Bất ngờ phóng tên lửa ồ ạt từ ba "mặt trận", Nga đang cảnh cáo đối thủ?

17:06, 27/10/2017
|

(VnMedia) - Nga hôm qua (26/10) đã bất ngờ phóng đi một loạt tên lửa từ “mặt đất, trên không và trên biển” như một phần của chương trình hạt nhân chiến lược, Bộ Quốc phòng Nga thông báo.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân tham dự cuộc tập trận của Lực lượng Hạt nhân Chiến lược của Nga. Cũng theo ông Peskov, “Tư lệnh tối cao quân đội Nga đã tự mình thực hiện vụ phóng 4 tên lửa đạn đạo”.

"Trong cuộc tập trận, sự phối hợp và tương tác giữa Lực lượng Tên lửa Chiến lược, lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Hạm đội Phương Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương, cùng với lực lượng máy bay tầm xa của Không quân Nga đã được thực hiện một cách nhuần nhuyễn”, phát ngôn viên Peskov cho hay.

​Một tàu ngầm hạt nhân từ Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã thực hiện phóng hai quả tên lửa đạn đạo liên tiếp từ Biển Okhotsk và một tàu ngầm hạt nhân của Hạm đội Phương Bắc đã phóng các tên lửa đạn đạo từ Biển Barents nhằm vào loạt mục tiêu ở rặng núi Kamchatka.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, những chiếc máy bay ném bom tầm xa Tu-160, Tu-95MS và Tu-22M3 cũng đã tham gia tập trận. Lực lượng máy bay này đã cất cánh từ các căn cứ không quân Ukrainka, Engels và Shaikivka. Chúng đã phóng đi một loạt tên lửa hành trình nhằm vào các mục tiêu ở Kura (Kamchatka), Pemba (Cộng hòa Komi) và Terekta (Kazakhstan).

Cũng trong khuôn khổ cuộc tập trận, một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân - Topol-M cũng đã được phóng đi từ khu thử Kura ở vùng Viễn Đông của Nga.

Tên lửa Topol có tầm bắn khoảng 11.000km và có thể mang một đầu đạn hạt nhân với sức công phá 550 kiloton. Topol có khả năng miễn nhiễm trước bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo nào của Mỹ hiện nay và trong tương lai. Topol-M cũng có thể vô hiệu hóa các hệ thống radar. Tuổi thọ của loại tên lửa này kéo dài tới 23 năm.

Tên lửa Topol-M cùng với tên lửa RS-24 sẽ là chủ lực của bộ phận triển khai trên mặt đất trong bộ ba hạt nhân của Nga. Hai loại tên lửa này sẽ chiếm không dưới 80% kho vũ khí của Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga vào năm 2016.

Vào năm 2020, Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga có kế hoạch trang bị hơn 170 tên lửa Topol-M (cả di động và trong hầm cố định).

Tên lửa Topol-M đặt toàn bộ Châu Âu và bờ biển phía đông của Mỹ vào trong tầm bắn.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố rằng, các lực lượng quân sự của Nga “đã tiến hành một cuộc tập trận nhằm thử thách năng lực của các lực lượng hạt nhân chiến lược” và các nhiệm vụ huấn luyện đã được hoàn thành một cách thành công.

Động thái phóng tên lửa ồ ạt trên của Nga diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với NATO tiếp tục leo thang căng thẳng vì một loạt diễn biến quân sự gần đây. Chính vì thế, cuộc tập trận lần này được xem là một lời cảnh cáo nghiêm khắc của Nga gửi đến NATO sau khi liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương gần đây có nhiều bước đi quân sự ngay sát biên giới Nga, khiến Moscow lo lắng không yên.

Quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO thậm chí đang triển khai các lực lượng hàng nghìn quân đến đóng tại các khu vực sát với biên giới Nga.

Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Nga liên tục cáo buộc NATO muốn bành trướng vào khu vực ảnh hưởng hậu Xô-viết của Nga. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm sẵn sàng đối phó và đáp trả NATO.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc