Bị Mỹ dọa trừng phạt, Trung Quốc nổi cơn thịnh nộ

12:31, 05/09/2017
|

(VnMedia) - Trung Quốc hôm qua (4/9) tức giận lên tiếng chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump về lời đe dọa cắt đứt quan hệ thương mại của Mỹ với các nước đang có giao dịch với Triều Tiên. Trung Quốc cũng thẳng thừng bác bỏ những áp lực đang dồn lên buộc nước này phải nỗ lực hơn nhằm ngăn chặn chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Tổng thống Trump đã đưa ra lời đe dọa nói trên sau khi Triều Tiên gây rúng động thế giới bằng vụ thử hạt nhân thứ sáu hôm Chủ nhật (3/9). Đây là vụ nổ hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay của Triều Tiên. Lời đe dọa của ông Trump được cho là lời cảnh báo nhằm trực tiếp vào Trung Quốc – đối tác thương mại chính và cũng là đồng minh duy nhất của Triều Tiên.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc – ông Geng Shuang đã chỉ trích lập trường của Tổng thống Trump, nói rằng đó là điều không công bằng với Bắc Kinh.

"Điều chắc chắn không thể chấp nhận được với chúng tôi là, một mặt chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để giải quyết vấn đề này bằng biện pháp hòa bình trong khi mặt khác các lợi ích của chúng tôi đang bị đe dọa và đang phải đối mặt với sự trừng phạt. Đó là điều không công bằng”, ông Geng đã nói như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ.

Một phương pháp tiếp cận như vậy sẽ là rất quyết liệt nếu áp dụng với Trung Quốc bởi Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc giá trị hàng hóa lên tới 40 tỉ USD/1 tháng.

Tổng thống Trump cho hay, biện pháp cắt đứt quan hệ thương mại đang được cân nhắc “ngoài các lựa chọn khác”.

Khi được hỏi liệu Bắc Kinh có ủng hộ Liên Hợp Quốc thông qua những biện pháp trừng phạt hà khắc hơn nữa như cắt đứt nguồn cung cấp dầu mỏ cho Triều Tiên, phát ngôn viên Geng không đả động gì đến vấn đề dầu mỏ nhưng cho biết dù chuyện gì xảy ra sẽ phụ thuộc vào các cuộc thảo luận giữa các nước thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ông Geng nhấn mạnh, Trung Quốc với tư cách là một trong năm thành viên thường trực có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ tham gia vào “con đường có trách nhiệm và mang tính xây dựng”.

Ông Geng bày tỏ sự tức giận trước phát biểu của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull về việc Bắc Kinh có trách nhiệm phải gây áp lực với Triều Tiên bởi nước này có vị thế là đối tác thương mại chính của Triều Tiên.

"Chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh rằng, chúng ta không thể chỉ dựa duy nhất vào Trung Quốc để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Chúng tôi cần tất cả các bên cùng nỗ lực theo hướng này”, ông Geng nhấn mạnh.

Vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên có thể sẽ dồn thêm nhiều áp lực hơn nữa lên Trung Quốc, đòi nước này phải cứng rắn hơn với láng giềng Triều Tiên, cũng là đồng minh của họ. Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như hoài nghi về khả năng các biện pháp trừng phạt về kinh tế có thể có tác dụng trong việc tháo gỡ cuộc khủng hoảng này.

Trung Quốc luôn được tin là nước duy nhất có ảnh hưởng lớn đến Triều Tiên. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là nhà cung cấp viện trợ lớn nhất cho Triều Tiên. Trung Quốc cũng luôn đứng ra bênh vực Triều Triêu trong những cuộc đối đầu của nước này với các cường quốc phương Tây và các nước láng giềng. Dù phản đối các hoạt động hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Bắc Kinh lâu nay vẫn cố gắng tránh không làm tổn thương mối quan hệ với Bình Nhưỡng bởi Triều Tiên có một tầm quan trọng đặc biệt với Trung Quốc. Triều Tiên có vai trò là vùng đệm an toàn cho Trung Quốc. Một Triều Tiên bất ổn sẽ gây bất lợi lớn cho Trung Quốc. Bởi nó có thể đồng nghĩa với việc một làn sóng di cư mạnh mẽ từ Triều Tiên đổ vào Trung Quốc, tạo ra gánh nặng lớn cho nền kinh tế nước này. Đáng lo ngại hơn, một Triều Tiên đổ vỡ đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ ở sát ngay ngưỡng cửa của Trung Quốc. Đây là viễn cảnh mà Trung Quốc không bao giờ muốn phải đối mặt.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đang ngày càng trở nên mất kiên nhẫn với hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa đầy thách thức mà Triều Tiên liên tiếp thực hiện trong thời gian qua. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với sức ép mạnh mẽ từ Mỹ và phương Tây đòi cường quốc Châu Á phải ảnh hưởng của mình nhằm buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình tên lửa và hạt nhân.

Triều Tiên đã đẩy mạnh tiến trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo kể từ năm 2009 sau khi nước này tẩy chay các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên liên quan đến Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Mỹ. Chỉ từ năm ngoái đến năm nay, Triều Tiên đã tiến hành ba vụ thử hạt nhân và hàng chục vụ phóng tên lửa.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc