(VnMedia) - Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên để trả đũa cho vụ thử hạt nhân mới nhất cũng là mạnh nhất của nước này hôm 3/9. Đây là điều bất ngờ bởi trước đó Nga và Trung Quốc vẫn thể hiện sự phản đối đối với bản dự thảo nghị quyết được Mỹ trình lên này.
Nghị quyết trừng phạt mới cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng dệt may đồng thời hạn chế số lượng dầu thô và các sản phẩm xăng dầu mà Triều Tiên có thể nhập khẩu. Khí đốt cũng nằm trong số những mặt hàng mà Triều Tiên bị hạn chế nhập theo nghị quyết trừng phạt mới.
Theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nếu các nước xung quanh Triều Tiên có lý do để nghi ngờ những chiếc tàu đến Triều Tiên đang chở các mặt hàng bị cấm thì họ có quyền tiến hành kiểm tra các tàu đó.
Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Đảng Lao động Triều Tiên, trong đó có Ủy ban Quân sự Trung ương, cũng như cá nhân Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Pak Yong Sik.
Các biện pháp trừng phạt trên được tung ra nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân thứ sáu của Triều Tiên. Nghị quyết trừng phạt đã được tất cả các thành viên của Hội đồng Bảo an bỏ phiếu nhất trí ủng hộ, trong đó có cả Nga và Trung Quốc.
Sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc đối với nghị quyết trừng phạt mới là điều bất ngờ bởi trước đó cả Nga và Trung Quốc đều có một loạt phát biểu cho rằng, việc theo đuổi con đường trừng phạt, gây sức ép với Triều Tiên là vô ích. Moscow và Bắc Kinh đều đồng lòng lên tiếng kêu gọi tiến hành đối thoại, đàm phán để tháo gỡ vấn đề.
Hơn nữa, cả Moscow và Bắc Kinh đều phản đối việc Mỹ tăng cường sức ép lên Triều Tiên bằng việc tính đến chuyện cấm bán dầu mỏ và khí đốt cho Triều Tiên bởi hai nước trên tin rằng, những biện pháp đó có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.
Nga vốn có mối quan hệ thân thiết với Triều Tiên. Trong khi đó, Trung Quốc là đồng minh lớn duy nhất cũng là nhà viện trợ lớn nhất của Triều Tiên.
Sở dĩ cả Nga và Trung Quốc phản đối biện pháp cắt đứt nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho Triều Tiên là vì họ đều lo sợ viễn cảnh một Triều Tiên bất ổn, khó lường ở ngay sát nước họ. Bình Nhưỡng có một tầm quan trọng đặc biệt với Trung Quốc. Triều Tiên có vai trò là vùng đệm an toàn cho Trung Quốc. Một Triều Tiên bất ổn sẽ gây bất lợi lớn cho Trung Quốc bởi điều đó có thể đồng nghĩa với việc một làn sóng di cư mạnh mẽ từ Triều Tiên đổ vào Trung Quốc, tạo ra gánh nặng lớn cho nền kinh tế nước này. Đáng lo ngại hơn, một Triều Tiên đổ vỡ đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ ở sát ngay ngưỡng cửa của Trung Quốc. Đây là viễn cảnh mà Trung Quốc không bao giờ muốn phải đối mặt. Vì thế, dù bất mãn với chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, Trung Quốc vẫn hành động một cách rất thận trọng.
Trung Quốc đã phải đối mặt với sức ép mạnh mẽ từ Mỹ và phương Tây đòi họ phải gây ảnh hưởng với đồng minh Triều Tiên để buộc nước này thoái lui trong chương trình tên lửa và hạt nhân.
Sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc cho thấy, cả hai bên đều đã có sự nhượng bộ nhất định. Cụ thể, Nga và Trung Quốc đã ủng hộ nghị quyết trừng phạt mới nhưng rõ ràng các biện pháp trừng phạt đã được giảm nhẹ đi. Theo đó, thay vì cắt đứt nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho Triều Tiên, biện pháp trừng phạt đã được giảm xuống là hạn chế nguồn cung cấp.
Phát biểu sau khi nghị quyết trừng phạt được thông qua, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho biết, “mối quan hệ mạnh mẽ” giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một nhân tố quan trọng giúp thúc đẩy việc thông qua nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên.
Nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, “nếu Triều Tiên nhất trí ngừng chương trình hạt nhân, họ có thể có lại tương lai của mình. Họ nếu chứng minh họ có thể sống trong hòa bình thì thế giới sẽ sống trong hòa bình với họ”.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc