chiến trường sau gần 7 năm nổ ra cuộc nội chiến đẫm máu. Tuy nhiên, chính quyền của ông phải đối mặt với một cuộc chiến chính trị, ngoại giao cam go chống lại sự cô lập của quốc tế cũng như cuộc đàm phán với lực lượng người Kurd hùng mạnh.
"Chính quyền thực sự đã giành chiến thắng về mặt quân sự khi giành lại quyền kiểm soát những khu vực lãnh thổ rộng lớn của Syria. Tuy nhiên, nếu nói về một chiến thắng ngoại giao và chính trị thì điều đó là quá sớm và đó chỉ là những phát biểu phóng đại”, ông Karim Bitar - một chuyên gia đến từ Viện Các Vấn đề Chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Paris của Pháp, nhận định.
Được sự hậu thuẫn tích cực và mạnh mẽ của đồng minh Nga từ năm 2015, chính quyền của Tổng thống Assad hiện giờ đã kiểm soát được 52% lãnh thổ. Khu vực nằm trong quyền quản lý của chính quyền là nơi sinh sống của 2/3 dân số hiện tại của Syria.
Phần còn lại của Syria vẫn là nơi tranh chấp giữa các phe nhóm nổi dậy, lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và lực lượng người Kurd.
Bước tiến mạnh mẽ của quân đội Syria trên chiến trường trong suốt nhiều tháng qua cùng với sự suy yếu của phe nổi dậy Syria ôn hòa đã giúp chính quyền của Tổng thống Assad trở lại vị trí quyền lực hàng đầu. "Không còn nghi ngờ gì về việc chính quyền Syria đã giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh chiến lược”, ông Hassan Hassan – một chuyên gia thuộc Viện Chính sách Trung Đông Tahrir ở Mỹ, cho hay.
Theo ông Hassan, hiện giờ, "không ai muốn chính quyền ra đi… Một số lực lượng ủng hộ phe đối lập Syria thực sự muốn chính quyền tiếp tục ở lại. Tình thế đã đảo ngược”.
Tuy vậy, ông Hassan chỉ ra rằng, triển vọng cho một nền hòa bình lâu dài ở Syria vẫn còn rất mong manh và mờ nhạt. "Tôi cho rằng, sẽ vẫn còn những cuộc nổi dậy và tình trạng đó sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều năm”.
Cuộc nội chiến ở Syria đã kéo dài dai dẳng trong suốt gần 7 năm qua và cho đến nay, mọi nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt cuộc nội chiến được khai hỏa từ tháng Ba năm 2011 này đều không thành công.
Hơn 330.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh và hàng loạt vòng đàm phán hòa bình đã diễn ra dưới sự giám sát của 3 đại diện khác nhau của Liên Hợp Quốc đều không đem lại bất kỳ kết quả khả quan nào.
Vòng đàm phán mới nhất giữa chính phủ và phe đối lập Syria dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 28/11 ở Geneva nhưng vẫn chưa rõ hướng đi này sẽ đạt được kết quả đến đâu. Vòng đàm phán ở Geneva đang bị phủ bóng đen bởi một tiến trình đàm phán riêng rẽ khác gọi là Astana do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra làm trung gian. Các vòng đàm phán ở Astana đã đem đến kết quả là việc thiết lập một loạt các vùng an toàn – nơi tình trạng bạo lực đã giảm đáng kể.
Tiến trình đàm phán hòa bình Syria lâu nay vẫn rơi vào bế tắc vì mâu thuẫn không thể giải quyết được giữa chính quyền của Tổng thống Assad và phe đối lập xoay quanh số phận chính trị của Nhà lãnh đạo Syria.
Phe đối lập Syria đến giờ vẫn liên tục khăng khăng đòi Tổng thống Assad phải từ chức – điều mà chính quyền Syria kiên quyết bác bỏ.
Sau khi Liên Hợp Quốc hồi tuần trước công bố một bản báo cáo trong đó đổ lỗi cho quân đội Syria gây ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hồi tháng Tư ở khu vực Khan Sheikhun, Idlib, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tuyên bố, “triều đại của gia đình ông Assad đã đi đến hồi kết".
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Bitar, lập trường của Châu Âu đối với sự ra đi của Tổng thống Assad trong những năm gần đây đã thay đổi đáng kể. “Nhiều diễn viên quan trọng - các cơ quan tình báo, những chuyên gia chống khủng bố, các đảng phái cánh hữu, các nhóm lợi ích kinh tế, các tổ chức lo sợ về làn sóng nhập cư Hồi giáo hiện tại đã mở cơ hội cho chính quyền Syria và họ đang vận động để bình thường hóa quan hệ với Damascus”, ông Bitar cho biết.
Ông Joshua Landis – một giáo sư của trường Đại học Oklahoma, dự đoán Damascus còn có thể sẽ cải thiện quan hệ với một loạt nước láng giềng. “Họ cần người tị nạn trở về nhà và đưa mối quan hệ thương mại quay trở lại trạng thái cũ”, ông Landis phân tích.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc