(VnMedia) - Mỹ đang vận động Liên Hợp Quốc áp dụng lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Triều Tiên và phong tỏa tài sản của Chủ tịch Kim Jong Un. Nỗ lực này của Mỹ ngay lập tức vấp phải phản ứng của phía Nga và Trung Quốc – hai thành viên thường trực có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Bản dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã đề xuất không chỉ lệnh cấm cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho Triều Tiên mà còn yêu cầu ngừng nhập khẩu hàng dệt may cũng như trả lương cho các công nhân Triều Tiên làm việc cho nước ngoài, cắt đứt nguồn thu nhập của chính quyền Chủ tịch Kim Jong Un.
Gói các biện pháp được đề xuất trong bản dự thảo nói trên sẽ là những biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất từ trước đến nay nhằm vào Triều Tiên. Bản dự thảo nghị quyết trừng phạt còn nhằm trực tiếp vào giới lãnh đạo Triều Tiên, trong đó đề xuất phong tỏa tài sản của Chủ tịch Kim Jong Un cũng như giới chức trong chính phủ Triều Tiên và trong Đảng Lao động Triều Tiên.
Chủ tịch Kim Jong Un cùng với 4 quan chức cấp cao khác của Bình Nhưỡng sẽ được đưa vào danh sách đen của Liên Hợp Quốc, theo đó họ sẽ bị cấm đi lại trên toàn cầu.
Hãng hàng không nhà nước của Triều Tiên - Air Koryo cũng sẽ bị phong tỏa tài sản cùng với Quân đội Nhân dân Triều Tiên và 8 tập đoàn khác có liên quan đến chính quyền của ông Kim Jong Un, liên quan đến quân đội và đảng cầm quyền ở Triều Tiên.
Các nước sẽ được phép “sử dụng mọi phương tiện cần thiết” để tịch thu và kiểm tra những chiếc tàu chở hàng hóa của Triều Tiên nằm trong danh sách của Liên Hợp Quốc, bản dự thảo nghị quyết dài 13 trang đã nói như vậy. 9 tàu của Triều Tiên sẽ được đưa vào danh sách đen.
Ngoài ra, bản dự thảo nghị quyết còn đưa ra biện pháp trừng phạt là hủy bỏ mọi hoạt động liên doanh của các nước với Triều Tiên.
Mỹ đang tích cực vận động để bản dự thảo nghị quyết trừng phạt nói trên được thông qua nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân thứ sáu cũng là vụ thử hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay của Triều Tiên.
Mỹ đã gửi bản dự thảo nghị quyết đến cho 14 nước thành viên khác của Hội đồng Bảo an hai ngày sau khi Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc – bà Nikki Haley kêu gọi các nước “tung ra các biện pháp mạnh nhất có thể” để trừng phạt Triều Tiên.
Bà Haley cho hay, Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua bản dự thảo nghị quyết nói trên vào thứ Hai tới (11/9). Tuy nhiên, đang có câu hỏi được đặt ra là liệu Nga và Trung Quốc – hai thành viên thường trực có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, có chấp nhận bỏ phiếu đồng ý thông qua những biện pháp trừng phạt được cho là có thể “chặn đường sống” của Triều Tiên này hay không.
Nga, Trung phản ứng
Trung Quốc từ lâu đã luôn miễn cưỡng không muốn áp dụng các biện pháp có thể gây bất ổn hay tạo ra một làn sóng tị nạn từ nước láng giềng Triều Tiên vào nước họ. Nga cũng phản ứng với việc tung ra các đòn trừng phạt mạnh tay về kinh tế nhằm vào Triều Tiên bởi điều này có thể làm trầm trọng cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Trung Quốc luôn được tin là nước duy nhất có ảnh hưởng lớn đến Triều Tiên. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là nhà cung cấp viện trợ lớn nhất cho Triều Tiên. Trung Quốc cũng luôn đứng ra bênh vực Triều Triêu trong những cuộc đối đầu của nước này với các cường quốc phương Tây và các nước láng giềng. Dù phản đối các hoạt động hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Bắc Kinh lâu nay vẫn cố gắng tránh không làm tổn thương mối quan hệ với Bình Nhưỡng bởi Triều Tiên có một tầm quan trọng đặc biệt với Trung Quốc. Triều Tiên có vai trò là vùng đệm an toàn cho Trung Quốc. Một Triều Tiên bất ổn sẽ gây bất lợi lớn cho Trung Quốc. Bởi nó có thể đồng nghĩa với việc một làn sóng di cư mạnh mẽ từ Triều Tiên đổ vào Trung Quốc, tạo ra gánh nặng lớn cho nền kinh tế nước này. Đáng lo ngại hơn, một Triều Tiên đổ vỡ đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ ở sát ngay ngưỡng cửa của Trung Quốc. Đây là viễn cảnh mà Trung Quốc không bao giờ muốn phải đối mặt. Vì thế, dù bất mãn với chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, Trung Quốc vẫn hành động một cách rất thận trọng.
Trong khi đó, về phía Nga, trong cuộc hội đàm gần đây với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In, Tổng thống Putin đã thẳng thừng bác bỏ biện pháp trừng phạt là cắt nguồn cung cấp dầu mỏ cho Bình Nhưỡng. Nhà lãnh đạo Nga được cho là đã nói rằng, ông lo ngại biện pháp chặn nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho Triều Tiên sẽ làm tổn thương đến dân thường, trong đó có các bệnh viện.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc