(VnMedia) - Bóng hồng xinh đẹp, quyến rũ Kseniya Sobchak – người được dự báo sẽ là một đối thủ của Tổng thống quyền lực Vladimir Putin trong cuộc đấu quan trọng vào năm sau, vừa bất ngờ có phát ngôn gây sốc. Phát ngôn này không chỉ đi ngược với chính tuyên bố từng được đưa ra trước đây của bà Sobchak mà còn đi ngược lại với lập trường của phần lớn người dân Nga.
Cụ thể, trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi thông báo quyết định ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống Nga vào đầu năm sau, nữ chính khách xinh đẹp Kseniya Sobchak đã bất ngờ miêu tả Crimea là “một phần lãnh thổ của Ukraine”. Thẳng thừng hơn, bà này còn cho rằng, vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga năm 2014 là hành động vi phạm Biên bản Ghi nhớ Budapest về Đảm bảo An ninh. Biên bản này ràng buộc các nước tham gia ký kết phải tôn trọng sự toàn vẹn của Ukraine.
“Từ lập trường của luật quốc tế, Crimea là của Ukraine”, bà Sobchak hôm qua (24/10) đã phát biểu như vậy. Bà này thừa nhận rằng, có rất nhiều người gốc Nga đang sinh sống ở Crimea và rằng đa số người dân trên bán đảo ủng hộ vụ sáp nhập khu vực của họ vào Liên bang Nga năm 2014. Tuy nhiên, nữ chính khách Sobchak vẫn xem vụ sáp nhập này là một hành động vi phạm Biên bản ghi nhớ Budapest năm 1994.
“Không phải với tư cách là một chính khách mà trên tư cách là một người phụ nữ, với tư cách là Kseniya Sobchak, tôi có thể nói ngay lúc này rằng, điều quan trọng nhất đối với Nga và Ukraine hiện tại là khôi phục quan hệ hữu nghị bằng bất kỳ giá nào”, bà Sobchak nói thêm.
Những phát biểu trên của bà Sobchak về vấn đề Crimea đi ngược lại hoàn toàn với những gì bà này từng tuyên bố trước đây. Hồi tháng Ba năm 2015, bà Sobchak từng phát biểu trên tờ Newsweek của Ba Lan rằng, “giờ đây, việc thảo luận về vấn đề Crimea đã đóng lại. Crimea là một phần của nước Nga và bất kỳ cuộc thảo luận, tranh cãi nào thêm nữa về việc nó nên được trả lại hay không đều không có ý nghĩa”.
Bà Sobchak, 35 tuổi, nổi tiếng là một trong những người có quan hệ giao thiệp rộng rãi hàng đầu ở nước Nga. Bà này còn nổi tiếng ở cả vai trò là một doanh nhân và một nhà báo. Hồi đầu những năm 2000, bà Sobchak từng chủ trì một chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng có tên là ‘Dom-2’ trên đài truyền hình Nga.
Nữ ứng cử viên tổng thống hiện đang làm việc với tư cách là một tổng biên tập của tạp chí L’Officiel phiên bản Nga.
Bà Sobchak còn là người thuộc dòng dõi nổi tiếng trên chính trường Nga. Bà xuất thân trong một gia đình của những chính khách có sự nghiệp thành công. Mẹ bà - bà Lyudmila Narusova là một thượng nghị sĩ kỳ cựu trong khi người cha quá cố của bà - ông Anatoly Sobchak từng là thị trưởng của thành phố St. Petersburg – nơi Tổng thống quyền lực Vladimir Putin bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình. Ông Anatoly Sobchak được coi như người thầy của ông Putin và bản thân Nhà lãnh đạo Nga cũng rất trân trọng cha của bà Sobchak.
Bà Ksenia Sobchak gây chú ý khi hôm 18/10, bà bất ngờ thông báo quyết định chính thức ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống Nga vào năm tới – 2018. Trong lá thư để ngỏ gửi đến tờ Vedomosti ngày 18/10 để thông báo quyết định tranh cử, ứng cử viên tổng thống tiềm năng của Nga – bà Sobchak đã giải thích về động lực thúc đẩy bà đưa ra quyết định tranh cử. Theo lời nữ chính khách xinh đẹp này, bà có dự định tiến hành các cải cách về giáo dục và tư pháp đồng thời mang đến nhiều cơ hội hơn nữa cho những người phụ nữ ở xứ sở Bạch Dương.
Phát biểu của bà Sobchak về bán đảo Crimea gây sốc bởi nó không chỉ đi ngược lại với tuyên bố của chính bà trước đây mà còn đối lập hoàn toàn với quan điểm của phần lớn người dân Crimea nói riêng và người dân Nga nói chung.
Bán đảo Crimea đã chính thức trở thành một phần của nước Nga sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hoàn tất tiến trình sáp nhập hồi tháng 3 năm 2014. Vụ sáp nhập này được tiến hành sau khi Crimea tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý với kết quả là hơn 96% người dân trên bán đảo xinh đẹp này lựa chọn ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập trở lại Nga - nơi họ vẫn luôn coi là “mái nhà” của mình.
Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo nhận được sự ủng hộ rộng khắp của người dân xứ sở Bạch Dương, nhưng lại bị Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) ra sức phản đối. Mỹ và EU đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì vụ sáp nhập nói trên.
Kiệt Linh (theo RT)
Ý kiến bạn đọc