(VnMedia) - Triều Tiên hôm qua (11/10) cáo buộc rằng, Mỹ “đã châm ngòi nổ chiến tranh” và vì thế Mỹ nên là bên phải xuống nước trước. Chỉ có như vậy, Bình Nhưỡng mới chấp nhận đối thoại với Washington.
Phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Itar Tass được công bố ngày hôm qua, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho tuyên bố một cách đầy thách thức rằng, Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân vì bất kỳ điều kiện gì. Đồng thời, nhà ngoại giao hàng đầu của Triều Tiên cũng cáo buộc Mỹ đã “châm ngòi nổ chiến tranh” và vì thế theo ông này, Mỹ nên chấm dứt các hành động thù địch trước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump – người đang có cuộc khẩu chiến gay gắt với Bình Nhưỡng và đang liên tục đe dọa dùng hành động quân sự với Triều Tiên, chính là người “đã châm ngòi nổ chiến tranh”, ông Ri cho biết. Vì lý do trên, “kho vũ khí hạt nhân là năng lực răn đe mà chúng tôi cần có để đảm bảo hòa bình và an ninh trong khu vực cũng như quyền được tồn tại và phát triển của đất nước Triều Tiên”, ông Ri nhấn mạnh.
Các biện pháp trừng phạt được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng là một sản phẩm của chính sách thù địch của Washington đối với Triều Tiên, nhà ngoại giao cấp cao của Triều Tiên phát biểu đồng thời nói thêm rằng Mỹ đang tìm cách tập hợp nhiều nước hơn nữa dưới trướng của nước này để tăng cường siết chặt các biện pháp trừng phạt quanh Triều Tiên.
“Mỹ những ngày này đang thực hiện một chính sách trừng phạt nhằm vào hai nước - Triều Tiên và Nga, đồng thời tìm cách bắt Nga phải tham gia vào chính sách trừng phạt Triều Tiên với mục tiêu gây mâu thuẫn, bất hòa giữa hai nước”, vị quan chức ngoại giao của Bình Nhưỡng cáo buộc.
Nga liên tục cảnh báo những nỗ lực nhằm gây sức ép với Triều Tiên thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình tên lửa, hạt nhân chỉ làm phức tạp thêm cuộc đối đầu, đặc biệt là trong bối cảnh giữa Washington và Bình Nhưỡng đang có cuộc khẩu chiến dai dẳng không dứt mà ở đó mỗi bên đều đe dọa phá hủy nhau.
“Tăng cường kích động về quân sự trong bối cảnh như vậy là vô nghĩa. Đó là sự bế tắc. Nó có thể dẫn tới một thảm họa toàn cầu, gây tổn thất khủng khiếp về con người. Không có cách nào khác để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên ngoài biện pháp đối thoại hòa bình”, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng phát biểu như vậy hồi tháng 9, chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên vừa tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6.
“Họ sẽ ăn cỏ, nhưng sẽ không chấm dứt chương trình chừng nào họ vẫn còn cảm thấy chưa an toàn”, ông Putin đã chỉ ra như vậy.
Bình Nhưỡng dường như chia sẻ lập trường tương tự khi Ngoại trưởng nước này hôm qua một lần nữa nhắc lại lập trường của Triều Tiên rằng, điều kiện duy nhất để Mỹ và Triều Tiên có thể tiến hành đối thoại trực tiếp với nhau là Mỹ “nên từ bỏ chính sách thù địch và những lời đe dọa tấn công hạt nhân nhằm vào Triều Tiên”.
Tuy nhiên, Mỹ không mấy mặn mà với việc đàm phán với Bình Nhưỡng. Trong khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Washington vẫn duy trì các cuộc tiếp xúc với giới chức Triều Tiên thì Tổng thống Trump thẳng thừng phát biểu rằng ông Tillerson không nên “phí thời gian để tìm cách đối thoại với Người đàn ông Tên lửa bé nhỏ”, ám chỉ đến Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.
Theo lời Ngoại trưởng Triều Tiên Ri, có khả năng Bình Nhưỡng và Seoul đối thoại với nhau nhưng chỉ khi Hàn Quốc thực hiện một chính sách độc lập của riêng mình thay vì mù quáng theo chân Mỹ.
“Chừng nào Hàn Quốc còn bám lấy các biện pháp trừng phạt và gây áp lực nhằm vào chúng tôi, theo chân Mỹ thì chúng tôi không nhìn thấy bất kỳ triển vọng nào để cải thiện quan hệ liên Triều”, ông Ri nhấn mạnh.
Triều Tiên đang thể hiện một lập trường ngày một thách thức cao độ. Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc cũng quyết liệt không kém khi tung ra hàng loạt lời đe dọa, các biện pháp trừng phạt và cả những hành động quân sự gây giật mình. Tất cả diễn biến này đang đẩy bán đảo Triều Tiên ngày một tiến sát hơn đến miệng hố chiến tranh.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc