(VnMedia) - Trung Quốc cam kết sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế riêng của bản thân để thực thi nghiêm chỉnh các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên. Gói biện pháp trừng phạt mới được cho là sẽ gây tổn thất lớn về kinh tế đối với Triều Tiên bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của nước này. Mặc dù thể hiện sự cứng rắn với Bình Nhưỡng, Bắc Kinh vẫn cùng với Moscow kêu gọi nối lại tiến trình đàm phán 6 bên để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Thừa nhận rằng Trung Quốc sẽ là nước phải chịu tổn thất lớn nhất khi những biện pháp trừng phạt mới được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nhằm vào Triều Tiên có hiệu lực, Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi đã gây bất ngờ khi đưa ra cam kết khẳng định Bắc Kinh sẽ không ngần ngại khi thực thi toàn diện gói biện pháp trừng phạt mới.
“Nếu chúng tôi xem xét đến bối cảnh mối quan hệ kinh tế truyền thống giữa Trung Quốc và Triều Tiên, chính Trung Quốc sẽ phải trả giá nhiều nhất cho việc thực thi nghị quyết trừng phạt mới nhất”, Ngoại trưởng Wang Yi hôm nay (8/8) cho biết tại diễn đàn ASEAN ở thủ đô Manila.
Ngoại trưởng Wang Yi còn nói Trung Quốc sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế của mình “cho việc bảo vệ và ủng hộ hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân của quốc tế và cho việc duy trì hòa bình cũng như sự ổn định trong khu vực”.
Ông Wang khẳng định, Bắc Kinh luôn chú ý đến các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Triều Tiên và nghị quyết mới nhất không phải là ngoại lệ.
Phát biểu về các con đường giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân, Ngoại trưởng Wang lên tiếng kêu gọi tất cả các bên có liên quan nối lại tiến trình đàm phán 6 bên. Tiến trình đàm phán 6 bên có mục tiêu là tìm ra các giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, với sự tham gia của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Nga và Triều Tiên. Tiến trình này đã bị đình trệ từ năm 2009 khi Bình Nhưỡng tuyên bố tẩy chay các cuộc đàm phán và tuyên bố nối lại chương trình hạt nhân của họ.
Bình luận về việc Mỹ gần đây lên tiếng bảo đảm rằng nước này không có ý định lật đổ chính quyền của Chủ tịch Kim Jong Un cũng như không có ý định thúc đẩy tiến trình thống nhất liên Triều, ông Wang cho biết, ông hy vọng Bình Nhưỡng sẽ theo bước Mỹ thể hiện sự nhượng bộ.
Phát biểu tại diễn đàn an ninh cấp bộ trưởng ASEAN ngày hôm qua (7/8), Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson rõ ràng đã đưa ra một điều kiện để khởi động tiến trình đàm phán trực tiếp giữa Mỹ với Triều Tiên. Đó là Bình Nhưỡng “ngừng các vụ phóng tên lửa” và đây sẽ là “tín hiệu tốt nhất mà Triều Tiên có thể phát đi cho chúng tôi để thể hiện thiện chí họ sẵn sàng đàm phán.”
Trung Quốc luôn được tin là nước duy nhất có ảnh hưởng lớn đến Triều Tiên. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là nhà cung cấp viện trợ lớn nhất cho Triều Tiên. Trung Quốc cũng luôn đứng ra bênh vực Triều Triêu trong những cuộc đối đầu của nước này với các cường quốc phương Tây và các nước láng giềng. Dù phản đối các hoạt động hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Bắc Kinh lâu nay vẫn cố gắng tránh không làm tổn thương mối quan hệ với Bình Nhưỡng bởi Triều Tiên có một tầm quan trọng đặc biệt với Trung Quốc. Triều Tiên có vai trò là vùng đệm an toàn cho Trung Quốc. Một Triều Tiên bất ổn sẽ gây bất lợi lớn cho Trung Quốc. Bởi nó có thể đồng nghĩa với việc một làn sóng di cư mạnh mẽ từ Triều Tiên đổ vào Trung Quốc, tạo ra gánh nặng lớn cho nền kinh tế nước này. Đáng lo ngại hơn, một Triều Tiên đổ vỡ đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ ở sát ngay ngưỡng cửa của Trung Quốc. Đây là viễn cảnh mà Trung Quốc không bao giờ muốn phải đối mặt.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đang ngày càng trở nên mất kiên nhẫn với hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa đầy thách thức mà Triều Tiên liên tiếp thực hiện trong thời gian qua.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với sức ép mạnh mẽ từ Mỹ đòi cường quốc Châu Á phải ảnh hưởng của mình nhằm buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình tên lửa và hạt nhân.
Không rõ sự quyết liệt của Trung Quốc có khiến Triều Tiên phải chùn bước, thoái lui trong vấn đề hạt nhân và tên lửa hay không.
Triều Tiên đã đẩy mạnh tiến trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo kể từ năm 2009 sau khi nước này tẩy chay các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên liên quan đến Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Mỹ. Chỉ từ năm ngoái đến năm nay, Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân và hàng chục vụ phóng tên lửa. Riêng trong tháng Bảy, Bình Nhưỡng đã gây rúng động thế giới khi tiến hành hai vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa – loại tên lửa được cho là có thể vươn tới lãnh thổ của Mỹ.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc